Dấu hiệu cảnh báo lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu
Bác sĩ Đàm Thị Thanh Tâm - khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae và ngoại độc tố của nó gây ra. C.diphtheriae có thể lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn.
Một số người lành có thể mang mầm bệnh trong mũi, họng trung bình 3 - 4 tuần, có khi tới 16 tháng. Trong điều kiện thiếu ánh sáng, vi khuẩn có thể tồn tại tới 6 tháng, sống lâu hơn trên đồ chơi của trẻ nhiễm bệnh, áo choàng của nhân viên y tế… Chúng có thể chết trong 10 phút ở 58 độ C và sau vài tiếng dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Do đó, sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt, tiếp xúc bề mặt có dính dịch tiết từ người bệnh hoặc người mang mầm bệnh, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng cũng dễ lây nhiễm vi khuẩn.
Theo BS Tâm, đối với thể bạch hầu họng thông thường, các triệu chứng của bệnh thường bắt đầu 2-5 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Người bệnh có thể sốt nhẹ, đau rát họng, đau mũi, chảy dịch mũi, mệt mỏi, da tái, nổi hạch cổ. Sau đó bệnh nhân xuất huyết giả mạc vùng họng và lan nhanh xuống lưỡi gà, màn hầu. Nếu được điều trị kịp thời, giả mạc hết nhanh trong 1-3 ngày, người bệnh hết sốt, có thể hồi phục sức khỏe sau 2-3 tuần.
Thể bệnh bạch hầu thanh quản đôi khi diễn biến nhanh, nguy hiểm. Giả mạc lan xuống thanh quản kèm theo xung huyết, phù nề thanh quản. Ngoài các biểu hiện giống bạch hầu họng, người bệnh khó thở, thậm chí ngạt thở đến đến suy hô hấp, tử vong. Một số thể bạch hầu ít gặp như bạch hầu mắt, bạch hầu mũi, bạch hầu da, bạch hầu rốn, bạch hầu âm đạo... Đa số các thể bệnh này thường nhẹ hơn, tiên lượng điều trị tốt hơn.
BS Tâm cho biết, đối tượng có nguy cơ cao gồm người chưa có miễn dịch với vi khuẩn như đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, trẻ dưới 15 tuổi, người đi du lịch đến vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với người mang vi khuẩn, sống trong điều kiện đông đúc hoặc mất vệ sinh, người bị suy giảm miễn dịch. Người đã tiêm phòng hoặc từng mắc bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm nếu miễn dịch cơ thể suy yếu, không biết cách phòng tránh bệnh đúng cách.
Để phòng lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu, người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch để duy trì khả năng miễn dịch.
Nếu có biểu hiện mắc bệnh hoặc nghi ngờ tiếp xúc với người bệnh, cần khai báo với cơ quan y tế để được hướng dẫn, đi khám để được theo dõi, chẩn đoán, điều trị và tuân thủ cách ly để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.