Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch
Sau một thời gian im ắng, câu chuyện cải tạo dòng sông Tô Lịch mới đây lại được nhắc đến. Người dân Hà Nội lại thêm hy vọng, dòng sông hồi sinh không chỉ làm đẹp cảnh quan cho Thủ đô mà còn giảm đảo nhiệt đô thị, giảm ô nhiễm môi trường, tăng tính đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng... “Dải lụa xanh” chảy qua các con phố có thể sẽ tạo ra điểm nhấn cho Thủ đô.
Sông Tô Lịch dài 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), chảy ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Ước tính, mỗi ngày dòng sông phải tiếp nhận hơn 150.000m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ hơn 300 cống xả thải lớn nhỏ, vì thế, ô nhiễm dòng sông ngày càng trầm trọng.
Nhiều lần “giải cứu” bất thành
Hà Nội đã nhiều lần tiến hành giải cứu dòng sông Tô Lịch, nhưng kết quả lần nào cũng quay về vạch xuất phát. Mới đây, khi HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt vấn đề phải giải quyết triệt để ô nhiễm, làm sống lại hình ảnh các dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô, việc giải cứu dòng sông Tô Lịch lại được đưa ra bàn luận.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ phân vùng xử lý nước thải theo khu vực với quy mô phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong thu gom và công suất xử lý. Đảm bảo quy mô nhà máy xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu phát triển trên địa bàn Thủ đô, tạo dòng chảy các sông Tô Lịch, sông Tích, góp phần làm sạch sông, hồ trong đô thị trung tâm. Đặc biệt, hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng. Qua đó góp phần nâng cao mực nước sông Hồng, tăng khả năng lấy nước vào các sông Đáy - Nhuệ, Tô Lịch và nhiều hệ thống công trình thủy lợi khác...
Trong các phương án hồi sinh dòng sông Tô Lịch, nổi bật là dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m³/ngày đêm, được khởi công vào tháng 10/2016. Hiện sau 8 năm, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) cũng đang gấp rút hoàn thiện nhiều hạng mục quan trọng để vận hành thử vào cuối năm nay. Với hệ thống đường cống ngầm khổng lồ trong lòng đất có chức năng thu gom toàn bộ nước thải xả ra dòng sông Tô Lịch đang dần được hoàn thành, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá trong việc phục hồi cảnh quan môi trường của dòng sông.
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, sông Tô Lịch nói riêng và hệ thống sông của Hà Nội nói chung bị ô nhiễm từ nhiều năm nay do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là do hoạt động xả thải trực tiếp mà không qua xử lý. Vì vậy việc thu gom và xử lý nước thải của dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá rất được kỳ vọng.
Theo bà An, sau khi vấn đề môi trường được xử lí thì vấn đề cảnh quan 2 bên bờ sông cũng cần được quan tâm. Trước hết 2 bờ sông phải đẹp và sạch. Nhưng xây dựng cảnh quan thế nào thì cần đến các kiến trúc sư. Bởi dòng sông này chảy qua nhiều phường, quận, vì vậy cảnh quan phải phù hợp với văn hóa của từng địa phương, không thể khoác tấm áo đồng phục cho 2 bên bờ sông.
Tạo sức hấp dẫn mới cho Thủ đô
Nhận định về tiềm năng du lịch của dòng sông sau khi vấn đề ô nhiễm môi trường được xử lý, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, Hà Nội vốn đã là điểm đến hấp dẫn của du khách, nếu làm sạch được sông Tô Lịch và một số dòng sông khác thì đó chính là một sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cho biết, việc làm sạch và chỉnh trang sông Tô Lịch không chỉ mang lại môi trường sống tốt hơn cho người dân mà còn mở ra nhiều cơ hội để phát triển du lịch bền vững, tạo sức hấp dẫn mới cho Hà Nội.
Theo ông Quỳnh, sông Tô Lịch chảy qua nhiều khu vực đông dân cư và nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô, từ đó tiếp cận dễ dàng hơn với du khách. Dòng sông có thể được tích hợp vào các tour du lịch hiện có, kèm theo việc tạo ra các sản phẩm mới, làm phong phú thêm lựa chọn cho du khách. Việc phát triển du lịch quanh sông Tô Lịch sẽ tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân địa phương, cải thiện kinh tế cộng đồng.
“Không gian xanh, môi trường trong lành sẽ là điểm cộng cho cư dân sống gần sông, đồng thời thu hút người dân đến tham quan và thư giãn” - ông Quỳnh chia sẻ.
“Du thuyền kết hợp với dịch vụ ẩm thực, biểu diễn nhạc sống hoặc nghệ thuật truyền thống vào buổi tối. Xây dựng các con đường dạo bộ xanh dọc bờ sông, kết hợp với các khu vực nghỉ chân, quán cafe, cửa hàng bán đồ lưu niệm... Ngoài ra có thể tạo làn đường dành riêng cho xe đạp, khuyến khích du khách và người dân sử dụng xe đạp để bảo vệ môi trường. Phát triển tổ hợp khu vui chơi nước, tàu lượn, thuyền kayak, paddleboard… Xây dựng các bảo tàng nhỏ hoặc trung tâm văn hóa dọc bờ sông để giới thiệu về lịch sử và văn hóa Hà Nội, tổ chức các phiên chợ đêm giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ” - theo ông Quỳnh.
PGS.TS Dương Văn Sáu - nguyên Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cũng cho rằng, quan trọng nhất là xây dựng, chỉnh trang cảnh quan trên sông dọc theo các thủy trình nội đô. Chúng ta hoàn toàn có thể biến những dòng sông ô nhiễm trở thành những con đường xanh, những con đường hoa giữa lòng thành phố. Sản phẩm du lịch đường sông chính là các chương trình du lịch đường thủy nội địa gắn kết các địa danh văn hóa - lịch sử là các di tích, làng nghề, lễ hội truyền thống ở các địa danh ven 2 bờ của các dòng sông.
Trong quy hoạch phát triển đô thị của Hà Nội, các sông hồ là cấu phần quan trọng hàng đầu trong việc tạo lập không gian sống, không gian văn hóa - môi trường - kinh tế có giá trị cao và riêng biệt của thành phố. Chính vì vậy, việc cải tạo, biến dòng Tô Lịch trở nên trong xanh, tiếp tục được người dân đặt nhiều kỳ vọng.
KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:
Mang tới nhiều giá trị
Với vị trí đặc biệt trong hệ thống sông của Hà Nội, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có quy hoạch 2 bên sông Tô Lịch. Thời điểm đó đã triển khai từng bước. Sau đó đến quy hoạch chung năm 1998 lại có nghiên cứu về dòng sông này. Tuy nhiên, lúc bấy giờ Hà Nội chưa mở rộng nên chưa thể thực hiện được. Có thể nói việc quy hoạch và bảo tồn sông Tô Lịch đã được quan tâm từ rất sớm, tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi, do nhiều yếu tố khách quan. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đều có đề cập tới việc khai thác, bảo vệ môi trường dòng chảy các sông chảy qua Hà Nội. Đó chính là cơ sở pháp lý để chúng ta kỳ vọng vào việc “giải cứu” dòng sông Tô Lịch trong thời gian sắp tới. Có thể nói, nếu làm sạch vấn đề môi trường sẽ phát huy được đồng bộ các giá trị lớn của dòng sông Tô Lịch, không chỉ về cảnh quan thiên nhiên mà còn về giá trị văn hóa. Đây sẽ không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho người dân Thủ đô mà còn của nhân dân cả nước, bạn bè và du khách quốc tế.
Cùng với sông Tô Lịch, Hà Nội còn có 3 dòng sông khác từ lâu đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét. Sông Kim Ngưu dài khoảng 10km, chảy trong khu vực nội thành; nước quanh năm đen đặc. Sông Lừ dài khoảng 10km, chảy qua các phường Nam Đồng, Quang Trung, Khương Thượng, Trung Tự, Kim Liên, Phương Mai (quận Đống Đa), Khương Mai, Phương Liệt (quận Thanh Xuân), Định Công, Đại Kim (quận Hoàng Mai). Mỗi ngày có 55.000m3 nước thải chưa xử lý xả ra dòng sông này. Sông Sét dài hơn 3,6km vốn là “cống lộ thiên” quan trọng nhằm thoát nước của quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai. Nhưng đã từ lâu, khu vực đoạn đối diện với hồ Yên Sở luôn bị dồn ứ rác thải sinh hoạt. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày thành phố có khoảng 350.000- 400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000m3 rác thải. Chỉ 10% trong số này được xử lý, còn lại đều đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi.