Tìm hướng phát triển làng nghề
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề của cả nước. Dù đóng vai trò quan trọng đối với việc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, song nhiều làng nghề đang đứng trước những thách thức.
Một trong những khó khăn hiện nay là thiếu quy hoạch nông nghiệp và làng nghề. Điều này khiến các doanh nghiệp dè dặt đầu tư.
Thu nhập ổn định nhờ nghề truyền thống
Xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) có làng nghề truyền thống nổi tiếng với việc làm tăm hương, tăm VIP xỉa răng và sản xuất các loại hương dùng cho mục đích tâm linh. Nhờ có nghề truyền thống, thu nhập của người dân tại xã ổn định, thậm chí ở mức cao so với làm nông nghiệp. Đặc biệt, những sản phẩm độc đáo của làng nghề, chân hương với đầy đủ màu sắc xanh, đỏ, tím vàng, chế ra thành nhiều màu và xếp thành nhiều hình ảnh đẹp giúp cho địa phương thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế. Lượng khách du lịch tìm đến đồng nghĩa với việc tạo công ăn việc làm cũng như tăng thu nhập cho người dân nơi đây nhờ nghề dịch vụ du lịch.
Anh Phạm Hồng Lam - chủ cơ sở sản xuất Lam Hiền (thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu) cho biết, công việc tuy vất vả, nhưng mang lại thu nhập tương đối ổn định. Mỗi lao động, tùy trình độ, số lượng sản phẩm làm ra, có thể đạt thu nhập trung bình 7-8 triệu đồng/tháng. Người nào làm khéo và nhanh tay có thể đạt thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng.
Theo báo của UBND xã Quảng Phú Cầu, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn (theo giá cố định năm 2010) 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 295,26 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 54% kế hoạch năm; trong đó, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ước thực hiện 174,5 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, tại xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), 7/7 thôn làng trên địa bàn xã hiện nay vẫn đang bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị từ nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống mà cha ông để lại. Vừa qua, 7 làng có nghề khảm trai cũng vinh dự được UBND thành phố trao bằng công nhận “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Hơn 70% số hộ trong làng có lao động làm nghề khảm trai và tham gia các hoạt động dịch vụ cho sự phát triển nghề khảm. Sản phẩm khảm trai nơi đây đã vượt khỏi ranh giới quốc gia, vươn tầm ra châu lục và thế giới, đến với các thị trường khó tính như: Anh, Hà Lan, Mỹ, Nhật...
Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Làng nghề tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ việc làm đối với người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả người già, người khuyết tật, trẻ em. Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn.
Mặc dù vậy, nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ mai một vì sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Cùng đó, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đáng báo động.
Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, những năm qua, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, các nội dung hỗ trợ còn nhỏ lẻ, lồng ghép trong các chính sách chung, khiến việc khai thác giá trị làng nghề còn hạn chế.
Tin vui cho các làng nghề
Xuất phát từ thực tế này, mới đây UBND TP Hà Nội đã giao Sở NNPTNT thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND cấp huyện tập trung hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2050 (Đề án). Theo đó, 4 mục tiêu chính của Đề án bao gồm: phát triển kinh tế đa giá trị (trong đó thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch văn hóa nông nghiệp, nông thôn); tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn; lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể nhằm bảo tồn giá trị truyền thống làng nghề; thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Sở đang tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp từ các ban ngành, địa phương để hoàn thiện Đề án, phấn đấu cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024 sẽ hoàn thành dự thảo Đề án trình UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt.
Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho rằng, việc triển khai Đề án sẽ là tin vui cho các làng nghề. Tuy nhiên, Đề án phải gắn với việc triển khai thực hiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Chính quyền các cấp cần phải nắm chắc Đề án để khi triển khai mới có thể hỗ trợ cho người dân tốt nhất, trong khi các sở, ban, ngành cần tích cực hỗ trợ làng nghề thay đổi quy trình sản xuất, đặc biệt là xúc tiến thương mại cho sản phẩm làng nghề.