Xã hội

TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch phát triển đường sắt đô thị

THANH GIANG 16/07/2024 09:20

Ngày 15/7, HĐND TPHCM khóa X khai mạc kỳ họp thứ 17. Tại kỳ họp, UBND thành phố trình đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

anh-bai-duoi-3.jpg
Một tuyến đường sắt đô thị TPHCM. Ảnh: Sỹ Đông.

Theo đề án, mục tiêu đến năm 2030 TPHCM hoàn thành 2 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 31km, 24 nhà ga cùng 2 depot. Năm 2035, TPHCM tiếp tục hoành thành 6 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dai 183km, 148 nhà ga, tổng mức đầu tư 871.200 tỷ đồng. Năm 2045, TPHCM sẽ xây dựng, hoàn thành tổng cộng 351km đường sắt đô thị. Năm 2060, dự kiến toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị 10 tuyến, tổng chiều dại 510km sẽ được hoàn thành. Mục tiêu đặt ra, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 15 – 20%, đến năm 2035 đạt 40 – 50% và sau năm 2035 đạt 50 – 60%.

Nguồn vốn để triển khai các dự án, sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực nhà nước, đa dạng hóa các phương thức đầu tư. Trong đó, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị gia đoạn đến năm 2035. Các nguồn này từ tăng thu ngân sách, thu từ phát triển đô thị theo mô hình TOD, phát hành trái phiếu, đầu tư công, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu... Theo tính toán, tổng vốn đầu tư và vận hành khai thác sơ bộ từ nay đến 2035 khoảng 837.250 tỷ đồng.

Về cơ chế thực hiện phát triển hệ thông đường sắt đô thị, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, sản phẩm đầu ra ở đề án này sẽ là các văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù như Nghị quyết 98 hay cơ chế đặc thù cho hệ thống cao tốc và các nghị định của Chính phủ để triển khai thực hiện. Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM được đề xuất khoảng 28 cơ chế đặc thù, vượt trội. Những cơ chế này được đưa ra sau khi đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn từ khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án metro 1, 2.

Còn theo ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo kết luận 49 của Bộ Chính trị là một trong những tờ trình quan trọng. Đề án này đã được báo cáo tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI hồi tháng 6. Ông Hải cho rằng, nếu được HĐND thành phố thông qua, đề án sẽ được trình Chính phủ và Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Đánh giá cao vai trò của các dự án trọng điểm của thành phố, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM nhìn nhận, các công trình, dự án trọng điểm của thành phố có nhiều chuyển động khả quan. Theo đó, các vướng mắc pháp lý được tập trung tháo gỡ để triển khai thực hiện bước đầu mang lại kết quả khích lệ. Điển hình như khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; dự án đường Vành đai 3; nút giao thông An Phú; mở rộng Quốc lộ 50; hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ; đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa sẽ chuyển sang một giai đoạn mới.

Chủ tịch HĐND TPHCM cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành các công trình phục vụ người dân cũng như phát triển kinh tế thành phố.

THANH GIANG