Quốc tế

Dầu mỏ liệu có hết thời?

Thanh Đức 16/07/2024 09:23

Khi mà xe điện đang được cổ vũ thì một câu hỏi đặt ra là phải chăng dầu mỏ sẽ hết thời? Đó là câu hỏi khó trong lúc tồn tại những cách nhìn nhận khác nhau.

anhbaitren.png
Nhà máy lọc dầu Duna của Hungary. Ảnh: AFP.

Mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra con số: Tiêu thụ dầu thô của thế giới chỉ tăng thêm 710.0000 thùng/ngày trong quý 2/2024 so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ cuối năm 2022. IEA cũng dự báo nguồn cung dầu toàn cầu có thể rơi vào tình trạng dư thừa vào cuối năm 2025.

Theo IEA, tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới chưa tới 1 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm sau do tăng trưởng kinh tế chưa như kỳ vọng, cùng đó là xu hướng phổ cập xe điện cũng như các công nghệ giúp tiết kiệm sử dụng nhiên liệu.

IEA nhận định, các nước bên ngoài Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ đóng góp toàn bộ mức tăng trưởng tiêu thụ dầu trong năm 2024. Trong khi nhu cầu ở các nước phát triển thuộc OECD dự kiến giảm 93.000 thùng/ngày trong năm nay xuống còn 45,55 triệu thùng/ngày. Nhu cầu bên ngoài OECD được dự đoán tăng khoảng 1,07 triệu thùng/ngày, lên khoảng 57,50 triệu thùng/ngày.

Tính tới hết tháng 6/2024, tồn kho dầu toàn cầu tăng 4 tháng liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2021.

Trong bối cảnh đó, tháng 6, sản lượng dầu thô của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm xuống 27,06 triệu thùng/ngày, thấp hơn 150.000 thùng/ngày so với tháng 5. Trái lại, sản lượng dầu hàng ngày ở các nước bên ngoài OPEC tăng 280.000 thùng trong tháng trước, lên mức ước tính 70,26 triệu thùng/ngày nhờ Brazil, Canada và Kazakhstan phục hồi sản xuất sau khi kết thúc quá trình bảo trì các mỏ dầu.

Trong một nhận định tổng quát, IEA cho rằng nguồn cung dầu toàn cầu có thể rơi vào tình trạng dư thừa trong phần lớn năm 2025 nếu các xu hướng tiêu thụ suy yếu hiện nay tiếp tục duy trì. Về dài hạn, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ ngừng tăng trưởng trước cuối thập niên này khi mà đà giảm giá xe điện tăng lên. IEA ước tính tỉ lệ xe điện trong tổng doanh số bán xe trong năm nay có thể đạt hơn 40% ở Trung Quốc, khoảng 25% ở châu Âu và hơn 11% ở Mỹ.

Tương tự, báo cáo của hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie (Woodmac) cho rằng tỉ lệ xe điện ngày càng tăng ở Mỹ, Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu về xăng giảm sâu. Theo Woodmac, 121/465 nhà máy lọc dầu trên thế giới có thể phải đứng trước nguy cơ đóng cửa vào cuối thập niên 2020 do không còn lãi. Nhà phân tích Mukesh Sahdev của hãng tư vấn Rystad Energy cũng dự đoán, nhu cầu xăng toàn cầu ở mức khoảng 26 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Con số này chỉ tăng khoảng 300.000 thùng/ngày, chậm lại rõ rệt so với mức tăng trưởng khoảng 700.000 thùng/ngày vào năm 2023.

Tuy nhiên, quan điểm của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lại trái ngược với IEA. Trong báo cáo công bố hôm 14/7, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng thêm 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2025. Đại diện OPEC cho rằng, “sự tăng trưởng kiên cường của kinh tế toàn cầu và du lịch hàng không” sẽ khiến cho nhu cầu dầu mỏ tăng lên. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 có thể từ 2,9% đến 3,2%, OPEC đã đưa ra cảnh báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ thiếu hụt trong những tháng tới và trong năm 2025.

Nhóm chuyên gia của OPEC cũng cho rằng, tới thời điểm đầu tháng 7 năm nay, sự phát triển của xe điện vẫn rất chậm. Theo OPEC, trong quý đầu của năm 2024, doanh số xe điện của Mỹ ghi nhận mức tăng khiêm tốn 2%, tương đương 102.000 xe. Đó không phải là con số có thể làm giảm đáng kể nhu cầu xăng. Trong khi đó, nhu cầu xăng ở Ấn Độ và Indonesia lại tăng mạnh do doanh số ô tô bùng nổ, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tỷ lệ sử dụng xe điện thấp.

Dẫn con số từ Chính phủ Ấn Độ, OPEC cho rằng mức tiêu thụ xăng của nước này sẽ đạt kỷ lục mới 39,2 triệu tấn (tương đương 908.000 thùng/ngày) tính đến tháng 3/2025. Còn với châu Âu, nhu cầu xăng vẫn sẽ tăng 50.000 thùng/ngày, tương đương 2,3% trong năm 2024, lên 2,19 triệu thùng/ngày.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh năng lượng thường niên do S&P Global tổ chức tại Houston (Mỹ), quy tụ hơn 8.000 đại biểu, đông đảo nhất từ trước đến nay, Amin Nasser - CEO của Saudi Aramco - Tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Arabia và cũng là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới nói: “Chúng ta nên từ bỏ ảo tưởng loại bỏ dần dầu khí, cho dù có sự trỗi dậy của năng lượng xanh”.

Vậy ý kiến của IEA đúng hay là OPEC đúng? Câu trả lời không dễ có được vào lúc này. Tuy nhiên, thực tế diễn ra là giá dầu mỏ vẫn đang nhích lên và cho thấy diễn biến rất khó lường trong nửa cuối năm 2024.

Nhiều nhà phân tích, trong đó có ông Mark Luschini - chiến lược gia đầu tư của Công ty tư vấn tài chính Janney Montgomery Scott cho rằng, giá dầu mỏ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm. Giá dầu thô Brent từng tăng 20% từ đầu năm đến giữa tháng 4/2024 lên tới 93 USD/thùng, trước khi giảm xuống dưới 80 USD vào cuối tháng 5/2024. Dự báo đưa ra vào ngày 13/7 mới đây là giá dầu mỏ trung bình trong nửa cuối năm 2024 sẽ ở mức 85 USD/thùng. “Những dự báo trái chiều về nhu cầu có thể ảnh hưởng đến giá dầu. Tuy nhiên, thế giới vẫn đang sử dụng nhiều dầu mỏ hơn bao giờ hết” - ông Luschini nói.

Thanh Đức