Báo động viêm loét dạ dày ở người trẻ
Thông tin từ Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, liên tục trong vòng mấy tháng nay, số bệnh nhân trong độ tuổi 11-16 nhập viện vì xuất huyết dạ dày mỗi tuần ngày một tăng.
Một ca bệnh điển hình, bệnh nhân H.M.T. (16 tuổi, Ninh Bình) nhập viện Bạch Mai với các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài phân đen, đau bụng. Qua nội soi và làm các xét nghiệm, bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do loét hoành tá tràng có nhiễm vi khuẩn H.pylori.
Khai thác tiền sử, các bác sĩ Trung tâm Nhi khoa phát hiện cách đây 2 tháng, bệnh nhân đã phải vào bệnh viện địa phương điều trị 2 tuần với tình trạng tương tự. Sau 2 tháng, bệnh cũ của T. lại tái phát với những biểu hiện nặng nề hơn.
Tương tự, một số trường hợp bệnh nhân độ tuổi thanh thiếu niên cũng nhập viện điều trị tại Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai do viêm loét dạ dày, tá tràng có biến chứng xuất huyết tiêu hóa kèm theo nhiễm vi khuẩn H.pylori tái phát sau khi đã điều trị tại địa phương.
BS Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, đại đa số các trường hợp nhập viện cơ sở y tế này là các trẻ bị xuất huyết tiêu hóa trên, tập trung ở nhóm trên 10 tuổi, đặc biệt là lứa tuổi từ 14 - 16 tuổi.
“Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ gặp biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng, nhiều bệnh nhân nặng do tình trạng xuất huyết tiêu hóa tái phát nhiều lần. Từ thực tế thăm khám cho thấy, đa số bệnh nhân chưa tuân thủ đúng phác đồ điều trị nghiêm ngặt, thêm nữa là chế độ ăn uống nghỉ ngơi sinh hoạt cũng chưa phù hợp, như ăn xong đã hoạt động thể lực, học hành ngay hoặc miệt mài chơi điện tử, ăn và uống những thực phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiễm hóa chất và nhiều căn nguyên khác”.
Tương tự, mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng thông tin, thời gian qua cơ sở y tế này đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ xuất huyết tiêu hoá do viêm loét dạ dày tá tràng. Một ca bệnh điển hình, trẻ nam, 14 tuổi, có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị khoảng vài tháng nay, đau chủ yếu khi đói, kèm theo ợ hơi, ợ chua. Trước vào viện 5 ngày, trẻ đi ngoài phân đen toàn bãi, ngày 1-2 lần, kèm theo triệu chứng chóng mặt tăng dần. Khi nhập viện, trẻ có triệu chứng thiếu máu rõ, da xanh, niêm mạc nhợt. Trẻ được chỉ định truyền khối hồng cầu và nội soi dạ dày tá tràng phát hiện ổ loét hành tá tràng kích thước 5mm, bờ phù nề, đáy có giả mạc trắng. Sau 7 ngày đều trị, trẻ được xuất viện và dùng thuốc theo đơn ngoại trú.
Tình trạng trên không chỉ xuất hiện tại các bệnh viện tuyến Trung ương, BSCKI Nguyễn Thị Sơn - Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết: “Gần đây đã tiếp nhận điều trị cho không ít trẻ nhỏ dưới 16 tuổi – độ tuổi đi học bị viêm loét dạ dày – tá tràng. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ có thể kể đến do nhiễm vi khuẩn HP, sử dụng thuốc kháng khuẩn, chống viêm không đúng cách, chế độ ăn uống không hợp lý, căng thẳng, stress kéo dài do áp lực học tập, thi cử… Đa số trẻ sẽ có những triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ kéo dài từng cơn hoặc dữ dội tùy vào vị trí ổ loét, buồn nôn và nôn, chán ăn, ợ chua”.
Theo các chuyên gia, trẻ em ít gặp bệnh lý dạ dày - tá tràng hơn người lớn, vì dạ dày trẻ chưa trải qua nhiều thử thách, tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người, trẻ vẫn có thể gặp viêm dạ dày cấp, mạn tính, viêm tá tràng cấp tính như ở người lớn.
BS Phạm Văn Dương - Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cảnh báo, nếu viêm loét dạ dày tá tràng không được phát hiện sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện đại tiện phân đen/máu hoặc nôn máu. Khi bị xuất huyết dạ dày – tá tràng trẻ dễ bị thiếu máu, choáng ngất, mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Nếu không được điều trị kịp thời, chống loét tích cực, trẻ có nguy cơ biến chứng thủng dạ dày, dẫn tới viêm phúc mạc, thậm chí tử vong.
Mặc dù vậy, chuyên gia cũng khẳng định, đây là bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bên cạnh điều trị một số nguyên nhân có thể phát hiện được, chủ yếu là tiêu diệt HP và các bệnh chính gây viêm loét thì chế độ sinh hoạt cũng góp phần không nhỏ vào thành công của phác đồ điều trị.
Các bậc phụ huynh cần chú ý cho trẻ ăn đầy đủ 3 bữa chính, nên ăn đúng giờ. Chia nhỏ bữa trong ngày, không để quá đói hoặc ăn quá no. Khuyến khích trẻ ăn chậm, nhai kĩ; Hạn chế thức ăn chua, cay, nhiều dầu mỡ. Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh; Không cho trẻ xem ti vi, chơi điện tử trong khi ăn;
Không gây áp lực cho trẻ về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, nên tạo tâm lý thoải mái qua đó giúp cho việc điều trị bệnh trở nên thuận lợi hơn.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý, nếu trẻ bị một số biểu hiện như đau bụng dai dẳng, chóng mặt, da xanh, nôn máu, đại tiện phân đen, ợ hơi, ợ chua, chán ăn, chậm tăng cân… nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.