Bức tranh sáng tối về dân số thế giới
Một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết dân số toàn cầu có thể đạt đỉnh 10,3 tỉ người vào giữa những năm 2080.
Báo cáo của LHQ cũng cho rằng tăng trưởng dân số ở một số quốc gia đông dân như Ấn Độ, Indonesia, Nigeria… sẽ đưa dân số thế giới tăng thêm 2,1 tỉ người trong 60 năm tới. 9 quốc gia được dự báo sẽ chứng kiến dân số tăng gấp đôi trong giai đoạn 2024 - 2054, trong đó có Angola, Cộng hòa Trung Phi và Cộng hòa Congo. Bên cạnh đó, theo LHQ, dân số của hơn 60 quốc gia đã đạt đỉnh, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản. Làn sóng nhập cư được coi là là động lực chính thúc đẩy gia tăng dân số tại 50 nước trong 30 năm tới, trong đó có Mỹ, Canada và Australia.
Cùng đó, báo cáo của LHQ cũng cho rằng tỉ lệ sinh ở một số quốc gia đông dân nhất thế giới đã giảm nhanh hơn dự kiến. Với đà đó thì vào năm 2100 dân số thế giới sẽ thấp hơn 700 triệu người so với dự đoán cách đây 10 năm. LHQ cũng cho rằng số người từ 65 tuổi trở lên sẽ nhiều hơn số người dưới 18 tuổi trên thế giới vào năm 2080.
Cũng về vấn đề này, nhóm chuyên gia đến từ Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) cho rằng, rất nhiều quốc gia trên thế giới sẽ không duy trì được dân số của mình đến cuối thế kỷ này vì tỉ lệ sinh quá thấp. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Lancet cảnh báo đến năm 2100, dân số của 198/204 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ giảm. Cụ thể, cứ 2 trẻ chào đời trên thế giới vào năm 2100, sẽ có 1 bé đến từ khu vực châu Phi cận Sahara. Somalia, Tonga, Niger, Chad, Samoa và Tajikistan là những quốc gia có thể duy trì dân số.
Theo tiến sĩ Natalia Bhattacharjee của IHME, thì “có sự khác biệt rõ ràng” trong vấn đề dân số giữa các nước giàu - nghèo. Trong lúc các nước giàu chật vật duy trì tăng trưởng kinh tế thì các nước nghèo lại phải vật lộn với thách thức dân số bùng nổ. Tiến sĩ Austin Schumacher cũng thuộc IHME nhận định, quản lý rủi ro liên quan việc tăng trưởng dân số là một thách thức lớn đối với khu vực châu Phi cận Sahara, đặc biệt là những quốc gia có mức sinh cao nhất. Nếu không có giải pháp, khu vực này sẽ đối mặt nguy cơ thiếu đói ngày một trầm trọng hơn.
Theo ông Schumacher, để ứng phó với thách thức gia tăng dân số, khu vực châu Phi cận Sahara cần được ưu tiên trong nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo và đặc biệt là giáo dục cho trẻ em gái.