Cần đẩy mạnh tuyên truyền về Đại hội Mặt trận tỉnh trong các tầng lớp nhân dân
Sáng 16/7, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã chủ trì cuộc làm việc cho ý kiến vào nội dung Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2024-2029.
Trình bày các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2024-2029, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Đức Tuấn cho biết, đến ngày 30/4/2024, toàn tỉnh đã có 230/235 đơn vị hoàn thành việc tổ chức Đại hội (còn lại 5 đơn vị tại huyện Thanh Hà đến hết ngày 4/5 hoàn thành việc tổ chức Đại hội do liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã), trong đó có 40/189 Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy. Đến hết ngày 26/6/2024, toàn tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức Đại hội MTTQ cấp huyện theo đúng kế hoạch với 11/12 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, thị xã, thành phố là Ủy viên Ban Thường vụ, 1/12 vị là nguồn Ủy viên Ban Thường vụ.
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, dự kiến Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ diễn ra trong 2 ngày 1-2/8/2024 với 293 đại biểu chính thức. Đại hội nhằm nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Đại hội dự kiến hiệp thương 95 vị tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa XVII (tăng 8 vị so với khóa XVI). Dự kiến số lượng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là 8 vị gồm Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 4 Ủy viên Thường trực.
Điểm lại kết quả nổi bật của MTTQ tỉnh Hải Dương trong nhiệm kỳ 2019-2024, ông Nguyễn Đức Tuấn cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phát huy vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự chỉ đạo lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng, tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền; phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên; sự chủ động, nỗ lực, sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ cán bộ MTTQ từ tỉnh đến cơ sở và địa bàn dân cư, đặc biệt sự hưởng ứng đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Trong nhiệm kỳ 2024-2029, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Đại hội đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như duy trì Chuyên mục "Đại đoàn kết" 1số/1tháng; mỗi huyện, thị xã, thành phố ít nhất có 5 tin bài/tháng đăng trên Trang thông tin điện tử MTTQ tỉnh, Trang cộng đồng (Fanpage) của MTTQ các cấp. Hàng năm 100% đơn vị cấp xã, Ban công tác Mặt trận tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 100% thôn, khu dân cư tổ chức "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc". Phấn đấu mỗi thôn, khu dân cư thành lập và duy trì hiệu quả 1 mô hình tự quản.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung văn kiện và nhân sự trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương; đồng thời đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu tham dự cuộc làm việc để hoàn thiện các nội dung trình Đại hội.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh theo hướng phong phú về hình thức, sâu sắc về nội dung, từ đó tạo được sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân tham dự Đại hội, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu sắc trong nhân dân.
Đối với báo cáo chính trị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng nội dung báo cáo cần thể hiện vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận, vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức để Đại hội thực sự là lời hiệu triệu đối với các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.
Phần đánh giá kết quả của nhiệm kỳ cần đưa ra được những kết quả nổi bật của nhiệm kỳ như đóng góp của Mặt trận đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, kết quả triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp; hoạt động đối ngoại nhân dân... Đồng thời, phương hướng nhiệm kỳ tới cần đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của nhiệm kỳ 2019-2024. Đặc biệt đối với nội dung chương trình hành động Xây dựng khu dân cư “Tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” cần được nghiên cứu, bổ sung những cách làm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
"Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội cần đảm bảo màu sắc của các tầng lớp nhân dân tham dự; cần lựa chọn những tham luận minh họa cho kết quả của nhiệm kỳ và gợi mở những đột phá trong nhiệm kỳ mới", Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh gợi mở.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Ban Thường trực MTTQ tỉnh chuẩn bị các điều kiện tổ chức thành công Đại hội. Từ diễn đàn Đại hội sẽ tiếp tục khẳng định niềm tin của nhân dân và vai trò cầu nối của MTTQ Việt Nam giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, từ đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hải Dương trong thời gian tới.