Kinh tế

Luật Thuế thu nhập cá nhân: Mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp

H.Hương 17/07/2024 10:28

Nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi luật thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt để phù hợp với biến động thực tế, và quan trọng hơn giúp người dân giảm gánh nặng với mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”.

anhtren.jpg
Người lao động lo lắng khi tăng lương kèm thêm nỗi lo tăng nộp thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: Quang Vinh.

Lương tăng, đóng thuế cũng tăng

Đang làm ở một cơ quan nhà nước với hệ số lương hơn 4., chị T.T.L cho biết, khoản lương mới mà chị vừa được nhận qua tài khoản gần 13 triệu đồng/tháng. Cùng với phần thưởng từ các hợp đồng kinh doanh mà chị đang thực hiện, mỗi tháng thu nhập của chị đang tăng thêm gần 20 triệu đồng. Chị T.T.L ước lượng, tổng thu nhập năm của chị sẽ giao động từ 420 triệu đồng – 480 triệu đồng, điều này đồng nghĩa, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cũng sẽ nộp tăng.

Hay như chị Trần Thu Trang (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhân viên đơn vị sự nghiệp công, lập hiện đang hưởng mức lương 9 triệu đồng/tháng, tính toán, sau khi lương tăng 30%, từ ngày 1/7 mức lương chị Trang nhận được khoảng gần 13 triệu đồng/tháng. Với mức lương này chị Trang sẽ phải nộp thuế TNCN hàng tháng.

Thuế TNCN dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%. Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ 1/1/2009 và sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2012 và năm 2014.

Nhiều người làm công ăn lương bày tỏ, cứ ngỡ lương tăng thì sẽ có thêm một khoản thu nhập ổn định hàng tháng nhưng rồi giá cả các mặt hàng tăng, tiền đóng thuế TNCN cũng tăng theo nên đâu lại vào đó, không thấy khá hơn.

Nhiều chuyên gia kinh tế nho rằng, cần quan tâm đến thuế TNCN, nhất là mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân, cũng như chưa phản ánh mức sống thực tế của người lao động. Nên chăng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế để theo hướng tỷ lệ thuận với mức tăng của lương.

Khi tăng lương 30%, mức sống tăng lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí là 50% thì mới hợp lý.

Không để người dân thêm gánh nặng chi phí

Mặc dù thuế TNCN đã qua 3 lần điều chỉnh, mức khởi điểm của đối tượng chịu thuế đã được nâng lên 11 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc khoảng 4,4 triệu đồng/người, thế nhưng theo TS Hoàng Văn Cường, có nhiều yếu tố cho thấy mức này chưa phù hợp. Vì thu nhập bình quân đầu người cả nước hiện nay là hơn 4,6 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, mức tiêu dùng ở mỗi vùng là khác nhau, tiêu dùng ở thành phố khac xa so với vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, trong những năm qua, chúng ta đã phải kiềm chế qua thời kỳ hậu Covid -19. Rất nhiều những hoạt động về giá cả phải kìm lại, ví dụ y tế, giáo dục, điện… thì đến thời điểm này, rất cần có sự điều chỉnh thuế TNCN để đảm bảo hoạt động bình thường của xã hội. Nếu như ở khu vực thành phố, gia đình cho một người con đi học rõ ràng với mức giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng là không đủ để trang trải cho đứa trẻ đó. “Như vậy, mức này là không hợp lý. Vì thế, đã đến lúc cần phải điều chỉnh lại mức TNCN” - ông Cường nhấn mạnh.

Thêm vào đó, mức lương cơ sở đã tăng thêm 30%. Như vậy, mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng thì đương nhiên thu nhập của nhiều người tăng lên và mức chi tiêu cũng phải tăng theo. Thế nhưng bây giờ phần thu nhập tăng lên đó sẽ phải chịu thuế TNCN, như vậy việc tăng lương sẽ giảm ý nghĩa.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), người lao động rất trông chờ khi lương tăng lên, thu nhập cao hơn thì đời sống sẽ được nâng lên. Thế nhưng với việc lương tăng, thì rất nhiều người lao động, công chức, viên chức trước đây thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, sau khi tăng thêm 30% sẽ lọt vào top phải đóng thuế TNCN. Vậy là họ gánh thêm nỗi lo nộp thuế. “Tôi cho rằng, việc sớm chỉnh sửa ngưỡng chịu thuế TNCN là cần thiết” – ông Thịnh nói.

Vẫn theo ông Thịnh, nếu có thể thay đổi được ngưỡng chịu thuế theo vùng là tốt nhất. Với mức chi tiêu của một hộ gia đình ở TP Hà Nội hay TPHCM thì ngưỡng chịu thuế có thể nâng lên khoảng 16-18 triệu đồng. Và mức giảm trừ cho người phụ thuộc có thể nâng lên khoảng 6-8 triệu đồng. Như vậy mới có thể đảm bảo người làm công ăn lương có thể trang trải được với mức sống hiện nay, có thể chăm sóc con cái, gia đình...

“Tất nhiên, muốn có cơ sở để thay đổi ngưỡng chịu thuế thì cần phải có thống kê, tính toán đầy đủ của các cơ quan quản lý, để từ đó có thể thay đổi ngưỡng chịu thuế cho phù hợp” – ông Thịnh chia sẻ.

Nhiều ý kiến kiến nghị, cần xem xét đóng thuế TNCN theo vùng miền. Vì hiện nay đang có 6 vùng. Mỗi vùng có mức thu nhập khác nhau, chi tiêu khác nhau. Giá cả ở các vùng đó cũng khác nhau. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, mức chênh lệch thu nhập giữa khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn khoảng 1,34 lần.

H.Hương