Giáo dục

Nhiều khó khăn trong đa dạng hóa nguồn thu

Vi Cầm 17/07/2024 10:29

Một trong những vấn đề đang được ngành giáo dục quan tâm hiện nay là làm sao để đa dạng hóa nguồn thu cho giáo dục đại học (ĐH).

anhbaitren.jpg
Sinh viên nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: Nhàn Thanh.

Nguồn thu của các trường ĐH ở Việt Nam chủ yếu từ học phí. Tuy nhiên, về nguyên lý, ngoài học phí, các cơ sở giáo dục ĐH có nhiều giải pháp tăng nguồn thu. Tuy vậy, trên thực tế các nguồn thu này chiếm tỉ trọng không đáng kể và thiếu tính bền vững. Trong khi các giải pháp để tăng nguồn thu có thể kể đến như: Chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường học, tài trợ từ doanh nghiệp…

Cụ thể, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, với các trường ĐH công lập, nguồn thu từ học phí chiếm tỉ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường); nguồn thu từ nghiên cứu - chuyển giao lại chiếm tỉ lệ khá thấp ở hầu hết các trường. Đáng chú ý là Trường ĐH Y Hà Nội, đây là trường ĐH duy nhất có nguồn thu từ nghiên cứu - chuyển giao chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng thu, bỏ xa nguồn thu từ học phí. Còn với các trường ĐH địa phương, việc tuyển sinh khó khăn, học phí thấp đã khiến cho nguồn thu của trường mất cân đối nghiêm trọng.

TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TPHCM cho rằng: 5% nguồn thu từ nghiên cứu khoa học (NCKH) nếu đối sánh với thế giới rất khiêm tốn nhưng đang quá sức với các trường ĐH ở Việt Nam. Do đó, nguồn thu từ NCKH và chuyển giao công nghệ hiện nay rất nhiều trường khó có thể đạt được 5%, mà chủ yếu là nguồn thu đến từ học phí. Từ thực tế này, cần thay đổi cách thức tiếp cận NCKH ở Việt Nam. Chúng ta cần xem hoạt động NCKH là một dịch vụ, mà khi đã là dịch vụ rồi thì phải có sự kết nối rất nhiều với các bên liên quan.

Cùng đó, PGS.TS Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực cho rằng, một trong những nguyên nhân khó khăn nhất khiến nguồn thu từ NCKH và chuyển giao công nghệ thấp là do chưa có cơ chế đặt hàng các dự án, đề tài từ nguồn ngân sách nhà nước cho các trường ĐH và sự gắn kết chia sẻ các hoạt động này từ phía doanh nghiệp. Mặt khác, các trường ĐH cũng chưa khai thác được tối đa nguồn lực của nhà trường như: nhân lực, vật lực, thời lực...; ứng dụng, chuyển giao các đề tài NCKH thực hiện tại nhiều trường còn khó khăn như: các nhà khoa học chưa liên kết được với doanh nghiệp và các nhà đầu tư; các sản phẩm NCKH chưa được ứng dụng và chuyển giao công nghệ rộng rãi ra ngoài xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nghiên cứu của các trường/ĐH Việt Nam chưa đủ để thu hút nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp (đa phần các doanh nghiệp chỉ đặt hàng khi có nhu cầu và các trường/ĐH có khả năng đáp ứng). Ông Hồng cho rằng khi không có nguồn thu, tài trợ cho NCKH, việc trông chờ vào nguồn thu học phí không phải là giải pháp. Việc tăng học phí để bù nguồn thu cho hoạt động NCKH là điều không nên làm trong điều kiện thu nhập của người dân còn thấp như hiện nay. Thậm chí, ngay cả thu nhập đầu người tăng cũng không nên nghĩ đến việc thu học phí cho NCKH của các trường/ĐH.

Các chuyên gia giáo dục có chung quan điểm, để tăng nguồn thu cho các trường ĐH trong bối cảnh thực hiện tự chủ, cần khơi thông các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH. Nhà nước với vai trò “bà đỡ” để khuyến khích, tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, hỗ trợ nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng đào tạo là hết sức quan trọng. Để làm được như vậy, cần bổ sung, hoàn thiện, ban hành các chính sách về thuế, đất… khuyến khích doanh nghiệp chú trọng tiết kiệm dành nguồn đầu tư để hỗ trợ, đóng góp cho các trường ĐH.

Cụ thể hơn, để huy động nguồn lực tài chính cho giáo dục ĐH thì đầu tư công và cơ chế đặt hàng từ nhà nước đối với các ĐH phải được Chính phủ xác định rõ ràng và có cơ chế giám sát từ Quốc hội. Cần có cơ cấu tài chính phù hợp đối với đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục ĐH; xác định rõ tỉ lệ ngân sách đủ lớn cho giáo dục ĐH để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nhân tài.

Vi Cầm