Cây thuốc quý phát triển trên đất mỏ bỏ hoang ở Hà Tĩnh
Sau khi thu hoạch vụ đầu tiên cho thấy, sâm Bố Chính thích nghi ở vùng đất cát bạc màu xã Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Đây là vùng đất bỏ hoang của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Hướng đi mới hứa hẹn sẽ giúp người dân vùng mỏ vươn lên phát triển kinh tế.
Từ đầu năm 2024 đến nay, màu xanh trù phú của sâm Bố Chính đã phủ kín vùng đất màu bỏ hoang của người dân thôn Phúc Thanh, xã Thạch Khê. Vùng đất vốn bạc màu còn chịu hệ lụy từ dự án mỏ sắt Thạch Khê nên người dân bỏ hoang lâu nay. Mầm xanh của loại thảo dược quý hiếm đã nhen lên hy vọng cho địa phương.
Anh Phan Nhân Trí (chủ mô hình trồng sâm Bố Chính ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà) cho biết, nhận thấy tại địa phương có diện tích lớn đất nông nghiệp hoang hóa, khó canh tác, quỹ đất nhiều nên anh quyết định tìm ra giống cây hợp với vùng đất này để phát triển kinh tế, tránh lãng phí.
“Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy sâm Bố Chính là dược liệu quý, được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc của y học cổ truyền để chữa bệnh. Nhờ những công dụng đặc biệt về bồi bổ sức khỏe nên loại sâm này được gọi là sâm tiến vua, được tiêu thụ khá lớn”, anh Trí cho hay.
Sau 6 tháng trồng thử nghiệm, 1 ha sâm Bố Chính ở thôn Phúc Thanh, xã Thạch Khê đã cho thu hoạch. Sâm thu hoạch đạt trọng lượng chuẩn với 6-10 củ/kg, bán với giá 200.000 đồng/kg, ước tính tổng doanh thu mô hình đạt trên 700 triệu đồng/ha.
Sâm Bố Chính là thảo dược quý, được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc của y học cổ truyền như chữa suy nhược cơ thể, mất ngủ, suy dinh dưỡng, rối loạn kinh nguyệt, lao phổi ở trẻ em, hen suyễn, ho, sốt, thiếu máu, trầm cảm, ra nhiều mồ hôi, động kinh, tiêu hóa trì trệ, suy giảm sinh lý… Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ sâm Bố Chính khá lớn.
Theo anh Trí, sâm bố chính có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cây sâm này còn nhiều tiềm năng, tuy nhiên đây là loại cây rất kén đất, không phải chất đất nào cũng trồng được.
Sâm không ưa đất có độ ẩm cao, vùng có khí hậu mưa nhiều bởi cây ngập úng dễ mắc các loại bệnh, một khi đã bệnh thì rất khó trị. Mô hình sử dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường như: Tưới tự động, sử dụng phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất.
“Chúng tôi đã tích tụ được 1 ha đất màu bỏ hoang của gần 20 hộ dân ở thôn Phúc Thanh, xã Thạch Khê để trồng sâm Bố Chính. Toàn bộ giống, quy trình kỹ thuật và một phần phân bón được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh hỗ trợ”, anh Phan Nhân Trí thông tin.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, với mục tiêu mở ra cơ hội mới cho người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây đa mục tiêu, phát huy hiệu quả kinh tế, vào tháng 12/2023, Sở phối hợp với đơn vị của anh Phan Nhân Trí triển khai mô hình trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính tại xã Thạch Khê.
Sau hơn nửa năm trồng thử nghiệm, cây sâm Bố Chính bước đầu cho thấy chính thích nghi tốt với đất đai, khí hậu tại Hà Tĩnh, hé mở cơ hội mới cho người dân.
Lý do chọn xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà để thực hiện mô hình, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cho hay, đây là địa phương có diện tích đất canh tác lớn, đất cao, tầng canh tác dày, có khả năng giữ và thoát nước tốt nên rất thuận lợi cho cây sâm sinh trưởng, phát triển đạt năng suất, chất lượng.
Hơn nữa, việc chuyển đổi sang các cây trồng có hiệu quả kinh tế và đầu ra ổn định cũng nằm trong định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương nên khi triển khai ở đây, dự án sẽ có tính khả thi cao và có tiềm năng xây dựng thành vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GAP.
Tại Hà Tĩnh, người dân một số xã đã trồng thử nghiệm quy mô nhỏ lẻ loài thảo dược này. Tuy nhiên, để đánh giá bài bản tính thích nghi, tiềm năng phát triển hay hiệu quả kinh tế thì chưa có dự án nào.
Ông Phan Xuân Mậu - Chủ tịch UBND xã Thạch Khê cho biết: Mô hình trồng sâm Bố Chánh của anh Phan Nhân Trí thuê 2 ha đất hoang hóa của bà con thôn Phúc Thanh. Vùng đất này là đất cát bạc màu, do ảnh hưởng bởi dự án mỏ sắt Thạch Khê nên người dân không sản xuất được, để hoang nhiều năm nay.
Hiện mô hình mới chỉ trồng thử nghiệm trên 1 ha nhưng bước đầu đánh giá cho hiệu quả kinh tế tốt. Bên cạnh tránh lãng phí đất, tạo thu nhập cho gia đình thì mô hình đã tạo công việc cho hàng chục lao động địa phương.
Mục tiêu cuối cùng của mô hình hướng đến là mở rộng sản xuất cây sâm Bố Chính ra các hộ dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh theo hình thức tổ hợp tác, hoặc ký hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật và liên kết bao tiêu sản phẩm, góp phần đưa cây dược liệu có giá trị kinh tế cao vào thay thế các cây trồng hiệu quả thấp.
Khi tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người nông dân.