Diêm dân lạnh nhạt với nghề làm muối
Cùng với việc giá muối xuống thấp, chi phí đầu tư cho mỗi vụ mùa khá lớn, nên nhiều năm qua, hàng trăm hecta ruộng muối tại các huyện như Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị bỏ hoang.
Hàng trăm hecta ruộng muối bỏ hoang
Nghề muối trên địa bàn tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn, sản xuất thu hẹp, không phát huy hiệu quả, các làng nghề muối truyền thống có nguy cơ mai một.
Nguyên nhân chính là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, diện tích sản xuất muối sạch, chất lượng cao phát triển chậm, năng suất hạn chế, giá thấp, không cạnh tranh được với các địa phương có công nghệ sản xuất hiện đại.
Bởi vậy, trong nhiều năm trở lại đây, diêm dân tại các “vựa muối” như Quỳnh Lưu đã không mặn mà với nghề muối. Đơn cử tại xã Diễn Kim, cánh đồng muối rộng mênh mông nhưng toàn cỏ dại, không một bóng người. Đi sâu vào cánh đồng, chứng kiến hàng trăm nhà kho đựng muối bị bỏ trống, tan hoang.
Dạo một vòng quanh cánh đồng, chúng tôi gặp ông Trương Văn Nga (58 tuổi) trú tại xóm Nam Liên, xã Diễn Kim, người có thâm niên 20 năm làm muối. Ông Nga cho biết, người dân trong xóm bỏ hết rồi, không còn ai mặn mà với nghề này nữa.
“Cả trăm ruộng muối, chỉ còn lác đác ít đôi vợ chồng già như tôi còn bám lấy nghề, nhưng làm cả ngày, quy ra không được nổi 10kg gạo”, ông Nga thở dài.
Theo ông Nga, nguyên nhân do chi phí đầu tư cao, giá muối thấp khiến người dân không mặn mà làm muối. Hơn thế, hiện nhiều nghề cho thu nhập cao so với nghề làm muối, nên diện tích ruộng muối bỏ hoang ngày càng nhiều.
“Riêng bản thân tôi, do tuổi già không thể chuyển nghề, nên vẫn bám trụ trên ruộng muối, mỗi ngày thời tiết thuận lợi, thu hoạch được tầm 30-50kg muối, với giá 15.000đ/10kg, không đáng là bao”, ông Nga cho biết thêm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hằng, diêm dân xóm Nam Liên, xã Diễn Kim cho biết, gia đình bà có gần 130m2 ruộng muối, làm cật lực mỗi ngày cũng chỉ kiếm được từ 100-150 ngàn đồng. Biết là vậy, nhưng không có việc gì khác, nên phải làm muối.
Sát bên cạnh là xã Diễn Vạn, cũng không khá hơn, bởi diện tích ruộng muối bỏ hoang của diêm dân cũng khá lớn. Hơn 100 ha của HTX Vạn Nam và Vạn Đông (xã Diễn Vạn) hằng ngày chỉ có lác đác vài người ra đồng.
Bà Huệ, một diêm dân trú xóm Vạn Đông, xã Diễn Vạn cho biết, gia đình bà có diện tích làm muối hơn 100m2. Nếu trời nắng đẹp, mỗi ngày, bà thu được 50kg muối, bán được hơn 70 ngàn đồng.
Quy hoạch để chuyển đổi nghề muối
Theo ông Hoàng Ngọc Biên, Chủ nhiệm HTX muối Vạn Nam, thời gian để hoang dài, các ô kết tinh, ô chạt lọc, thậm chí là cát biển lọc nước cũng bị hư hỏng, phải làm lại khi bước vào vụ mới nên chi phí đầu tư khá lớn.
"Nếu không làm muối chỉ có thể chuyển sang nuôi tôm nhưng nuôi tôm cần nhiều vốn, kiến thức, kinh nghiệm và rủi ro lớn nên việc chuyển đổi không hề dễ", ông Biên chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim nói: “Xã cũng muốn chuyển đổi sang đất nuôi trồng thủy sản và đất khác nhưng phải chờ quy hoạch. Rất là khó khăn”.
Cũng theo ông Thông, xã Diễn Kim trước đây có hơn 500 hộ làm nghề muối nhưng nay cũng chỉ còn chưa đến 100 hộ làm muối. Hầu hết ruộng sản xuất muối bỏ hoang.
Nói về tình trạng bỏ ruộng muối, ông Hoàng Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn cho biết: “Hiện chỉ còn vài chục hộ gom muối chở lên miền núi bán. Lao động trẻ chủ yếu họ đi xuất khẩu lao động. Xã cũng đề xuất huyện cho chuyển đổi một số ruộng muối thành đất nuôi tôm và cá vược”.
Còn ông Lê Thế Hiếu, Trưởng Phòng NNPTNT, UBND huyện Diễn Châu cho biết, toàn huyện có 4 HTX còn sản xuất muối với tổng diện tích 120 ha. Tuy nhiên, hiện chỉ có 60 ha diện tích còn sản xuất muối.
Được biết, Nghệ An hiện có tổng diện tích làm muối 800 ha. Địa phương phấn đấu đến cuối năm 2025, diện tích sản xuất muối hiệu quả của tỉnh ổn định ở mức 795 ha, sản lượng đạt 85 - 90 nghìn tấn/năm. Riêng diện tích sản xuất muối sạch, an toàn đạt 50% tổng diện tích sản xuất muối toàn tỉnh.