Điểm thi tốt nghiệp THPT phân hóa, trường đại học thuận lợi về nguồn tuyển
Chuyên gia đánh giá, kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đủ điều kiện cho các trường đại học làm căn cứ xét tuyển theo các tổ hợp tuyển sinh.
5 tổ hợp xét tuyển đại học được sử dụng nhiều nhất
Theo dữ liệu của Bộ GDĐT, 5 tổ hợp được các cơ sở đào tạo sử dụng nhiều nhất để tuyển sinh, gồm: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) và D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).
Trong đó, tổ hợp môn khối A00 có điểm trung bình là 20,9; điểm trung vị 21,3; mức điểm cao nhất là 29,6 (năm 2023 điểm cao nhất là 29,5).
Tổ hợp môn khối A01 có điểm trung bình là 20,47; điểm trung vị 20,75; mức điểm cao nhất là 29,6 (năm 2023 điểm cao nhất là 30,0).
Tổ hợp môn khối B00 có điểm trung bình là 20,53; điểm trung vị 20,75; mức điểm cao nhất là 29,55 (năm 2023 điểm cao nhất là 30,0).
Tổ hợp môn khối C có điểm trung bình là 20,95; điểm trung vị 21,25; mức điểm cao nhất là 29,75 (năm 2023 điểm cao nhất là 29,5).
Tổ hợp môn khối D01 có điểm trung bình là 19,49; điểm trung vị 19,6; mức điểm cao nhất là 28,75 (năm 2023 điểm cao nhất là 29,0).
Thuận lợi cho các trường đại học tuyển sinh
Qua nghiên cứu phổ điểm của các môn thi tốt nghiệp THPT do Bộ GDĐT công bố, PGS. TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, về cơ bản phổ điểm năm nay khá tốt. Điều đó thể hiện kết quả của kỳ thi ổn định so với những kỳ thi trước. Kết quả này phản ánh được chất lượng dạy học ở giáo dục phổ thông.
Cụ thể, phổ điểm một số môn thi có sự phân bố rất tốt như môn Lịch sử. Ngoài ra, phổ điểm môn Tiếng Anh cũng bắt đầu có chuyển biến tích cực hơn so với phổ điểm của các năm trước đây.
“Kết quả ổn định của kỳ thi năm nay thể hiện được cả quá trình tổ chức kỳ thi và đánh giá sát được chất lượng dạy, học của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vì vậy, đây là một cơ sở rất tốt để có thể chuẩn bị, tiến hành đánh giá, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, PGS. TS Nguyễn Đức Sơn nêu quan điểm.
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Đức Sơn, một trong những mục tiêu đặt ra với kỳ thi tốt nghiệp THPT là phải có sự phân hóa nhất định để các trường đại học có thể căn cứ vào kết quả đó tuyển sinh. Mục tiêu này bước đầu đã đạt được.
PGS. TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh: “Với nhiều khoảng điểm và sự phân hóa về kết quả giữa các môn học, kết quả của kỳ thi hoàn toàn đủ điều kiện cho các trường đại học căn cứ vào đó xét tuyển theo các tổ hợp tuyển sinh”.
Đánh giá công tác ra đề thi năm nay tương đối đều tay, tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Đức Sơn hy vọng đề thi ở các kỳ thi sau sẽ có mức độ đồng đều hơn, không có độ vênh nhiều giữa điểm thi của các môn. Như vậy, sẽ tạo ra được mặt bằng chung để dễ đánh giá chất lượng dạy và học.