Ứng xử với không gian nghệ thuật công cộng: Không thể tùy tiện!
Việc xây dựng các không gian công cộng không chỉ tạo nên những điểm đến mà còn đang được nâng tầm thành nghệ thuật, trở thành nét đẹp văn hóa của nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc ứng xử với những giá trị nghệ thuật này vẫn còn kiểu “mạnh ai nấy làm”, “cha chung không ai khóc”.
Nỗ lực tạo điểm nhấn
Từ ngày trở thành phố bích họa, phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở thành điểm đến của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ và khách du lịch. Đoạn phố dài hơn 200m với những bức vẽ gợi nhớ về Hà Nội xưa như: bách hóa tổng hợp, gánh hàng rong, ông đồ cho chữ... trở thành điểm check-in của nhiều người. Họ đến đây để hoài niệm, để cảm nhận một thành phố bình yên, thư thái, một điểm hẹn văn hóa.
Còn không gian nghệ thuật phường Phúc Tân (cũng ở quận Hoàn Kiếm) đã góp phần xóa bỏ khu vực vốn là một bãi rác tự phát ven sông Hồng, biến Phúc Tân thành điểm đến thú vị không chỉ với cư dân trên con phố này. Ở đó, theo lời một họa sĩ chính là không gian nghệ thuật được sinh ra từ ngữ cảnh địa phương và trở thành một phần hài hòa với cộng đồng.
Tại Hà Nội, cũng có thể kể đến không gian nghệ thuật Manzi (Phan Huy Chú, quận Ba Đình), Six Space (94B, Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm), Á Space (ngõ 59 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội)…
Còn ở TPHCM, với không gian sáng tạo Sài Gòn Outcast (188 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền); 3A Alternative Art Area (3A Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1) được trang trí bằng nghệ thuật graffiti, tận dụng từ những nhà kho cũ bỏ hoang; Zero Station (12 đường 43, Lâm Văn Bến, phường Bình Thuận, quận 7) là một khu phức hợp, tổ chức nhiều sự kiện nghệ thuật, được coi như là một là “điểm nóng” về nghệ thuật đương đại và là không gian sáng tạo cho một số nghệ sỹ…
Ngoài ra, tại một số thành phố, nhiều công trình nghệ thuật công cộng cũng đang tạo nên những điểm nhấn như bức tranh khổng lồ 360 độ ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ ở trung tâm TP Điện Biên Phủ; công trình kiến trúc Bảo tàng Than Quảng Ninh, Trung tâm Thư viện ở Quảng Ninh…
PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hương - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhìn nhận, các không gian công cộng được nâng tầm lên thành nghệ thuật đang ngày càng phát triển trong thời gian qua. Ở đó, các công trình có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, nhà nước đã kiến tạo, tạo tiềm năng giá trị, đặc biệt là hoạt động phát triển du lịch.
Bà Hương cũng cho rằng, nghệ thuật công cộng đang có những tác động tích cực đối với cộng đồng, gắn kết với bản sắc văn hóa. Do vậy, các dự án nghệ thuật công cộng sẽ không chỉ dừng ở ý nghĩa biến đổi một không gian cũ thành không gian nghệ thuật mới mẻ, đẹp mắt, thu hút sự tò mò nhất định của dân chúng và rồi dần bị lãng quên. Để những công trình nghệ thuật đó không chỉ đơn thuần là sự trang trí, làm đẹp cho một khu phố, một con đường… theo bà Hương, cần phải có những chiến lược cụ thể để đưa lên một tầm cao mới, tương xứng với tốc độ phát triển văn hoá - kinh tế toàn cầu hiện nay.
Còn đó những nỗi lo
Có thể nói, các công trình nghệ thuật công cộng đang có những tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, với đặc thù là không gian chung nên để đảm bảo tính bền vững của các công trình lại đang là bài toán vô cùng nan giải, từ công tác quản lý cho đến việc “kiểm soát” tư duy sáng tạo nghệ thuật.
Thực tế cho thấy, những dự án nghệ thuật công cộng hiện chỉ sống được 3 - 4 năm, sau đó xuống cấp. Không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân, phố bích họa Phùng Hưng, hay trước đó là con đường gốm sứ ven sông Hồng... từng đem đến niềm vui cho người dân Thủ đô và du khách, tuy nhiên đáng tiếc là những công trình này đang xuống cấp nghiêm trọng, bong tróc, gây mất mỹ quan đô thị. Chính những người dân đang trực tiếp thụ hưởng các không gian công cộng cũng hoài nghi về khái niệm điểm đến này là “của công hay của tư” khi quy chế về thực hành nghệ thuật công cộng, đi kèm với đó là cơ chế quản lý, bảo vệ vẫn chưa có, khiến cho việc gìn giữ các không gian này gặp nhiều khó khăn.
Đó là công tác quản lý, còn về “kiểm soát” tư duy sáng tạo, thời gian qua tại một số không gian công cộng đã xuất hiện những công trình nghệ thuật thiếu thẩm mỹ, dung tục... gây nên sự “ô nhiễm thị giác”, bức xúc trong cộng đồng. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, một công trình, dự án phục vụ cộng đồng không thể tùy tiện tiến hành bởi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như lãng phí tiền của, công sức, làm mất thẩm mỹ cảnh quan chung. Bên cạnh đó, nếu cẩu thả trong việc sáng tạo sẽ ảnh hưởng đến độ bền, vẻ đẹp của công trình, gây bức xúc dư luận xã hội... Điều này sẽ ảnh hưởng tới nhiều người bởi phạm vi tác động của nghệ thuật công cộng không chỉ thu gọn ở một số ít cá nhân mà là cả cộng đồng dân cư.
Đồng quan điểm, TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Kiến trúc TPHCM cho rằng, tại một số thành phố, việc quản lý đô thị còn bộc lộ nhiều yếu kém, thiếu khoa học, làm ảnh hưởng trực tiếp đến mỹ quan đô thị. Nhiều nhà quản lý đô thị, quản lý văn hóa không am hiểu và yêu thích về nghệ thuật, dẫn đến không thiết tha với việc đưa tác phẩm mỹ thuật vào không gian đô thị. Do đó, việc quy hoạch, thiết kế đô thị trong đó có không gian cộng cộng cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn kiến trúc, mỹ thuật, kết hợp ngay từ khâu hoạch định những ý tưởng ban đầu khi nghiên cứu tổng quan cho đến nghiên cứu cụ thể từng khu vực.
Mặc dù các dự án trong không gian nghệ thuật công cộng có tuổi đời nhất định, nhưng không thể không đề cập tới các biện pháp bảo vệ, khai thác các tác phẩm một cách hợp lý nhất, hiệu quả nhất. PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, không gian công cộng đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa, nhất là với những đô thị chật chội và ngột ngạt, địa điểm này có vai trò như “châm cứu, chữa lành” cho sức khỏe tinh thần. Vì vậy, những không gian này cần được kiến tạo để trở thành không gian văn hóa thực thụ, môi trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, góp phần tạo nên một thành phố sống tốt và nhân văn.
Nghệ thuật gắn kết cộng đồng
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, những dự án nghệ thuật công cộng có chất lượng khi được đặt đúng chỗ sẽ giải quyết được nhiều bài toán về đánh thức tiềm năng giá trị điểm đến cho du khách, nâng cao được khả năng gắn kết cộng đồng, mang lại lợi ích giá trị tinh thần.
Những không gian di sản, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị khi kết hợp tốt với các tác phẩm nghệ thuật sẽ kích hoạt được những cảm thức của chính người dân cũng như du khách tham quan. Nghệ thuật lúc này như một chất xúc tác kết nối tình cảm, tinh thần cộng đồng cũng như nâng cao khả năng thúc đẩy kinh tế cho địa phương. Nhìn toàn cảnh, nếu một thành phố hay một khu vực có nhiều tác phẩm và dự án nghệ thuật công cộng có chất lượng cũng sẽ trở thành một lợi thế thu hút để thúc đẩy phát triển.