Không được làm xấu di tích
Hiện nhiều điểm di tích, không gian văn hoá có sức hút đặc biệt với giới trẻ, đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cùng với một số bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích thì vẫn còn những bạn chỉ “sống ảo”, thậm chí có những hành động làm xấu hình ảnh di tích…
Nhiều di tích thu hút giới trẻ
Các điểm di tích, không gian văn hóa đang có sức hút đặc biệt với một bộ phận giới trẻ tới tham quan, tìm hiểu hoặc đến để lưu lại những bức ảnh đẹp chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội.
Nguyễn Văn Hoàng, 24 tuổi, đến từ Thái Bình tham quan tại Bảo tàng Dân tộc học chia sẻ, mặc dù em theo học ngành Kỹ thuật nhưng em luôn mong muốn được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của dân tộc. Mỗi bức ảnh, mỗi hiện vật luôn mang trong mình chiều sâu văn hóa. Trong quá trình tham quan, tìm hiểu các tư liệu ở đây, em cũng sẽ tranh thủ lưu lại những bức ảnh làm kỷ niệm hoặc chia sẻ những góc ảnh đẹp trên Tiktok, Facebook.
Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nguyễn Thị Hoài, 26 tuổi, đến từ Bắc Giang, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ, khi đi du lịch đến địa điểm nào em cũng tìm hiểu lịch sử, văn hóa của điểm đến đó. Đây cũng là cơ hội để em có điều kiện học hỏi, hiểu hơn về dấu ấn lịch sử vàng son của các di tích lịch sử.
“Tại một số điểm đến như Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội... em cũng gặp những bạn trẻ cùng sở thích với mình. Em nghĩ rằng, các bạn đến tìm hiểu về di tích, chụp những góc ảnh đẹp rồi chia sẻ trên mạng xã hội cũng chính là góp phần lan tỏa vẻ đẹp của di tích, điểm đến văn hóa tới nhiều người hơn” - Hoài chia sẻ.
TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển cho rằng, việc các bạn trẻ đến các điểm di tích lịch sử để chụp ảnh thực sự là một hiện tượng đáng mừng. Điều này chứng tỏ các di tích có sức hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Đây cũng là dịp để các bạn trẻ có cơ hội để tiếp cận với lịch sử và văn hóa của di tích lịch sử, từ đó nâng cao nhận thức và tình yêu với truyền thống văn hóa của dân tộc.
Trải nghiệm thêm ý nghĩa
Những di tích, điểm đến văn hóa thu hút được giới trẻ là điều hết sức đáng mừng. Song bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bạn trẻ chỉ đến để “sống ảo”, săn tìm những bức ảnh “triệu view” mà chưa thực sự chú ý đến chiều sâu lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, thậm chí có những hành động làm xấu di tích như trèo lên tường di tích để chụp ảnh, ăn mặc phản cảm... Một số ý kiến cho rằng, các bạn trẻ làm vậy chỉ hướng tới mục đích cá nhân là đề cao hình ảnh bản thân mà không quan tâm đến quảng bá văn hóa, cảnh quan, di tích dân tộc. Việc này cũng thể hiện sự lệch lạc, đề cao cái tôi, lối sống ảo mà quên đi những nguyên tắc ứng xử ở những không gian công cộng.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, để giúp các bạn trẻ trân trọng di tích thì phải giúp các bạn hiểu và muốn tìm hiểu về các di tích đó. Việc này không tốn thời gian, nhất là trong thời công nghệ 4.0, chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối mạng wifi là có thể nắm bắt được các thông tin. Chúng ta cũng cần phải tạo thói quen khi đến cửa di tích, dừng lại đọc những bảng quy định, hướng dẫn, giới thiệu về di tích. “Di tích thường có tính thiêng, tuổi di tích nhiều hơn tuổi một đời người, nên xứng đáng được kính trọng, cần có thái độ lễ nghĩa trước di tích. Mình tôn trọng di tích là chính mình được tôn trọng” - ông Vĩ chia sẻ.
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho rằng, di tích cần có những hoạt động giới thiệu bằng cách thức hấp dẫn, thú vị, để truyền tải những thông điệp những giá trị giúp cho các bạn trẻ nhận thấy được đó là những giá trị các bạn mong muốn để thay đổi hành vi. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang có nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn các bạn trẻ như tour đêm; triển lãm… và những hoạt động bên lề hướng tới thế hệ trẻ, bước đầu mang đến những hiệu quả rất tốt.
TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển:
Ứng dụng công nghệ để truyền tải giá trị văn hóa
Các di tích cần có những hình thức hấp dẫn để hướng du khách vào việc tìm hiểu nội dung lịch sử, văn hóa. Có thể tổ chức các tour hướng dẫn, cung cấp thông tin qua ứng dụng di động, mã QR code để truy cập vào tư liệu phong phú. Các bảng thông tin ngắn gọn, tranh ảnh, pano giới thiệu về di tích, cùng với các sản phẩm văn hóa liên quan chắc chắn sẽ giúp tạo ra sự hứng thú tìm hiểu của người đến tham quan di tích. Hơn nữa, việc tạo ra các hoạt động tương tác như trò chơi tìm hiểu lịch sử, các cuộc thi ảnh với chủ đề về di tích, hay các buổi giao lưu, tọa đàm với các nhà nghiên cứu, nghệ nhân cũng có thể khuyến khích giới trẻ quan tâm hơn đến giá trị thực sự của di tích. Bằng cách kết hợp những phương pháp này, chúng ta có thể thu hút và duy trì sự quan tâm của giới trẻ đối với di sản văn hóa của dân tộc.