Sức khỏe

Biến chứng vì chữa tiểu đường bằng phương pháp truyền miệng

Đức Trân 18/07/2024 10:37

Đái tháo đường là căn bệnh mạn tính phổ biến đang có xu hướng ngày càng gia tăng số ca mắc tại nước ta. Đáng nói, mặc dù hiện nay các chế phẩm tây y trị liệu tiểu đường phong phú và hữu hiệu, thế nhưng không ít người dân vẫn tin vào những phương pháp chữa bệnh thiếu khoa học, dẫn tới hậu quả nặng nề.

bai-chinh(1).jpg
Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết trung ương thăm khám bệnh nhân mắc đái tháo đường. Ảnh: BVCC.

Sau một lần ngã xe khiến mu bàn chân bị xước lâu không lành, ông P.V.H. (62 tuổi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu) xuất hiện tâm lý lo sợ nguy cơ phải cắt cụt chân, do tiền sử mắc đái tháo đường 10 năm nay.

Tuy nhiên, thay vì lựa chọn tới cơ sở y tế để thăm khám thì bệnh nhân lại lựa chọn cách tìm tới các địa điểm chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian, truyền miệng. Được biết, chỉ trong 5 tuần, bệnh nhân đã đi tới 5 tỉnh, thành để đắp lá cây, đắp bột thuốc, thuốc uống, thuốc bôi… nhưng vết thương vẫn không lành, tình trạng lở loét lan rộng, sâu hơn, hoại tử, có mùi hôi, đen như hắc ín.

Chỉ đến khi đau chân dữ dội, sốt cao liên tục nhiều ngày và bắt đầu rơi vào mê man, bệnh nhân mới được gia đình đưa tới thăm khám tại Bệnh viện (BV) đa khoa Tâm Anh. Tại BV, bác sĩ cho biết bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, nếu không điều trị sớm có nguy cơ hoại tử nặng hơn dẫn tới phải cắt bỏ chân do biến chứng bệnh tiểu đường.

Một trường hợp khác, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân nam 63 tuổi, ở Thanh Trì (Hà Nội) trong tình trạng đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, sau khi nghe quảng cáo từ người quen có thuốc chữa tiểu đường rất tốt, đã có người nhà sử dụng nên tin và mua theo. Thuốc này dạng viên, bán 20 gói với giá 10 triệu đồng. Sau khi mua và sử dụng thuốc được gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn mửa, nên được người nhà đưa đến BV Bạch Mai, sau đó vào Trung tâm Chống độc cấp cứu.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai thông tin, những năm trở lại đây, cở sở y tế này đã tiếp nhận không ít bệnh nhân mắc đái tháo đường phải nhập viện, thậm chí là trong tình trạng nguy kịch tính mạng vì tin vào những lời quảng cáo rao bán thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng mua về sử dụng.

“Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều người đã trộn các loại chất bị cấm vào trong các thuốc chữa tiểu đường dởm, mạo danh các thuốc y học cổ truyền, thuốc nam, thực phẩm chức năng để bán ra thị trường gây ra ngộ độc. Khi bệnh nhân sử dụng, nguy cơ tử vong là rất cao, kể cả khi được điều trị tích cực” – BS Nguyên thông tin.

Bên cạnh đó, đối với các phương pháp điều trị dân gian như đắp lá cây, thuốc tán từ lá hay vỏ cây, uống lá cây, theo bác sĩ, những biện pháp này đều có tác dụng nhất định nhưng cần y học nghiên cứu thêm để chỉ rõ bộ phận nào của cây thuốc, hàm lượng ra sao, cách sử dụng thế nào mới an toàn. Riêng với các biện pháp dùng kim chích lấy mủ, cắt lể rất nguy hiểm với người bệnh tiểu đường.

Không chỉ vậy, người bệnh tiểu đường kèm theo các yếu tố như: đường huyết cao, biến chứng mạch máu, thần kinh, lão hóa da… nên dễ nhiễm trùng và lâu lành hơn người không mắc bệnh. Các phương pháp điều trị dân gian cần cẩn thận, vì hiệu quả không rõ ràng, tính an toàn thấp khi sử dụng.

TS.BS Lê Quang Toàn - Trưởng khoa Đái tháo đường (ĐTĐ), BV Nội tiết trung ương cũng nêu thực trạng: “Hiện nay, có rất nhiều trang mạng quảng cáo về các loại thuốc điều trị đái tháo đường với nội dung chữa khỏi hoàn toàn tiểu đường, không dùng thuốc tây, không insulin. Đây đều là những khẳng định hoàn toàn không đúng. Nếu người bệnh tin tưởng và sử dụng những loại thuốc này, bệnh tình trở nặng, gây ra các biến chứng về mắt, thận, tim mạch, biến chứng bàn chân và nhiều biến chứng khác cực kỳ nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong”.

Chuyên gia khẳng định, thông thường ở giai đoạn đầu bệnh còn nhẹ, sử dụng một số loại thuốc đông y có thể giúp giảm đường huyết. Khi người bệnh đến khám ở các phòng mạch và cơ sở khám chữa bệnh, thấy đường huyết ở ngưỡng bình thường và nghĩ rằng đã điều trị bệnh khỏi hẳn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính dễ gây tâm lý nản với một số bệnh nhân, tuy nhiên bệnh có nhiều hậu quả và biến chứng nên cần điều trị và theo dõi chặt chẽ lâu dài về y học hiện đại kết hợp với tuân thủ về chế độ ăn uống, vận động và dùng thuốc.

Người dân cần cảnh giác và tránh xa trước các lời quảng cáo, chào mời từ các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không đảm bảo về nguồn gốc như không có các thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế.

ĐTĐ là một bệnh lý chuyển hóa, mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết kéo dài, dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh. Đây là nguyên nhân chính đưa đến tình trạng mù lòa, suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và đoạn chi.

Thông tin từ Bộ Y tế ước tính, số bệnh nhân đã được chẩn đoán đái tháo đường ở nước ta chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bệnh tới viện trong tình trạng đái tháo đường đã gây ra nhiều biến chứng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn.

Đức Trân