Xét xử vụ án buôn lậu 6 tấn vàng về Việt Nam: Bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng bị đề nghị 17-18 năm tù
Ngày 17/7, Tòa án nhân dân TPHCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu hơn 6 tấn vàng xảy ra tại Tây Ninh, TPHCM và một số địa phương khác do bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng điều hành.
Trong ngày xét xử thứ 2, sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) TPHCM đã nêu quan điểm và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án đối với từng bị cáo trong vụ án.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Ngọc Giàu bị VKS đề nghị 17 - 18 năm tù. Bị cáo Phụng bị cáo buộc là chủ mưu và là người điều hành đường dây buôn lậu số lượng lớn vàng lậu từ Campuchia về Tây Ninh, TPHCM và một số tỉnh, thành trong nước để tiêu thụ, kiếm lời trái pháp luật.
Quá trình xét hỏi tại Tòa, bị cáo Phụng thừa nhận vai trò của bản thân tham gia trực tiếp điều hành hoạt động mua bán vàng lậu khi vàng về đến TPHCM, Tây Ninh và một số tỉnh, thành tại Việt Nam. Tuy nhiên, bị cáo này phủ nhận các hoạt động “đường đi” của 6 tấn vàng ở giai đoạn đang còn ở Campuchia. Trong đó, bị cáo cho rằng không tham gia ở các giai đoạn này, mà do các đồng phạm khác thực hiện. Khi vàng về đến TPHCM, bị cáo Phụng điều hành, giao cho Văn Chí Hùng quản lý việc mua bán. Về nội dung này, cáo trạng xác định, bị cáo Phụng trực tiếp trao đổi với bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Giàu (SN 1980) việc mua bán, vận chuyển vàng lậu từ Campuchia về Việt Nam. Tuy nhiên tại Tòa, bị cáo Phụng chỉ khai có quen biết với một người tên Osen (chưa rõ lai lịch) và đặt vàng qua người này. Còn bị cáo Giàu chỉ là người làm vai trò thống kê lại toàn bộ hoạt động mua bán vàng vào cuối mỗi ngày, sau đó báo cho bị cáo Phụng.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Giàu cũng đã thừa nhận vai trò mua bán vàng lậu cho bị cáo Phụng. Thế nhưng, bị cáo Giàu khai, bản thân chỉ có mối quan hệ với Phụng trong vai trò là người làm thuê, nhận công, không phải là đối tác của nhau. Trong đó, tính thời gian 2 tháng làm thuê cho Phụng, bị cáo Giàu đã được trả công số tiền là hơn 13,8 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái của bị cáo Phụng) bị VKS đề nghị mức án 15 - 16 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Thúy Hằng bị đề nghị 10 -11 năm tù; bị cáo Trần Thanh Thắng (Con trai bị cáo Giàu) bị đề nghị 12 - 13 năm tù. 19 bị cáo còn lại của vụ án bị VKS đề nghị mức án từ 5 - 14 năm tù cùng về tội “buôn lậu”.
Đại diện VKS cho rằng, ngoài bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng, bị cáo Nguyễn Thị Kim Phượng cũng bị cáo buộc hành vi chủ mưu trong quá trình “buôn lậu” 1.320kg vàng, trị giá khoảng hơn 1.800 tỷ đồng. Việc mua bán vàng lậu diễn ra trong khoảng thời gian từ 18/7 đến 28/9/2022, nhưng bị cáo Phượng khai không nhớ đã buôn vàng lậu cụ thể là bao nhiêu. Số liệu này do bị cáo Nguyễn Thị Thúy Hằng (chủ tiệm vàng Kim Oanh Hằng) ghi chép lại. Theo nội dung cáo trạng, trong quá trình buôn lậu 1.320kg vàng thỏi, bị cáo Phượng hưởng lợi 132.000 USD (hơn 3 tỷ đồng), bị cáo Giàu hưởng lợi hơn 3,7 tỷ đồng và một số bị cáo đồng phạm khác hưởng lợi tùy theo mức độ, vai trò khi tham gia đường dây.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo trong vụ án phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Đồng thời, tịch thu tiền, vàng thu giữ trong quá trình khám xét liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo mà có. Trước khi bước vào các phiên tranh tụng, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xem xét, tuyên án nghiêm minh đối với các bị cáo trong vụ án. Bởi vì, đa số các bị cáo đều là người hiểu biết, nhận thức được hành vi pháp luật nhưng vì động cơ kiếm lời đã tham gia đường dây buôn lậu vàng số lượng rất lớn, trị giá hơn 8.000 tỷ đồng.