Khi xe máy bắt buộc phải kiểm định khí thải
Hiện nay so với ô tô và xe máy chuyên dùng thì xe máy phổ thông không phải kiểm định an toàn kỹ thuật. Như vậy, việc bắt buộc kiểm định tất cả xe máy, theo nhìn nhận của giới chuyên gia là cần thiết và nên làm sớm để bảo vệ môi trường.
Nâng cao ý thức của người dân
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/ 2025, với nhiều điểm mới đáng chú ý. Luật mới quy định việc xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải từ ngày 1/1/2025.
Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ kiểm định khí thải. Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Một con số thống kê từ cơ quan chức năng cho biết, lượng xe máy đã đăng ký trên toàn quốc đạt khoảng 69,2 triệu xe và số xe lưu hành đạt khoảng 45,5 triệu xe. Một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí trong đô thị là từ xe máy cũ.
Kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe môtô, xe gắn máy tại 3 thành phố: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cho thấy xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, phát thải từ các hoạt động giao thông chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải tại thành phố. Trong khi thế giới đang hướng đến tiêu chuẩn khí thải Euro 6, đa số ô tô đang lưu hành tại Việt Nam đang ở tiêu chuẩn Euro 4 hoặc Euro 5 thì xe máy vẫn chỉ đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2 hoặc Euro 3 (áp dụng từ cách đây hơn 25 năm). Nếu thành phố không sớm có giải pháp khắc phục, lượng CO gia tăng thêm mỗi năm sẽ là 15,88%, lượng HC tăng thêm 12,85%.
Ông Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải nhìn nhận, việc kiểm định khí thải không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải phù hợp cũng như nâng cao chất lượng an toàn phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.
Hiện chỉ ô tô phải kiểm định định kỳ sau khi đưa ra thị trường, còn xe máy đang lưu hành chưa buộc phải kiểm định khí thải định kỳ. Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, nên kiểm soát khí thải với xe máy để giảm ô nhiễm, loại bỏ xe cũ, nát, gây nguy hiểm không chỉ cho người đi xe mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác. Giải pháp này cũng phù hợp để hạn chế phương tiện cá nhân ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo chưa đưa ra giải pháp thực hiện kiểm định xe máy, lộ trình áp dụng, kiểm tra, giám sát, xử phạt ra sao.
Nên thực hiện như thế nào?
Chị Lương Thị Minh (trọ ở Cầu Giấy, Hà Nội ) cho biết, vợ chồng chị từ quê ra Hà Nội kiếm sống. Gia đình chỉ có 1 chiếc xe máy Wave cũ là tài sản giá trị nhất. Mỗi sáng sớm, vợ chồng chị đi xe máy ra chợ đầu mối lấy rau để chị mang về bán lẻ. Sau đó, chồng chị đi chạy xe ôm.
Với chiếc xe cũ này hỏng cái gì thì đưa ra tiệm sửa cái tức là hỏng đâu sửa đó, và rất ít mang bảo dưỡng vì đó là cần câu cơm hàng ngày. “Nếu phải kiểm định thì chắc chắn xe bị bỏ đi rồi” - chị Minh nói.
Thực tế, không ít lần cơ quan nhà nước đưa ra chủ trương, quy định mới liên quan đến mô tô, xe máy đều gặp vướng mắc. Nhiều dự thảo, đề án được nâng lên rồi lại đặt xuống do vấp phải những yếu tố “nhạy cảm”, phức tạp. Lý do chính là xe máy hiện vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong đô thị.
Đối tượng chịu tác động mạnh nhất của quy định này sẽ là hàng triệu xe cũ đang lưu hành trên dưới 15 năm, thậm chí trên 20 năm. Sau khi kiểm định, nếu không đủ tiêu chuẩn khí thải theo quy định, số phận của những chiếc xe này sẽ xử lý ra sao? Cơ quan nhà nước có tịch thu phương tiện hay không? Nếu chiếc xe đó là phương tiện kiếm sống duy nhất của người dân, làm thế nào để đảm bảo sinh kế cho họ? Đó là những băn khoăn được nhiều người đặt ra. Vậy làm sao để hiện thực hoá sớm được Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định xe máy phải kiểm định khí thải tại các trung tâm đăng kiểm từ đầu 2025 trở đi?
Ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu quy định một mức độ chất lượng khí thải với xe máy đang sử dụng ở mức nào để có thể chấp nhận được và xe nào chất lượng kém hơn cần có chế độ bảo dưỡng sửa chữa hoặc thay thế động cơ thì sẽ có chất lượng khí thải đạt ngưỡng tốt trong thời gian ngắn hơn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không thể định kỳ 6 tháng người dân có thể đem xe đi bảo dưỡng 1 lần, vì đa số dân đều nghèo. Bên cạnh kiểm soát khí thải, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi xe mới hơn. Thậm chí, để hạn chế xe cá nhân, cần tính tới việc phải chi ngân sách hỗ trợ người dân tương tự như chính sách các địa phương trợ giá vé phương tiện công cộng để người dân giảm đi xe riêng, hay miễn giảm thuế để giảm giá xe điện. Có thể Nhà nước hoặc nhà sản xuất xe máy nên hỗ trợ một phần chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, thay thiết bị để đạt chuẩn khí thải hoặc Nhà nước trợ giá để đăng kiểm miễn phí.
Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, nên kiểm soát khí thải với xe máy để giảm ô nhiễm, loại bỏ xe cũ, nát, gây nguy hiểm không chỉ cho người đi xe mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác. Giải pháp này cũng phù hợp để hạn chế phương tiện cá nhân ở các đô thị lớn.