TP HCM sắp tổ chức 2 sự kiện ngoại giao và kinh tế mang tầm quốc tế
Thông tin trên được ông Trần Phước Anh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP HCM cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM, chiều 18/7.
Ông Trần Phước Anh cho hay, sắp tới thành phố sẽ tổ chức Đối thoại Hữu nghị TP HCM lần thứ 2 và Diễn đàn Kinh tế TP HCM lần thứ 5 năm 2024. Đây là 2 sự kiện quy mô quốc tế do UBND TP HCM tổ chức.
Theo kế hoạch, Đối thoại Hữu nghị TP HCM sẽ diễn ra từ ngày 23 – 24/9 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”.
Đối thoại Hữu nghị TP HCM mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa thành phố với các địa phương kết nghĩa trên thế giới. Đồng thời, nâng tầm quốc tế của thành phố trong việc chủ động thiết lập và tập hợp lãnh đạo các địa phương nước ngoài, chuyên gia để định hướng hợp tác quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển chung.
Theo lãnh đạo Sở Ngoại vụ, nổi bật trong chuỗi hoạt động là phiên hội nghị thị trưởng với sự tham dự của lãnh đạo Trung ương, bộ ngành, lãnh đạo thành phố cùng đại diện 58 địa phương quốc tế có quan hệ hữu nghị hợp tác với thành phố như Đức, Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Phần Lan…
Tại phiên hội nghị thị trưởng, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận về thế mạnh, lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng hợp tác quốc tế của các địa phương hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; đề xuất các sáng kiến hợp tác cấp địa phương trong việc đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Nhằm chào đón các đại biểu tham dự đối thoại Hữu nghị TP HCM, thành phố cũng đã xây dựng chuỗi hoạt động ngoại giao công chúng như đi bộ ngắm cảnh, thưởng thức cà phê trứng, ngắm khinh khí cầu, đi du thuyền trên sông Sài Gòn...
Cũng trong tháng 9, UBND TP HCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP HCM lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM”.
Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm nay dự kiến có sự tham gia của đại diện các bộ ngành Việt Nam; 1.200 đến 1.500 đại biểu gồm: các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB...), các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và ngoài nước.