Khi nông dân không ruộng làm giàu
Ở vùng núi, trước đây người dân chỉ trông chờ vào mảnh rừng keo, quế, hồi…, nhưng tới nay nông dân Quảng Ninh đã tự tin làm chủ những mô hình nông nghiệp hiện đại. Nông sản làm ra trở thành hàng hóa, có mặt trong các kênh phân phối uy tín, tiến đến cơ hội xuất khẩu nước ngoài.
Ba Chẽ là huyện miền núi, vùng cao khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. Nếu như trước đây người dân chỉ trông chờ vào mấy héc ta rừng sản xuất, nhà nào không có rừng thì làm đủ mọi nghề quanh năm vẫn thiếu tiền chi tiêu, thì nay Ba Chẽ đã khác.
Những cái tên hội viên nông dân trẻ sản xuất kinh doanh giỏi, như anh Nịnh Văn Năm (xã Thanh Sơn) phát triển trồng cây ba kích, thu nhập 300 triệu đồng/năm; anh Triệu Quay Phúc (thôn Khe Lọng, xã Thanh Sơn) phát triển vườn ươm cây giống, thu nhập 250 triệu đồng/năm; anh Triệu Tiến Mạnh, Triệu Kim Vày (xã Đồn Đạc) nuôi dúi, thu nhập gần 300 triệu đồng/năm…, xuất hiện ngày càng nhiều.
Trước đây hộ anh Triệu Tiến Mạnh (thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc) là hộ nghèo. Cuộc sống chạy ăn từng bữa, đất sản xuất ít, kỹ thuật chăn nuôi không có, kinh tế phụ thuộc vào những chuyến đi rừng, làm phụ xây... Sau khi được huyện hỗ trợ tham gia mô hình nuôi dúi sinh sản, cán bộ địa phương động viên, khích lệ, hướng dẫn cách làm ăn, gia đình anh đã tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, nuôi dúi đạt hiệu quả, đến nay đã thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.
Anh Mạnh chia sẻ: “Năm 2022 được các cấp hỗ trợ 30 con giống, cán bộ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình tôi đã phát triển mô hình nuôi dúi sinh sản, hiện nuôi 150 con, lợi nhuận gần 60 triệu đồng/năm. Trên đà thuận lợi, năm nay tôi vay vốn mở rộng chuồng trại lên 200m2, phát triển đàn lên 300 con”.
Ở thôn Pắc Cáy còn có 2 hộ khác cũng nhận được hỗ trợ, tham gia mô hình nuôi dúi sinh sản, thương phẩm theo hướng liên kết sản xuất với quy mô 180 con. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, mô hình nuôi dúi của các hộ phát triển tốt. Đến nay các hộ này đều đã thoát nghèo.
Thực tế nông dân Quảng Ninh đã và đang phát huy khả năng bản thân để làm chủ các mô hình kinh tế nông nghiệp. Họ năng động, sáng tạo, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, biết phát huy lợi thế của địa phương; biết chuyển đổi tư duy sản xuất, theo hướng từ coi trọng sản lượng sang chất lượng; sản xuất những sản phẩm thị trường cần; sản xuất theo hướng liên kết, theo tổ, nhóm thay vì riêng lẻ, cá thể.
Không có thế mạnh về diện tích canh tác, chị Nguyễn Thị Mai Phương (trú tại phường Quang Trung, TP Uông Bí) chọn cách cải tạo không gian trong nhà mình để làm nơi nuôi cấy và chế biến sản phẩm đông trùng hạ thảo.
Để làm được điều này, chị Phương đã đầu tư hệ thống thiết bị làm lạnh và thiết bị vô trùng hiện đại, đồng thời nhận chuyển giao công nghệ và phôi nấm từ một đơn vị nghiên cứu cấp bộ để về sản xuất trực tiếp. Với sự mạnh dạn và những nỗ lực của mình, chị Phương đã cho ra đời hàng chục sản phẩm đông trùng hạ thảo có chất lượng cao. Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của chị Phương được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, giúp chị trở thành một trong những nông dân tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh.
Trong bối cảnh đô thị hoá, công nghiệp hoá ngày càng cao, diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhiều người nông dân Quảng Ninh đã chọn những mô hình sản xuất nông nghiệp mới mẻ, đòi hỏi có đầu tư sâu vào công nghệ, ứng dụng thiết bị sản xuất tiên tiến, quy trình sản xuất hiện đại. Họ là những nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo ra sản phẩm và giá trị cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.