Tinh hoa Việt

Đừng bỏ quên việc ‘xanh hóa’ di tích

QUANG HƯNG 20/07/2024 14:16

Tình trạng thiếu màu xanh không chỉ ở nhiều không gian đô thị, đơn vị, công sở, trường học…, mà đã “len lỏi” vào nhiều di tích, không gian thờ tự, công trình tâm linh.

z4105507169080_f8709bff5eb032e512da81e958203de6.jpg
Phong cảnh bình dị ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: Thư Hoàng

Sự thực dụng của vật chất và “lạm phát” của quy mô, hình thức, tính phô trương… đang cần được điều chỉnh, giảm thiểu trong việc tu bổ, tôn tạo. Cùng với đó và là một giải pháp làm cho “mềm hóa” không gian, giúp công trình trở nên gần gũi, thân thiện, hòa đồng hơn, chính là việc gây dựng, giữ gìn cảnh quan xanh cho các không gian tâm linh này.

Đến nhiều di tích, thấy có sự suy giảm không nhỏ về cảnh quan. Việc tu bổ, tôn tạo có biểu hiện thái quá trong trang trí, làm đẹp, làm mới khiến cho vẻ cổ kính, “màu thời gian” ở trên mái đình, sân chùa loãng đi, nhường chỗ cho những rực rỡ, sặc sỡ, bóng bẩy.

Từng có thời gian khi các di tích được trùng tu “mới hóa”, nhiều ý kiến không đồng tình. Cũng có quan điểm cho rằng, vừa tu tạo, quét sơn, thay ngói, lắp gỗ mới thì nhìn trông cũng phải mới, theo thời gian sẽ cũ dần đi, sẽ lại… như xưa! Nhưng thực tế có thể nhận ra cách sử dụng vật liệu, màu sắc khá phổ biến khi sửa sang, chỉnh trang, tu tạo di tích.

Đó là việc dùng nhiều đá lát nền, dựng lan can, xây bậc, làm những bức bình phong đá, rồi dùng cả những cặp rồng đá, nghê đá ở nhiều vị trí. Mong cho bền vững lâu dài nhưng một phần do đó lại làm thô cứng, lạnh lùng cho không gian di tích. Cần thấy thêm việc dùng sơn thay cho vôi ve theo lối cũ cũng khiến cho sắc màu trở nên tươi, bóng, có khi chói…, khác với những màu tường, cột, thềm, cổng… ngả màu trầm, nhạt ở các đền chùa, đình miếu xưa.

Những bóng cây, vùng cây và hệ thống cây nhỏ làm râm mát, xanh tốt, tươi tắn không gian di tích, khiến cho công trình, con người trở nên gần gũi, hài hòa, ăn nhập với cái “nền” tự nhiên.

Lại có thể so sánh thêm cả việc bài trí cảnh quan, chăm sóc cây xanh ở các di tích này. Nhớ lại hình ảnh nhiều di tích xưa, ấn tượng lâu bền là dáng vẻ hiền hòa, khiêm nhường bên những cây cổ thụ mà bóng cây có khi trùm lấp, che phủ trên một phần mái đình, chùa. Có thể nói, màu xanh cây lá, bóng cây, không gian khuôn viên có những vùng rợp bóng cây cao, cùng những vạt vườn nhiều loại cây xen kẽ, mọc khá tự nhiên với nhiều dáng vẻ là nét phổ biến, quen thuộc ở nhiều di tích, không gian thờ tự xưa.

Những bóng cây, vùng cây và hệ thống cây nhỏ làm râm mát, xanh tốt, tươi tắn không gian di tích, khiến cho công trình, con người trở nên gần gũi, hài hòa, ăn nhập với cái “nền” tự nhiên. Chính sự liên thông với bóng cây, thảm thực vật, có nơi lộ ra, có góc ẩn khuất, có chỗ rợp tối, như được khoác thêm vẻ huyền bí, u mật, càng làm tăng thêm không khí linh thiêng ở công trình tôn giáo, tín ngưỡng.

Còn bây giờ, nhìn nhiều di tích được tân trang, không khỏi tiếc khi sự bóng bẩy, mới mẻ, cả những dáng vẻ đồ sộ có xu hướng cứ chường ra, cứ chen đua nhau “phát biểu” mà thiếu sự “hãm” lại, làm cho chùng xuống nhờ những bóng hình cổ thụ và cây lá vườn tược. Không phủ nhận nhiều di tích chú tâm đến việc đặt những chậu cây lớn, trồng những hàng cây đều đặn, mở những lối đi viền cỏ, viền cây, lát gạch sạch sẽ.

Nhưng cái vẻ phẳng phiu, chỉn chu, quy củ được xén tỉa nhiều khi đến vuông thành sắc cạnh ấy, và sự thưa vắng bóng cây lớn bên những công trình gạch đá, bê tông bề thế lại làm cho di tích nặng về hình thức, phô trương, suy giảm đi nét tự nhiên.

Hiện nay, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong xã hội được tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi; hoạt động hành hương, chiêm bái, cúng lễ phát triển rộng rãi. Đời sống lại có nhiều biến cố, xáo trộn, đời thường có nhiều diễn biến phức tạp, người dân mong có thêm chỗ dựa tinh thần ở những không gian tâm linh, thờ tự. Đáp ứng nhu cầu đó, nhiều ngôi chùa được tôn tạo, xây dựng thêm, xây mới các hạng mục, trở nên những không gian rộng lớn, quy mô hoành tráng, kiến trúc đồ sộ, có sân bãi to để tập kết xe cộ, có phòng ốc, khuôn viên rộng rãi để tổ chức các khóa tu đông đảo cho thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, đà xây dựng phát triển mạnh mà thiếu đi sự chăm lo về cảnh quan, thậm chí còn thiếu tôn trọng không gian thiên nhiên khi cắt xẻ, san lấp làm biến dạng hình thế núi đồi, cây cối.

Những tác động đó tạo nên một xu hướng đối trọng, trái ngược giữa công trình và thiên nhiên; cũng như thể hiện quan điểm lấy công trình tôn giáo, tín ngưỡng làm đối tượng quan trọng hàng đầu, phải là trung tâm, phải được phục vụ, phải nổi bật. Còn sự hài hòa, khiêm nhường trong cảnh quan chung thì trở nên mờ nhạt.

Với nhiều di tích, công trình tôn giáo, tín ngưỡng ở nông thôn, ở vùng ngoại thành, ở các vùng núi đồi rộng rãi thì là vậy. Còn với không ít công trình, di tích ở trong đô thị thì lại càng lọt sâu vào sự o ép, hạn hẹp về không gian, cảnh quan. Bị vây giữa nhiều nhà ống, nhà cao tầng bao quanh, di tích, công trình tôn giáo, tín ngưỡng còn không có được khoảng không gian chung quanh, mà để tạo dựng cảnh quan, màu xanh, thì phải tận dụng khuôn viên bé nhỏ. Với điều kiện hạn chế như thế, nên khi được đưa vào càng nhiều hạng mục, vật chất thì sự chật chội càng tăng mà bóng dáng thiên nhiên lại thêm lùi xa.

Đó thật là những điều đáng quan tâm cho các ban quản lý di tích, các nhà tu hành, những vị trông nom di tích, công trình tâm linh, tín ngưỡng. Và không thể không liên quan là chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa.

Cần khắc phục, từng bước giải quyết thực trạng này bằng những biện pháp chuyên môn kết hợp với quy định hành chính, và song song lâu dài là tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, tài liệu hướng dẫn, tư vấn, mở đường cho việc làm “xanh lại” những không gian tâm linh.

Theo đó, phải quan tâm “xanh hóa” các di tích, công trình tôn giáo, tín ngưỡng bằng việc trồng, chăm sóc cây tạo bóng mát, tạo độ che phủ cho khuôn viên và công trình, có diện tích dành cho việc trồng cây bảo đảm sự phát triển trong tương lai chứ không chỉ là những góc bonsai, tiểu cảnh nặng tính xếp đặt. Tham gia vào tiến trình này, cần có các chuyên gia về cây xanh, môi trường, các nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng… Họ sẽ là những người giúp thẩm định, tư vấn cho nhà chùa, nhà đền, ban quản lý đình… về những tiêu chuẩn kỹ thuật hay kinh nghiệm cần thiết trong việc duy trì, nuôi giữ bóng mát, không gian xanh, đặc biệt là ở những công trình được tu bổ, tôn tạo, được xây mới, xây thêm.

Cùng với đó, không thể thiếu sự giám sát và can thiệp cần thiết của chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng về tài nguyên, môi trường, quy hoạch, quản lý đô thị… Bên cạnh đó còn là những quy định mang tính truyền thống trong lối sống, phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Mà trong đó, không thể không nhắc đến và đề cao tinh thần hòa đồng, gần gũi thiên nhiên, cây cỏ, mặt nước, ý thức tôn trọng, giữ gìn cảnh quan ở rất nhiều di tích từ xưa đến nay.

Như vậy, nên chăng trong hồ sơ, tài liệu, thủ tục liên quan đến việc tu bổ, tôn tạo các di tích, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, ngoài các hạng mục, bộ phận của công trình kiến trúc được sửa chữa, thay cái hỏng, phục chế cái cũ, bổ sung cơ sở vật chất, thì cần đưa vào “phương án xanh” qua việc trồng, chăm sóc cây cối, tạo lập và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên gắn liền với di tích, công trình. Những nội dung này cần có phương án, kế hoạch cụ thể và cam kết thực hiện. Đó cũng là cơ sở để đánh giá sau này về chất lượng tu bổ, tôn tạo di tích cũng như điều chỉnh, bổ sung nếu việc thực hiện chưa được hiệu quả.

Màu xanh ở di tích, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, cần được hiểu như một truyền thống trong nếp sống ở các không gian này.

Và trong bối cảnh hiện tại, truyền thống ấy lại càng nên được phát huy nhiều hơn. Bởi thực trạng ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường sống, nên việc tạo cảnh quan, không gian xanh ở mọi không gian sống, làm việc, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng hay văn hóa, xã hội đều cần thiết chứ không chỉ ở nơi đình, chùa, miếu, phủ.

Thêm nữa, cũng chính bởi nhiều di tích, công trình tôn giáo, tín ngưỡng trong quá trình tôn tạo, phát triển, mở rộng, đang có xu hướng dần xa truyền thống tốt đẹp đó.

QUANG HƯNG