Giáo dục

Gấp rút tuyển dụng giáo viên

Hàn Minh 20/07/2024 11:29

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa năm học mới 2024 - 2025 sẽ bắt đầu. Hiện các địa phương đang khẩn trương tuyển dụng giáo viên (GV) để kịp thời bổ sung cho các nhà trường theo đúng kế hoạch và chỉ tiêu đã được giao.

anhbaitren(2).jpg
Một tiết học ở Trường Tiểu học Lê Tất Đắc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: T.Q.

Bài toán khó giải

Năm học 2024 - 2025, số lớp trên toàn tỉnh Nghệ An tăng hơn 200 lớp so với năm học trước, đẩy số lượng GV thiếu dự kiến lên tới hơn 6.500 biên chế. Từ tháng 4/2024, Nghị quyết số 10/NQ-HĐND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt bổ sung 2.187 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập cho 19 huyện, thành, thị và Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

Ghi nhận chung, số huyện tuyển dụng GV bậc THCS không nhiều, vì hiện nay bậc học này còn thừa khá nhiều GV. Đơn cử tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đang thừa hơn 100 GV ở bậc THCS trong khi thiếu GV bậc mầm non, tiểu học. Vì vậy, một trong những giải pháp nếu không đủ GV cho năm học này đó là tiếp tục thực hiện biệt phái GV ở bậc THCS về dạy GV tiểu học.

Sở GDĐT TPHCM đã thông báo tuyển dụng 337 viên chức đợt 1 năm học này, trong đó có 263 viên chức vị trí GV các bộ môn và 74 viên chức vị trí nhân viên. Hiện đã hoàn thành phần tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển và thu lệ phí, dự kiến đến ngày 5/8 sẽ thông báo kết quả tuyển dụng trên trang thông tin điện tử của Sở GDĐT và gửi thông báo công nhận kết quả trúng tuyển bằng văn bản tới người dự tuyển theo địa chỉ mà người dự tuyển đã đăng ký (dự kiến ngày 10/8/2024). Điểm mới của năm nay là có thêm 2 vị trí việc làm lần đầu tiên được tuyển dụng là nhân viên giáo vụ và nhân viên tư vấn tâm lý cho học sinh.

Tại TPHCM, ở bậc THPT, từ năm học 2024 - 2025, TPHCM mở rộng danh sách trường công lập được phân quyền tuyển dụng GV cho năm học mới ở 9 đơn vị thuộc huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức và huyện Củ Chi, nâng tổng số đơn vị được trao quyền chủ động tuyển dụng nhân sự lên 20 đơn vị. Điều này được lý giải nhằm giúp các trường ở khu vực ngoại thành chủ động hơn trong công tác tuyển dụng GV, giảm thiểu các trường hợp ứng viên trúng tuyển không nhận nhiệm sở hoặc nhận nhiệm sở nhưng không gắn bó lâu dài với trường do điều kiện đi lại khó khăn.

Khó khăn về việc thiếu GV các môn học mới theo chương trình GDPT 2018 vẫn đang được các địa phương nỗ lực bằng nhiều giải pháp. Trong đó, phương án dùng chung GV giữa các đơn vị trong cùng cụm trường được nhiều địa phương đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc khan hiếm nguồn tuyển các môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh, Tin học vẫn đang là bài toán khó với hầu hết các địa phương không chỉ miền núi mà ngay các quận huyện nội thành. Cũng trong năm học 2023 - 2024, tỉnh Thanh Hóa đã tuyển dụng 136 chỉ tiêu GV THPT hạng III theo Nghị định số 140 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Mong được chủ động tuyển dụng

Một trong những điểm mới tại dự thảo Luật Nhà giáo là đề xuất tuyển dụng GV do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp chịu trách nhiệm. Nếu dự luật này được thông qua, việc tuyển dụng đội ngũ nhà giáo sẽ có những thay đổi đáng kể. Khi đó, ngành GDĐT sẽ được chủ trì tuyển dụng đội ngũ thay vì chính quyền địa phương và ngành nội vụ như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, nếu ngành giáo dục được quyền tuyển dụng GV và quản lý được nhân lực của mình sẽ có nhiều ưu điểm. Phương thức này giúp khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ ở nhiều địa phương.

GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, lâu nay ngành giáo dục không được chủ động trong việc tuyển dụng cán bộ, GV chuyên môn thực hiện việc giảng dạy và phục vụ công tác giáo dục. Thực tế ông đã chứng kiến không ít những bất cập liên quan đến vấn đề này như có trường thiếu GV nhưng không có biên chế và không đủ kinh phí tuyển dụng. Có những trường thiếu GV môn Toán, nhưng lại được giao biên chế môn Ngữ văn, gây ra tình trạng chỗ thiếu, chỗ thừa. Vì vậy, nếu được giao thẩm quyền quản lý nhân sự cho Bộ GDĐT và phân cấp về các địa phương, trao quyền cho các sở GDĐT, phòng GDĐT một cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới sẽ giúp giải bài toán này một cách hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cũng nhấn mạnh cần quy định chi tiết việc tuyển dụng trong dự thảo Luật Nhà giáo, đặc biệt là về trách nhiệm, năng lực của người tuyển dụng nhằm hạn chế những tiêu cực. Thực hiện được điều này sẽ làm giảm sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý nhân sự ngành giáo dục.

Hàn Minh