Xã hội

Nhiều ý kiến về phương án “điện hóa” xe buýt trị giá 51.000 tỷ đồng

Sỹ Tuyến 20/07/2024 11:29

Theo Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2024-2035, Hà Nội đưa ra 3 kịch bản, đó là: 100% xe buýt điện; 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG; 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG. Tương ứng với các kịch bản này, số phương tiện dự kiến chuyển đổi lần lượt là 2.433 xe; 2.212 xe và 2.076 xe. Tổng chi phí cho 3 phương án lần lượt là hơn 60.000 tỷ đồng, gần 55.000 tỷ đồng và hơn 51.000 tỷ đồng.

anh-bai-duoi-trang-11.jpg
Nhiều năm qua, Hà Nội đã đầu tư lớn vào xe buýt. Nguồn: VINPEARL.

Trong đó Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất kịch bản số 3, từ nay đến năm 2035, Hà Nội sẽ chuyển đổi 2.076 xe buýt sang sử dụng nhiên liệu xanh với tổng chi phí hơn 51.000 tỷ đồng, với mục tiêu thay thế, đầu tư mới 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đề án và đề xuất kể trên nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Hầu hết mọi người đều ủng hộ chuyển đổi sang xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho là sẽ lãng phí trong khi một số lượng xe buýt chưa hết vòng đời khấu hao, nếu như phải bỏ đi. Để tiết kiệm ngân sách, những xe như vậy có thể chuyển bớt ra ngoài ngoại thành vì vẫn sử dụng tốt. Còn trong nội thành dùng xe điện sẽ bớt phát thải, bớt ô nhiễm hơn.

Đối với xe chạy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hay sử dụng khí thiên nhiên nén (CNG) vẫn còn sử dụng tốt, đã có hạ tầng trạm sạc, thì cần tiếp tục chạy hết vòng đời. Sau đó, mới thay thế bằng xe điện cũng là để tránh lãng phí vì các loại xe đó chưa chạy hết vòng đời.

Về vấn đề này, theo PGS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, xe chạy CNG vẫn phát thải ra môi trường và tạo ra ít hơn chỉ khoảng 20% lượng khí thải so với xe xăng. Bởi vậy, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ để lựa chọn loại phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch cho phù hợp.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, về chi phí đầu tư, hiện giá xe buýt CNG cao hơn khoảng 20% giá xe buýt diesel. Giá xe buýt điện cao hơn 3 lần giá xe buýt diesel. Tuy nhiên, với tiến bộ công nghệ hiện nay, giá thành xe điện giảm rất sâu và dự báo trong vài năm tới khoảng cách giá xe điện và xe buýt diesel sẽ thu hẹp đáng kể. Cả CNG và buýt điện đều cần đầu tư trạm bơm khí và trạm sạc, với chi phí tương đương.

Với phương án 3 (chuyển đổi 50% xe buýt điện, 50% xe buýt chạy bằng khí LNG/CNG, với tổng kinh phí 51 nghìn tỷ đồng như Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất), bà Hiền cho rằng, do đến năm 2035 lại phải bỏ xe buýt CNG để chuyển sang xe buýt điện, Hà Nội cần nghiên cứu phương án kéo dài thời gian sử dụng nhiên liệu sinh học Biodiesel là B5, B10. Cùng với đó, cần tiến hành đánh giá mức độ phát thải của các loại nhiên liệu sinh học này để có lộ trình thay thế xe chạy điện phù hợp với cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Còn theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam thì trong số các kịch bản mà TP Hà Nội dự kiến, kịch bản sử dụng 100% xe buýt điện là tốt nhất cho môi trường. Bởi việc chuyển đổi phương tiện xăng sang dùng khí LNG/CNG, tuy sạch hơn, nhưng thực chất vẫn là nhiên liệu hóa thạch này sang nhiên liệu hóa thạch khác.

Tuy nhiên, bên cạnh việc cho rằng cần tiết kiệm, tránh lãng phí khi vội “thải” xe buýt cũ, thì một số ý kiến cũng cho rằng, để chuyển đổi sang xe buýt sử dụng khí LNG/CNG, hạ tầng cung ứng nhiên liệu cần bến bãi rộng, xa khu dân cư, có hành lang an toàn, có quy hoạch cụ thể về vị trí, đảm bảo khoảng cách giữa các trạm, có phương án phòng, chống cháy nổ…

Sỹ Tuyến