Kinh tế

Cam go cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái

H.Hương 20/07/2024 11:32

Theo cơ quan chức năng, hầu hết các sản phẩm hàng hoá đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các vụ việc do lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện thời gian qua có dấu hiệu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sản xuất trong nước tăng dần cả về quy mô và số vụ việc.

anh-cv.jpg
Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh lương thực có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh sản phẩm giả. Ảnh: Cục QLTT Bắc Ninh.

Đầu tháng 7, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 22, Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra đột xuất 5 gian hàng kinh doanh tại khu vực đường Nguyễn Đình Tứ, phường Xuân Đỉnh. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện trên 50.000 sản phẩm với tổng khối lượng trên 20 tấn hàng hoá là mỹ phẩm, dầu gội, kem đánh răng trẻ em các nhãn hiệu ACLEAF Repair toner, OHBT, MAMACOS, O-ZONE...

Người tiêu dùng thiệt đơn thiệt kép

Trong vụ việc kể trên, đáng chú ý khi lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn hàng hóa là kem đánh răng trẻ em nhãn hiệu O-ZONE và nhiều mỹ phẩm đang được tẩy date đã hết hạn sử dụng và in, dập date mới với hạn sử dụng vài năm so với hạn sử dụng đã hết trước đó. Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của toàn bộ số hàng hoá tại cơ sở.

Chưa hết, vào ngày 14/7, Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lương Thị Bích (SN 1982) và Ngô Thị Vinh (SN 1962), cùng trú tại TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) về hành vi buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm. Qua điều tra, đối tượng Bích khai nhận các mặt hàng mì chính của hãng bán ra thị trường có giá thành đắt, nên đã nảy sinh ý định mua mì chính giả có giá rẻ, kém chất lượng để lấy lợi nhuận cao. Thủ đoạn của Bích mua mì chính giả của Vinh để đóng gói sau đó mang đi tiêu thụ.

Như vậy, gần như tháng nào cơ quan chức năng cũng phát hiện được những vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả rất lớn. Tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái tràn lan khắp nơi, diễn ra ở nhiều địa phương. Nếu như tháng 7, tại Hà Nội các vụ việc hàng giả được phát hiện thì ngày 11/ 4 vừa qua Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 10, TPHCM đã xác định đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả hoạt động từ đầu năm 2022 đến nay.

Để sản xuất tân dược giả, các đối tượng thu gom các loại tân dược sắp hết hạn sử dụng, giá rẻ đưa về nhà ở quận 10. Tiếp đến, dùng kéo cắt phần ngày sản xuất, hạn sử dụng (date) dập nổi trên mỗi vỉ thuốc, sau đó in thời hạn sử dụng mới vào mặt sau vỉ thuốc thành hạn sử dụng đến năm 2025, 2026. Sau đó, đặt in vỏ hộp, hướng dẫn sử dụng để đưa thuốc giả vào tiếp tục đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, các đối tượng còn thu mua các loại thuốc ngoại nhập trôi nổi trên thị thường, sau đó dùng cồn hoặc hóa chất khác tẩy xóa phần chữ in trên vỉ thuốc, dùng máy in lại thông tin (tên, thành phần, hoạt chất) trên vỉ thuốc tạo thành loại thuốc mới, tiếp tục đưa ra thị trường tiêu thụ.

Một nguồn nguyên liệu khác được các đối tượng sử dụng là thu mua tân dược sản xuất nội địa, có nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, sau đó ngâm vào nước để bong tróc tem nhãn dán gốc của nhà sản xuất dán trên ống thuốc, đặt in và dán tem nhãn giả thành thuốc ngoại nhập, đưa ra thị trường tiêu thụ.

Bà Nguyễn Diệu Hà - Tổng thư ký Hiệp hội Dược Việt Nam cho rằng, trước yêu cầu mở cửa hội nhập của nền kinh tế, thủ tục nhập khẩu thuốc ngày càng cắt giảm, tăng nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu thâm nhập từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa giá trị lớn, trong khi khối lượng, thể tích nhỏ gọn, dễ vận chuyển, dễ che giấu để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Hoạt động sản xuất thuốc giả mang lại lợi nhuận cao, các cá nhân không có chuyên môn vẫn sản xuất thuốc giả dù không có nhà xưởng, không có dây chuyền sản xuất hiện đại. Cùng với đó, người tiêu dùng chưa có kiến thức để nhận biết thuốc giả.

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) gây thiệt hại đầu tiên chính là đối với người tiêu dùng. Bởi khi sử dụng các sản phẩm bị làm giả này, nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ rất lớn. Trong khi đó cũng phải thừa nhận, kiến thức phân biệt hàng thật, hàng giả của người tiêu dùng còn ít, và nếu khi va phải hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng cũng ngại động chạm đến việc tố cáo, tố giác.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cũng cho biết, chủng loại hàng hóa bị làm giả, làm nhái, hàng vi phạm quyền SHTT rất đa dạng, từ hàng may mặc, thời trang, tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá... đến những sản phẩm có giá trị cao như máy tính, điện thoại hay các sản phẩm đồ chơi lắp ghép dành cho trẻ em... Lập doanh nghiệp (DN) và trà trộn hàng giả để tiêu thụ; lợi dụng TMĐT để tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT; thậm chí tự sản xuất hàng nhái, đăng ký bản quyền và kiện ngược lại cơ quan chức năng khi bị xử lý... là những vi phạm kiểu mới đang được các đối tượng thực hiện.

Theo ông Linh, sự nhức nhối của tình trạng này đang thể hiện ở cả 3 khía cạnh, bao gồm các vấn đề vi phạm về thương hiệu và nhãn hiệu của sản phẩm; chủng loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền SHTT; phương thức kinh doanh sản phẩm, hàng giả, hàng nhái.

"Đối tượng làm hàng giả rất tinh vi và nghiên cứu pháp luật rất kỹ để luồn lách qua mặt cơ quan nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật. Rất nhiều sản phẩm hàng giả được làm giống hoặc gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Với những vụ việc này, để xử lý tranh chấp mất rất nhiều thời gian, thậm chí nhiều khi lực lượng như chúng tôi còn bị các đối tượng kiện ngược lại" - ông Linh chia sẻ.

anh-2.jpg
Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng trên livestream. Ảnh: Ngọc Hà.

Nhiều vi phạm thương mại điện tử

Lực lượng QLTT và Công an tỉnh Bắc Ninh thông tin triệt xoá cơ sở sản xuất gạo ST 25 giả nhãn hiệu “Gạo Ông Cua”. Như vậy có thể thấy hàng giả, hàng nhái đang bủa vây người tiêu dùng, từ buôn bán trực tiếp đến buôn bán trên không gian mạng.

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: bên cạnh những mặt tích cực, thương mại điện tử (TMĐT) cũng ẩn chứa nhiều thách thức đối với các nhà quản lý. Không ít đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của TMĐT để mua bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT của DN với diễn biến ngày càng phức tạp.

Bên cạnh đó, tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá tại các tỉnh, thành phố, không khó để tìm mua các loại hàng hoá có dấu hiệu giả nhãn hiệu, xâm phạm quyền SHTT. Hoạt động nhập khẩu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT thường có tổ chức rất chặt chẽ, bí mật, khép kín, nhiều mắt xích, nhiều đối tượng tham gia.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) Nguyễn Đăng Sinh, các nền tảng TMĐT cũng là môi trường để vấn nạn hàng giả, hàng nhái xâm nhập và phát triển không kém gì thương mại truyền thống, thậm chí vấn đề kiểm soát và ngăn chặn còn khó khăn hơn, phức tạp hơn...

Ông Phạm Khắc Huy - Phó Chánh văn phòng Tổng cục QLTT cho biết, thời gian qua, thông qua các vụ việc lực lượng QLTT xử lý cho thấy mặt hàng thực phẩm bị làm giả rất nhiều, điển hình như gạo, sữa, đồ uống... Gần đây nhất, QLTT xử lý nhiều hành vi vi phạm trên TMĐT vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu và bảo hộ quyền SHTT.

“Thực tế cho thấy trên TMĐT, đối với những sản phẩm được bày bán có thể họ trưng bày ảnh của sản phẩm thật, nhưng khi nhận được lại là sản phẩm không đảm bảo chất lượng, hoặc bị giả mạo nhãn hiệu, hoặc không đúng như quảng cáo… xảy ra rất là nhiều, do đó, lực lượng QLTT đã phối hợp rất chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Cục An ninh mạng, các đơn vị vận chuyển, để có những giải pháp xử lý những vi phạm này” - ông Huy cho hay.

Nhiều người cho rằng, để xử lý được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT trong TMĐT, cần thay đổi thói quen tiêu dùng, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Người dân không tiếp tay cho hàng giả hàng nhái, không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu và phản ánh/tố giác tới các cơ quan chức năng khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm

Cần tuyên truyền để DN, người dân dần bỏ đi suy nghĩ coi công tác chống hàng giả chỉ là của cơ quan chức năng. Các sàn TMĐT cần đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường kiểm soát người bán, chất lượng sản phẩm và đánh giá người bán và đánh giá sản phẩm và công khai thông tin đánh giá để người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn và mua sản phẩm phù hợp...

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm để bảo đảm việc điều tra, xử lý được kịp thời. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền về cách thức nhận biết hàng giả, khuyến khích nhân dân tố giác tội phạm, đồng hành với cơ quan quản lý trong chống hàng giả. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất cần chủ động bảo vệ thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và loại bỏ tâm lý e ngại khi đấu tranh với hàng giả.

H.Hương