La Nina đến cùng mưa bão
Những ngày này, mưa lớn trút xuống nhiều nơi trên thế giới, trong đó có châu Á. Giới chuyên gia khí tượng cho rằng đó là biểu hiện rõ nét khi mà thời đoạn chuyển giao giữa El Nino sang La Nina đang dần hoàn tất.
Tại Philippines, Cơ quan thời tiết quốc gia đã nâng cảnh báo về La Nina, cho thấy 70% hiện tượng thời tiết này sẽ bắt đầu vào tháng 8 và có khả năng kéo dài cho đến quý 1/2025.
Một báo cáo của Cục Quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines cho biết, nguy cơ rất cao khi hoạt động đối lưu gia tăng và xuất hiện bão nhiệt đới, dẫn đến lượng mưa cao bất thường ở một số vùng của nước này bắt đầu từ tuần cuối tháng 7 tới.
Mưa lớn và kéo dài do La Nina tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt và lở đất ở các khu vực dễ bị tổn thương của Philippines với mức độ khác nhau.
La Nina là một kiểu khí hậu toàn cầu, trong đó nước mát từ sâu phía đông Thái Bình Dương nổi lên trên bề mặt, tạo ra một vùng nước mát hơn bình thường dọc theo đường xích đạo phía đông và trung tâm Thái Bình Dương. La Nina khiến bề mặt nước biển trở nên lạnh bất thường, đi kèm với gió và mưa, trái ngược với hiện tượng El Nino.
Trong khi đó, ông Quraishi Badloon - Giám đốc Sở Thông tin và Văn hóa tỉnh Nangarhar (Afghanistan) thông báo đã có ít nhất 35 người thiệt mạng và 230 người khác bị thương chỉ trong tới ngày 16/7 sau khi mưa lớn trút xuống miền đông nước này. Mưa lớn làm đổ cây cối, tường và mái nhà của người dân. Đại diện bệnh viện khu vực Nangarhar và bệnh viện Fatima-tul-Zahra cho biết, họ đã quá tải do số người bị thương do mưa lớn, gió giật.
Trước đó, hồi tháng 5, Afghanistan cũng đã chịu đựng thảm kịch xảy ra do lũ quét, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Kể từ đầu năm cho tới thời điểm giữa tháng 7, Afghanistan đã phải đối diện với những ngày ẩm ướt bất thường.
Còn tại Trung Quốc, Cơ quan Khí tượng quốc gia (NMC) tiếp tục duy trì cảnh báo đối với mưa lớn và nhiệt độ cao trên nhiều khu vực ở nước này; trong khi mưa lớn diễn ra tại nhiều khu vực ở Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy, Giang Tô và Nội Mông; lượng mưa từ 80mm trở lên cho tới 200mm. NMC khuyến cáo chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, đồng thời tăng cường kiểm tra hệ thống thoát nước tại các đô thị, vùng nông nghiệp và ao hồ nuôi trồng thủy sản.
Tại Hàn Quốc, người dân cho rằng họ đã và đang phải chịu đựng đợt mưa lớn kỷ lục trong vòng 200 năm. Các tỉnh Jeolla và Chungcheong, lượng mưa đo được lên tới 255 mm chỉ trong vài giờ, gây ra ngập lụt trên diện rộng.
Theo Bộ Nội vụ Hàn Quốc, đã có 4 người thiệt mạng trong các vụ việc liên quan đến mưa lớn; gần 4.000 người mất nhà cửa; nhiều ô tô, đường xá, đê điều và các công trình công cộng ngập lụt. Mưa lớn cũng ảnh hưởng đến hoạt động của đường hàng không và đường sắt. Có 21 chuyến bay tại sân bay quốc tế Gimhae ở thành phố cảng phía đông nam Busan bị hủy và 16 chuyến bay khác bị hoãn. Tất cả các dịch vụ tàu hỏa trên tuyến Janghang ở tỉnh nam Chungcheong và tuyến Kyungbuk ở tỉnh bắc Kyungsang cũng đã phải ngừng phục vụ trong một thời gian ngắn.
Giới chuyên gia khí tượng cho rằng, đây được coi là thời điểm chuyển đổi giữa El Nino và La Nina. Nhiều nơi sẽ phải chịu đựng những đợt mưa lớnvà nhiệt độ giảm đột ngột tuy rằng đang trong mùa hè.
Trung tâm dự báo thời tiết thuộc Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), 49% khả năng xảy ra hình thái thời tiết La Nina trong khoảng thời gian từ giữa tháng 7 đến tháng 8 năm nay. Như vậy, La Nina sẽ thay thế El Nino ngay trong mùa hè năm nay, sớm hơn so với sự báo (khoảng từ tháng 9 đến tháng 10). Sự chuyển đổi giữa hai hình thái thời tiết này có thể gây ra các thảm họa thời tiết, trong đó có những trận mưa lớn kéo dài và những cơn bão nhiệt đới.
Cả El Nino và La Nina đều có khả năng gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan. Bà Clare Nullis - người phát ngôn Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho rằng, thời tiết cực đoan đang dần trở thành “bình thường” càng cho thấy thiên tai có thể sẽ dày đặc hơn. Nếu như mùa hè 2023 và từ tháng 5 đến giữa tháng 7/2024, Trái đất đã phải trải qua những ngày năng thiêu đốt, thì khi La Nina xuất hiện chúng ta sẽ phải chịu đựng những đợt mưa lớn và Đông Bắc Á có thể sẽ trở thành “rốn nước”.
Tiến sĩ Alex Desrosiers - Đại học Colorado (Mỹ) cho rằng, La Nina không bao giờ là tin tốt khi nó mang theo mưa lớn và bão. Năm nay, tác động của La Nina còn được khuếch đại bởi nhiệt độ đại dương ấm hơn. Còn nhìn chung, trong vòng 10 năm trở lại đây, nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 143 tỷ USD mỗi năm do thời tiết cực đoan. Cũng trong 10 năm qua, có tới 1,2 tỷ người trên thế giới phải hứng chịu thiệt hại liên quan đến thời tiết cực đoan, trong đó khoảng 64% thiệt hại liên quan đến các cơn bão, 16% thiệt hại liên quan các đợt sóng nhiệt, 10% do hạn hán và lũ lụt.