Chủ động phòng tránh bệnh bạch hầu
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó 1 trường hợp tử vong. Với nguy cơ lây lan nhanh, căn bệnh này khiến không ít người lo lắng.
Những điều cần biết
Theo các chuyên gia y tế, bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng mũi họng cấp tính, gây ra bởi một trực khuẩn ái khí, gram dương có tên là Corynebacterium tấn công vào niêm mạc vùng mũi họng. Vi khuẩn này tạo nên một loại giả mạc trắng dai, bám chặt và lan nhanh ra bao phủ toàn bộ lớp niêm mạc của đường hô hấp. Độc tố do bạch hầu tiết ra tác động vào tim và các mô ngoại vi, gây nên tình trạng nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân.
BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, bạch hầu thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây truyền nhanh và gây tử vong cao, buộc phải cách ly, nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo. Bệnh gây ra các biểu hiện chủ yếu ở đường hô hấp như bạch hầu mũi, họng, thanh quản, khí phế quản… Trong đó, có khoảng 70% người mắc bạch hầu họng. Các thể ít gặp hơn là bạch hầu da, bạch hầu mắt.
Với thể bạch hầu họng, trong giai đoạn đầu, bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, họng đỏ, chán ăn.
Sau 2 - 3 ngày, mặt sau hoặc 2 bên thành họng xuất hiện giả mạc màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu và có thể phình to. Nếu không được điều trị, mảng giả mạc này sẽ phát triển và lan rộng lấp đường hô hấp gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp cho người bệnh. Bên cạnh đó, vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập vào máu gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm cơ tim, tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê liệt, liệt cơ hoành dẫn đến tử vong.
Theo số liệu từ Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đã tăng 1.000% so với trước khi ghi nhận các ca bệnh tại Hà Giang, Nghệ An và Bắc Giang.
Vi khuẩn bạch hầu lây nhiễm dễ dàng qua tiếp xúc với các giọt bắn chứa vi khuẩn trong không khí khi người nhiễm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây nhiễm gián tiếp qua các vật dụng bám chất bài tiết, giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ sang thương da của bạch hầu. Thời gian ủ bệnh dao động từ 2 - 5 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn bạch hầu.
Theo các chuyên gia y tế, có hai nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân bạch hầu đó là độc tố tiết ra từ vi khuẩn bạch hầu tấn công vào các tế bào vật chủ, ngăn cản sự tổng hợp chuỗi protein và gây chết tế bào; giả mạc vùng họng bít lấp đường thở.
Về phương thức truyền bệnh, trực khuẩn bạch hầu có dạng hình que, sắp xếp thành đám, 2 đầu của trực khuẩn màu tím, giống hình chùy. Thông thường vi khuẩn bạch hầu nhân lên trên hoặc gần bề mặt của màng nhầy của cổ họng. Do đó, bạch hầu lây chủ yếu qua đường dịch tiết.
Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra một giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu. Bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người.
Theo các chuyên gia, đó là lây truyền trực tiếp. Lây truyền gián tiếp là thông qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh. Một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu từ việc chưa làm sạch các vật dụng mà người nhiễm bệnh đã sử dụng từ cốc uống nước chưa rửa của người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với các giấy ăn mà người bệnh đã sử dụng.
Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 - 5 ngày. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu có sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng.
Ít nguy cơ bùng dịch lớn
Theo TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tình hình bạch hầu năm 2024 đến nay ở nước ta chưa phải là vấn đề phức tạp, số mắc thấp, các ổ dịch nhỏ, vẫn trong tầm kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thành dịch ở quy mô lớn là thấp.
TS Hoàng Minh Đức khẳng định, bệnh bạch hầu không phải là bệnh mới. Hiện nay, vaccine bạch hầu đã được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí) ở nước ta từ năm 1985. Do đó đã tạo được miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng và đã làm giảm số ca mắc hàng trăm lần so với thời điểm năm 1983 với khoảng 3.500 ca.
Bệnh đã có vaccine và kháng sinh đặc hiệu để phòng và điều trị. Sau tiêm vaccine liều cơ bản, miễn dịch có thể kéo dài được vài năm song thường giảm dần theo thời gian nên cần được tiêm nhắc lại.
Những năm gần đây, cả nước chỉ ghi nhận các ca bệnh rải rác tại các nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt được 100% đối tượng tiêm. Các ổ dịch chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện cung cấp vaccine tiêm chủng mở rộng còn khó khăn nên tạo vùng lõm tiêm chủng.
Để phòng ngừa dịch bệnh bạch hầu, BS.CKI Bạch Thị Chính khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh hiệu quả nhất. Tỷ lệ bảo vệ của vaccine lên đến 97%. Cơ thể chỉ cần 2 - 3 tuần sau khi tiêm đủ liều để sản sinh miễn dịch với bệnh.
Cụ thể, sau khi hoàn tất lịch tiêm chủng vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 trong 2 năm đầu đời (vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng), trẻ cần tiêm nhắc 1 mũi vaccine có thành phần bạch hầu vào lúc 4 - 6 tuổi và 9 - 15 tuổi. Người lớn cần tiêm nhắc vaccine có thành phần bạch hầu 10 năm/lần. Hiện tại, đang mùa hè, trẻ em được nghỉ hè và di chuyển nhiều nơi, ba mẹ nên dẫn trẻ đi tiêm nhắc phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván ngay để bảo vệ trẻ dài lâu trước những căn bệnh nguy hiểm.
Đặc biệt, các đối tượng phụ nữ mang thai, người từ 50 tuổi trở lên, người lớn có bệnh mạn tính ở phổi, tim mạch, thận… là các đối tượng có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc bạch hầu, cần rà soát lịch tiêm để bổ sung kịp thời.
Với thai phụ, vaccine được tiêm trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ ngoài bảo vệ mẹ còn giúp truyền kháng thể bảo vệ bé trong những tháng đầu đời trước khi đến tuổi tiêm chủng.
Ngoài ra, người không rõ lịch sử tiêm ngừa cần bổ sung vaccine bạch hầu trong thời gian sớm nhất. Tùy tiền sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ chỉ định lịch tiêm phù hợp từng người.