Xã hội

Cảnh báo sạt lở mùa mưa lũ

Nhóm phóng viên 22/07/2024 10:30

Mùa mưa lũ đang vào cao điểm. Nhiều địa phương miền núi và trung du đã công bố tình huống thiên tai khẩn cấp, trong đó có Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lai Châu, Lâm Đồng... Sạt lở đất không chỉ làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân mà còn vùi lấp, chết người. Giới chuyên gia địa chất đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới sạt lở đất, từ đó cho thấy còn nhiều việc phải làm.

anh-cv.jpg
Thông xe vụ lở đất trên Quốc lộ 34 (thôn Tả Mò, xã Yên Định, Bắc Mê, Hà Giang) ngày 14/7. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trước diễn biến phức tạp mùa mưa lũ, các tỉnh vùng núi cao, trung du đã và đang tiếp tục các phương án phòng chống sạt lở, nhằm bảo đảm tính mạng và tài sản của nhà nước, của nhân dân.

Những cảnh báo cần thiết

Ngày 16/7, UBND tỉnh Tuyên Quang đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất. Thời gian qua, các đợt mưa lớn kéo dài đã hình thành lũ quét và các điểm sạt lở đất tại núi Pù Húc (tổ dân phố Nà Khà, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình). Các khối đất, đá vẫn tiếp tục trượt, sạt và có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của 10 hộ dân với 42 nhân khẩu đang sinh sống tiếp giáp phía dưới chân núi.

Tại tỉnh Bắc Kạn, ngày 15/7, UBND tỉnh này cũng đã ban hành Quyết định số 1223 công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với khu vực sạt lở tại Tổ nhân dân Hát Deng (thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì). Yêu cầu thực hiện các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở đất gây ra. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Na Rì đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện đi lại và cơ sở hạ tầng; cử người canh gác tại khu vực sạt lở (nếu cần thiết), cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân, tổ chức biết và phòng tránh; tổ chức di dời các hộ dân đến nơi an toàn khi có nguy cơ, tình huống sạt lở nguy hiểm.

Trước đó, ngày 1/7, UBND tỉnh Bắc Kạn công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với khu vực sạt lở tại trụ sở Công an xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn). Ngày 12/7, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với khu vực sạt lở tại trụ sở Công an huyện Ba Bể (huyện Ba Bể).

Như vậy, chỉ trong nửa đầu tháng 7, tỉnh Bắc Kạn đã phải 3 lần công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

Tại tỉnh Lai Châu, ngày 17/7, Sở Giao thông vận tải tỉnh này đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên các tuyến quốc lộ do mưa lũ gây thiệt hại nặng nề kết cấu hạ tầng giao thông. Vào cuối giờ sáng 17/7, trên Quốc lộ 4H đã xảy ra sạt lở taluy dương tại km 319+710, đoạn qua địa bàn xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, khiến 5.000m3 đất sạt lở, gây ách tắc giao thông cục bộ. Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lai Châu, tới nay một số vị trí sạt lở taluy âm vẫn còn có nguy cơ tiếp tục xói lở gây đứt đường. Cung sụt taluy dương tiếp tục phát triển có nguy cơ sạt lở, vùi lấp người và phương tiện tham gia giao thông bất cứ lúc nào.

anh-1-6-7.jpg
Sạt lở đồi tại thôn Gốc Nhội (xã Yên Thái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), tháng 8/2023 khiến 2 người thiệt mạng. Nguồn: VietnamPlus.

Còn trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu, tính đến ngày 18/7, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở gần 100 vị trí.

Thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tính tới thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 200 vị trí có nguy cơ sạt lở. Trong đó, riêng thành phố Bảo Lộc có tới 144 điểm nguy cơ sụt lún cao và ngập lụt khi xảy ra mưa lớn.

Theo cơ quan chức năng thành phố Bảo Lộc, khu vực nguy cơ sạt lở tập trung tại các phường 1, Lộc Sơn, các xã Lộc Nga, Lộc Châu, ĐamB’ri. Còn tại thành phố Đà Lạt, hiện 61 công trình có nguy cơ sạt trượt, nghiêng lún và mất an toàn. UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chủ động, tập trung triển khai các phương án, giải pháp phòng ngừa sạt lở đất, lũ quét; đồng thời thành lập các tổ, đoàn công tác nhằm rà soát, cảnh báo và xử lý sớm các điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn.

anh-2-7.jpg
Vụ sạt lở đất rạng sáng 29/6/2023 tại đường Yên Thế (phường 10, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) khiến 2 người thiệt mạng.

Những vụ sạt lở đất kinh hoàng

Thật đáng sợ khi trượt lở đất không chỉ gây thiệt hại về tài sản, kinh tế mà còn dẫn đến vùi lấp, chết người. Nói với truyền thông, bà Vũ Thị Sa (ở thôn Gốc Nhội, xã Yên Thái, huyện Văn yên, tỉnh Yên bái) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ sạt lở trên xảy ra giữa đêm khuya năm 2023. Hôm đó trời mưa rất to, lại mất điện, nên cả thôn chìm trong giấc ngủ. Nhưng họ đâu biết rằng đó là một đêm “định mệnh”, hàng nghìn khối đất đá từ trên các sườn đồi trồng quế đổ ập xuống, đã vùi lấp ruộng đồng, nhà cửa của nhân dân. Có người đã bị vùi trong chính ngôi nhà của mình. “Giá mà hôm đó phát hiện sớm, ngay khi sạt lở xảy ra, có khi người dân đã cứu được hàng xóm” - bà Sa rưng rưng nói.

Tại tỉnh Nghệ An, theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại thời điểm tháng 9/2023, xuất hiện 373 vị trí đã xảy ra sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sụt lún, sạt lở đất, ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản, hạ tầng cơ sở cũng như gây tâm lý bất an cho gần 10.000 hộ dân đang sinh sống trong khu vực.

Trong số những vụ tai nạn do sạt lở đất, tới nay nhiều người vẫn không thể quên thảm họa kép ở Rào Trăng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vào tháng 10/2020 khiến 30 cán bộ chiến sĩ và công nhân thủy điện bị tử nạn; sạt lở núi tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 khiến 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp. Còn tại Lâm Đồng, ngày 30/7/2023, sạt lở tại chốt Cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc (thuộc địa bàn huyện Đạ Huoai) đã làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát và 1 người dân bị vùi lấp.

Mới đây, rạng sáng ngày 13/7, có tới 15 người, trong đó có cả trẻ em trên một chiếc xe khách đã bị nạn trong vụ sạt lở đất tại tỉnh Hà Giang, 11 người chết. Khi chiếc xe chạy đến km 10+900 (thôn Tạ Mò, xã Yên Định, Bắc Mê) thì bất ngờ một khối lượng lớn đất đá sạt lở trên núi xuống vùi lấp nửa thân xe.

Ngày 20/7 mới đây, đất đá từ triền đồi ào ào đổ xuống thôn Trung Tâm (xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) đã vùi lấp 1 nhà dân và tràn ra quốc lộ 27, một người đàn ông 39 tuổi tử vong. Trước đó, cũng tại khu vực thôn Trung Tâm (xã Đạ K’Nàng) xảy ra vụ sạt lở khiến 1 cô giáo tiểu học tử vong.

anh-3.jpg
Mưa lũ chảy qua đoạn đường quốc lộ 4D (đoạn qua thôn Tả Lèng, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Báo Giao thông.

Lên phương án phòng chống

Cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia địa chất, môi trường còn cho rằng “nhân tai” đã trở thành một trong những nguyên nhân chính châm ngòi cho những “phát súng” dồn dập từ thiên tai, khiến sạt lở ngày càng nặng nề hơn. Nói như PGS.TS Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản thì “có vẻ như cả xã hội đang bị bất ngờ trước trượt lở đất, không biết thế nào mà ứng xử”.

Trước thực trạng trên, việc đầu tư hiện đại hóa mạng lưới quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai là rất cấp thiết. Tuy nhiên, cùng đó phải là ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chính quyền sở tại, bởi nếu lơ là, thiếu trách nhiệm thì công nghệ hiện đại đến đâu, tai nạn cũng sẽ xảy ra.

Ông Trịnh Hải Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và phức tạp hơn đã trở thành mối đe dọa thường xuyên đối với sản xuất và đời sống của người dân ở miền trung du, miền núi. Do vậy, các địa phương cần xây dựng và ban hành phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với các loại hình thiên tai, mà trước hết là ứng phó bão, lũ, mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét.

PGS.TS Trần Tân Văn cũng cho rằng để tăng cường cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, tính chủ động là rất quan trọng. Theo ông Văn, nứt đất khi mưa to, kéo dài là một trong những dấu hiệu trực tiếp của sạt trượt. Do vậy, động thái đầu tiên địa phương cần thực hiện là di dời người dân ra khỏi khu vực nguy cơ. Nếu vết nứt tiếp tục phát triển thì khả năng cao là trượt lở sẽ xảy ra, khi đó cần căn cứ kích cỡ các vết nứt để dự báo quy mô khối trượt, từ đó thực hiện di dời cho phù hợp.

Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Bình Trọng cho biết, cơ quan này đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” nhằm xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm và hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở. Bên cạnh đó, Cục Địa chất sẽ tiến hành điều tra, khảo sát thực địa, thu thập thông tin về sạt lở đất, lũ quét; thông tin cơ sở hạ tầng, dân sinh, kinh tế; thông tin về đặc điểm địa chất - khí tượng thủy văn phục vụ tính toán lập bản đồ phân vùng tính dễ bị tổn thương; tiến hành lập bản đồ hiện trạng sạt lở đất, lũ quét, bộ bản đồ thành phần địa chất, thủy văn cho 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.

Ngành khí tượng thủy văn cũng sẽ tập trung đầu tư thiết bị, công nghệ quan trắc, thu thập và xử lý số liệu tự động đối với mạng lưới trạm khí tượng bề mặt, khí tượng trên cao, thủy văn, hải văn; bổ sung mạng lưới trạm đo mưa tự động, đặc biệt tại những nơi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt như miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên… Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phát triển và hiện đại hóa công nghệ dự báo khí tượng thủy văn. Đặc biệt, căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng các đề án cụ thể điều tra chi tiết các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá.

Đó là những động thái cần thiết từ cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sẽ là chưa đủ nếu như không nhìn nhận một cách đầy đủ nguyên nhân gây ra sạt lở.

Xác định nguyên nhân

Theo PGS.TS Mai Văn Khiêm (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia), lũ quét, sạt lở đất là những hiện tượng thiên tai thường xuất hiện trong thời gian ngắn với diễn biến nhanh, cục bộ trong khu vực hẹp và có sức tàn phá lớn. Việt Nam là quốc gia phải chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa lớn kéo dài, địa hình chia cắt, mật độ sông suối phong phú nên có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Ông Khiêm khuyến cáo, người dân và du khách khi đi qua khu vực có nguy cơ cao cần lưu ý một số dấu hiệu nhận biết sạt lở đất, lũ quét như mưa lớn kéo dài, trên tường nhà, sườn đồi, mái dốc xuất hiện các vết nứt. Cây cối gần khu vực sống có dấu hiệu bị nghiêng, nước sông suối chuyển màu, âm thanh lạ phát ra từ lòng đất... là một số dấu hiệu nghiêm trọng. Khi xuất hiện các dấu hiệu đó cần nhanh chóng rời khỏi nơi nguy hiểm.

Trong khi đó, theo TS Trịnh Hải Sơn, hiện tượng trượt lở đất đá xuất hiện ngày càng nhiều tại khu dân cư hoặc dọc các tuyến đường giao thông nằm sát sườn đồi, núi, vách taluy dốc. Nhìn chung, yếu tố kích hoạt tự nhiên được xác định chủ yếu là do mưa. Tuy nhiên, yếu tố kích hoạt do con người đang ngày càng gia tăng từ các hoạt động nhân sinh như phá rừng, cắt xẻ sườn đồi, núi, khai thác khoáng sản...

Ông Sơn cũng cho rằng, việc nhận dạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá phụ thuộc nhiều vào cơ sở dữ liệu của công tác điều tra, phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một Trung tâm cơ sở dữ liệu liên ngành về trượt lở đất đá; đầu tư kinh phí tiến hành các đề án, dự án về điều tra trượt lở đất đá ở các tỷ lệ lớn cho các khu vực trọng điểm, nhạy cảm về trượt lở đất đá.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đến từ giới chuyên gia địa chất cho rằng sạt lở đất do thiên nhiên rất khó tránh, nhưng nếu là “nhân tai” thì cần phải được ngăn chặn. Nói như PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM thì “quản lý nhà nước hở sườn ngay từ đầu”. Vì thế khi đã xác định được lỗi, cần xử lý sớm, cùng với việc đánh giá tác động môi trường trong các đồ án quy hoạch, giao và thuê đất.

TS Bảo Huy - nguyên giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên nhìn nhận, quan sát tình trạng sạt lở đất ở các tỉnh Tây Nguyên thì hầu hết các trận sạt lở đều xảy ra tại những khu vực không còn rừng. Khi rừng bị chặt phá, đất để trống hoặc trồng rừng đơn loài với cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp đã làm thay đổi thảm phủ thực vật, dẫn đến mất khả năng giữ đất, gây sạt lở.

GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, rừng như một lá chắn giữ nước không cho tạo thành những dòng lũ gây hiểm họa cho các khu dân cư. Ở những vùng rừng tự nhiên, rễ cây rừng và cây bụi tạo nên kết cấu đất đá chặt chẽ, nên khi bị chuyển sang làm việc khác sẽ khiến cho kết cấu đất đá lỏng lẻo, dễ đổ sập lên cuộc sống con người. “Nhiều người hay đổ lỗi cho thiên nhiên gây ra, như người xưa vẫn nói, nhưng đây là cách trốn tránh trách nhiệm mà chính mình phải gánh chịu. Sạt lở đất cũng chính do con người hám lợi mà gây ra” - ông Võ nói.

Như đã nói, thảm họa thiên nhiên thì khó tránh, nhưng “nhân tai” thì có thể, nếu việc quản lý chặt chẽ ngay từ đầu cũng như xử lý nghiêm sau khi xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố.

Riêng về việc ngập lụt, sạt lở ở thành phố cao nguyên Đà Lạt, theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, khu vực này có nền đất bazan khá yếu, nhưng mật độ xây dựng lại dày đặc, nhất là ở các triền đồi trong khi taluy xây dựng chưa đúng chuẩn. Mưa lớn kéo dài, nước dồn nhanh tạo thành dòng lũ chảy mạnh, gây sạt lở. Ngập nước và sạt lở ở Đà Lạt liên quan tới quy hoạch, việc xây dựng chưa phải là vấn đề mấu chốt vì xây dựng phải theo quy hoạch. Trong quy hoạch dài hạn phải có không gian xanh, trồng rừng, không được chặt hay xâm phạm cây xanh, hạn chế bê tông hóa… nhằm ngăn dòng chảy của nước. Từ đó, ông Sơn đề nghị tỉnh Lâm Đồng xem xét, đánh giá lại tác động môi trường của việc quy hoạch, đánh giá lại toàn diện cho dù quy hoạch đã được phê duyệt.

Nhóm phóng viên