Sức khỏe

Khi nào cần cấp cứu ngộ độc thực phẩm?

Đức Trân 22/07/2024 10:40

Đối với các trường hợp ngộ độc nặng với những triệu chứng như đau bụng, ói mửa, tiêu chảy, sốt… cần phải được nhập viện để điều trị và theo dõi.

anh-thayyy.jpg
Bệnh nhân ngộ độc thuốc sắc từ lá rễ cây điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm

Trong các vụ ngộ độc thực phẩm gần đây, nổi lên một số vụ lớn như tại Sóc Trăng, vụ ngộ độc xảy ra vào tháng 1 tại hộ kinh doanh bánh mì Thu Hà, làm 150 người mắc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt nguội. Tại Khánh Hòa, vụ ngộ độc xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh tháng 3, làm 369 người mắc và nhập viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong gà.

Vụ ngộ độc tại tiệm bánh mì Cô Băng, Đồng Nai xảy ra cuối tháng 4, làm 547 người mắc và nhập viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa.

Giữa tháng 5, xảy ra vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc), khiến 438 người mắc và đi viện. Nguyên nhân do loại vi khuẩn hiếu khí rất khó gặp, nghi có trong món canh chua. Mới đây nhất, tại Đồng Nai, vụ ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Dechang Việt Nam làm 95 người mắc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong mỳ quảng.

Ngày 19/7, Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông thông tin, vừa tiếp nhận, điều trị cho 6 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn nấm lạ. Khoảng 9h50 ngày 18/7, 6 người đều trú tại bon Bù Bir, (xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp) đến Trung tâm y tế huyện với dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Các bệnh nhân có dấu hiệu như: Đau bụng, nôn ói, vã mồ hôi, tiêu chảy…

Qua quá trình thăm khám, bác sĩ chẩn đoán 6 bệnh nhân trên có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm do ăn nhầm nấm có độc. Một số người bệnh cho biết, chiều 17/7, họ hái nấm trên một khu rẫy rồi về chế biến để ăn. Sau khi xác định được nguyên nhân gây ngộ độc, các bác sĩ tại Khoa hồi sức cấp cứu chống độc đã đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, giúp 6 bệnh nhân ổn định sức khỏe.

Ngày 20/7, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa xảy vụ ngộ độc trứng cóc. Thông tin ban đầu, sự việc xảy ra vào khoảng 18h ngày 19/7, tại nhà ông N.S.D. (SN 1988, trú xóm 8, xã Diễn Lâm). Thời điểm đó, ông D. cùng con ăn thịt và trứng cóc. Sau khoảng 30 phút, 2 bố con có dấu hiệu đau bụng, ói, tiêu chảy và được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, người bố đã không qua khỏi. Riêng người con sau khi được các bác sĩ Khoa Chống độc, (Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An) cứu chữa sức khỏe dần ổn định.

3 nhóm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), hiện có 3 nhóm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Thứ nhất là thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật và các độc tố của vi sinh vật. Trong nhóm này phổ biến nhất vẫn là vi sinh vật gây bệnh qua đường tiêu hóa như Ecoli, Salmonella, lị… Đây cũng là nhóm nguyên nhân gây ngộ độc nhiều nhất ở nước ta, do việc chế biến, sử dụng thực phẩm mất vệ sinh.

Thứ hai, thực phẩm bị nhiễm các hóa chất do nuôi trồng, bảo quản, chế biến (ví như hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, phụ gia thực phẩm…) hoặc do yếu tố chủ đích – chủ động cho hóa chất vào thực phẩm để đầu độc.

Thứ ba, bản thân thực phẩm có độc (chất độc tự nhiên) như cá nóc, nấm…

Những biểu hiện điển hình của ngộ độc thực phẩm như: Xuất hiện ngộ độc ngay khi đang ăn hoặc vừa ăn xong hoặc trong vòng vài giờ, vài ngày tùy theo yếu tố gây độc trong thực phẩm; có từ 2 người trở lên cùng có biểu hiện tương tự như nhau sau khi cùng ăn uống 1 loại thực phẩm nghi ngờ (người không cùng ăn uống sẽ không bị); thường có kết hợp các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng, nôn, đi ngoài.

Về xử trí khi có người ngộ độc thực phẩm, điều đầu tiên cần xác định ngay xem có nguy cơ cao rủi ro hay không biểu hiện qua triệu chứng rầm rộ, dai dẳng (đau liên tục không hết, không đỡ); mức độ đau, nôn, mệt mỏi, đi ngoài, biểu hiện thần kinh, đau ngực, lơ mơ, chếnh choáng…; Hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch, trẻ em, người có thể trạng yếu, người có bệnh nền…

Khi bệnh nhân đau bụng, nôn, tiêu chảy… cách xử lý tại nhà dễ nhất là bù nước bằng oresol, uống nước canh cho muối, nước gạo cho thêm muối, uống theo nhu cầu. Đồng thời, theo dõi nhiệt độ xem có sốt không. Trong trường hợp uống bù nước không đủ, uống xong lại nôn liên tục, cần đến ngay cơ sở y tế.

Đối với ngộ độc có nhiều người mắc, hoặc ngộ độc đơn lẻ nhưng nặng, có thể do yếu tố hóa chất, độc tố tự nhiên, cần báo cơ quan y tế dự phòng hoặc cơ quan an toàn thực phẩm địa phương để có phương án xử lý kịp thời. Cùng đó, gia đình, người chứng kiến cần giữ lại các mẫu thực phẩm nghi ngờ nhiễm độc để các bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân ngộ độc, có cách xử trí kip thời. Giữ lại chất nôn, chất thải để phục vụ nhu cầu kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

Tại Hội nghị toàn quốc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống ngộ độc thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13 của Thủ tướng về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, Chỉ thị số 17 của Thủ tướng về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới... Cùng đó, thực hiện phân công trách nhiệm, chuẩn bị sẵn kế hoạch, phương án của Ban chỉ đạo về xử lý, điều tra, khắc phục ngộ độc thực phẩm. Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn.

Đức Trân