Cà phê muối, không đơn giản là ‘hot trend’
Một “cửa hàng” cà phê bán mang đi bên vệ đường, bảng hiệu chỉ đơn giản là ba chữ “cà phê muối” cắt dán trên chiếc quầy gỗ ngăn kính chống bụi, nhưng khách tấp nập ghé vào. “10 ngàn cà phê đen đá, 15 ngàn sữa đá”, cô chủ quầy nói nhanh với khách lạ.
Hình ảnh đó đã trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội một số năm trở lại đây. Nhưng danh tiếng của cà phê muối đâu chỉ vươn ra khắp nước từ kinh thành Huế, được cho là nơi “phát tích” món đồ uống mới nghe có vẻ lạ tai này.
Cà phê muối đã trở thành một xu hướng (trend) đồ uống phổ biến trên các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok trong những tháng gần đây và ăn theo nó là các “công thức” thêm vị này vị nọ để biến những cốc cà phê Starbucks sao cho ra được hương vị na ná loại đồ uống đến từ Việt Nam.
Đó là nhận định của hãng tin CNN của Mỹ trong bài viết đăng ngày 28/6 vừa qua. Bài báo, và sự phổ biến của các nội dung trên TikTok liên quan đến món đồ uống cà phê muối Việt Nam, đã chứng tỏ sự phổ biến của nó. Thậm chí, chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks của Mỹ, chi nhánh Việt Nam cũng tham gia “hot trend” cà phê muối, khi giới phiên bản cà phê muối của họ hồi tháng 5.
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất thêm muối vào cà phê. Trên thế giới, nhiều câu chuyện kể rằng ngư dân, thủy thủ, công nhân làm việc trên giàn khoan ngoài khơi đã nảy ra ý tưởng pha cà phê bằng nước mặn vì nước ngọt quá khan hiếm. Tuy nhiên, chỉ khi người Việt chế biến cà phê muối, món đồ uống này mới trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Món cà phê muối không rõ đã xuất hiện ở Huế từ lúc nào, nhưng nhiều người công nhận rằng khi vợ chồng ông bà Trần Nguyễn Hữu Phong và Hồ Thị Thanh Hương mở quán bán món cà phê muối ở số 10 Nguyễn Lương Bằng, thành phố Huế từ năm 2010 thì món cà phê muối Việt Nam “chính thức” ra đời.
Vợ chồng ông Phong nói đã lấy cảm hứng từ một câu chuyện tình mà trong đó nhân vật nam nói dối là luôn uống cà phê pha một chút muối vì anh quê miền biển, mỗi lần uống cà phê có muối là nhớ về quê hương, gia đình. Người con gái sau đó đồng ý làm vợ anh vì nghĩ một người đàn ông trân trọng quê hương, gia đình sẽ là người chồng tốt. 50 năm sống bên nhau, cô ngày nào cũng pha ly cà phê thêm một ít muối cho chồng.
Trước khi qua đời, người chồng thú nhận mình không hề thích cà phê có muối, đó là lời nói nhầm trong lúc bối rối.
Tuy ông chồng không thích cà phê muối nhưng vẫn là người chồng tốt. Món cà phê pha muối tuy là “sản phẩm lỗi” xuất phát từ lời nói dối nhưng vẫn là khởi nguồn cho một thứ đồ uống sau này trở nên rất nổi tiếng. Bởi lẽ, cho muối vào cà phê, tuy mới nghe thì lạ tai, nhưng có cái lý riêng của nó. “Sự kết hợp giữa sữa đặc, muối và cà phê đen tạo ra một hỗn hợp kem làm dịu đi vị đắng của cà phê và cân bằng vị ngọt của sữa đặc”, ông Phong nói với hãng tin CNN qua email.
Dùng muối để xử lý vị đắng vốn là một thủ thuật ẩm thực được biết đến từ lâu. Một bài báo của tạp chí ẩm thực nổi tiếng Bon Appetit đăng tải năm 2023 cho rằng nên thêm muối vào các loại bia để giảm bớt vị đắng và tăng hương vị.
Bài báo lưu ý rằng truyền thống này đã có từ hàng trăm năm trước ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và vùng Siberia. Nhưng cho muối vào cà phê để xử lý vị đắng, có lẽ Việt Nam làm đầu tiên. Cần nhớ rằng trong các trường hợp pha cà phê muối kể trên, trừ ở Việt Nam, lý do chính là do người ta đang ngoài biển, thừa nước muối nhưng khan hiếm nước ngọt.
Hơn nữa, dùng muối để cân bằng, dung hòa vị đắng cũng là truyền thống lâu đời trong nền ẩm thực Việt Nam. Là người Việt, ai chẳng biết, ăn những thứ quả cây có vị đắng, chát như ổi xanh, dái mít thì phải kèm với muối, thêm chút ớt nữa thì “đúng bài”.
Cà phê trứng, cà phê muối là những ví dụ chứng tỏ khả năng sáng tạo trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt, sự “Việt hóa” những nét văn hóa nhân loại khi được du nhập vào Việt Nam.
Khi mở quán, vợ chồng ông Phong muốn có cái gì lạ, khác đời một chút, hy vọng dân địa phương và du khách nhờ đó mà tìm đến con đường Nguyễn Lương Bằng chỉ dài mấy trăm mét, có vài trụ sở cơ quan, buổi tối vắng tanh. Ông bà Phong chọn khu này vì giá cho thuê rẻ hơn các chỗ khác.
“Chúng tôi hy vọng cái tên “Cà phê muối” của quán sẽ thu hút mọi người vì họ luôn nghĩ rằng cà phê đen chỉ có đường hoặc sữa… Chúng tôi nghĩ rằng nếu muốn mở quán cà phê thì phải làm khác một chút để thu hút khách hàng, vị cà phê muối sẽ giữ họ ở lại với chúng tôi”, ông Phong nói.
Chiến lược này đã có hiệu quả. Những người dân địa phương và khách du lịch tò mò bắt đầu ghé thăm và họ bắt đầu thích cà phê muối. Ông Phong nói biết ơn những khách hàng đầu tiên khi sẵn sàng thử loại đồ uống lạ này và phản hồi để vợ chồng ông nhanh chóng hoàn thiện hương vị.
Không lâu sau, cà phê muối được biết đến như một thức uống đặc sản đại diện cho Huế lịch sử và các quán cà phê trên khắp Việt Nam cũng bắt đầu phục vụ món này. Những người sáng lập cà phê muối cho biết: “Sau những năm Covid-19, cà phê muối dường như đang trở thành xu hướng trên khắp Việt Nam”.
Và không chỉ ở Việt Nam. Theo một báo cáo mà hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel công bố vào năm 2023, người tiêu dùng bên ngoài châu Á ngày càng quan tâm đến những trải nghiệm và hương vị của món cà phê mới lạ này. Khoảng 71% người tiêu dùng gen Z được Mintel tại Mỹ phỏng vấn cho biết họ quan tâm đến việc thử các đồ uống cà phê lấy cảm hứng từ châu Á, nhất là các món cà phê Việt Nam như cà phê trứng và cà phê muối.
Cho dù không phải là quốc gia đầu tiên trồng và chế biến cà phê, sau khi người Pháp đưa loại cây trồng này sang Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa, đất nước hình chữ S dần trở thành cường quốc cà phê và nay đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê. Không chỉ vậy, người Việt còn sáng tạo ra nhiều cách chế biến cà phê.
Trong các món cà phê Việt, nổi tiếng nhất có lẽ là cà phê trứng, được cho là do ông Nguyễn Văn Giảng sáng tạo ra. Nguồn gốc món đồ uống này là khi làm bartender (nhân viên pha chế) cho khách sạn 5 sao Sofitel Metropole Hanoi, vì thiếu sữa tươi pha cà phê nên ông Giảng đã nghĩ đến cách thử dùng trứng để pha chế. Và thử nghiệm ấy đã tạo ra món cà phê trứng nức lòng người đến tận hôm nay.
Thứ cà phê đậm đà ấy khi kết hợp với vị trứng béo ngậy tạo ra được một hương vị đặc biệt được rất nhiều người đón nhận. Năm 1946, ông Giảng nghỉ việc và mở quán cà phê Giảng ở Hà Nội, gây dựng thương hiệu riêng. Đến nay, ở Hà Nội có hai quán cà phê Giảng, một ở Nguyễn Hữu Huân, một ở Yên Phụ, đều do con cháu ông Giảng quản lý.
Cà phê trứng, cà phê muối là những ví dụ chứng tỏ khả năng sáng tạo trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt, sự “Việt hóa” những nét văn hóa nhân loại khi được du nhập vào Việt Nam. Trước cà phê là bánh mì, là phở.
Người Pháp mang sang Việt Nam bánh mì dài (baguette), bơ, paté và những thứ khác, nhưng món bánh mì Việt Nam sau này nổi tiếng toàn thế giới, đến nỗi mà từ điển của nhiều quốc gia như Anh (từ điển Oxford), Mỹ (từ điển Merriam) hay ngay cả Pháp, đã phải thêm từ “banh mi” để chỉ món bánh mì Việt Nam, tách biệt với baguette của Pháp.
Người Việt không độc quyền sáng tạo ra các món bún, mì gạo, những thứ được xem là khởi nguồn từ nền văn minh lúa nước. Ông cha ta xưa cũng không có thói quen ăn thịt bò, cho mãi đến khi người Pháp đến Việt Nam và đem theo tập quán này. Nhưng chính ở Việt Nam, kết hợp nghệ thuật chế biến bún, mì cùng thịt bò, người Việt lại sáng tạo ra món phở nức tiếng thiên hạ.
Nhiều người nước ngoài vốn quen với bánh mì hamburger, với cà phê Starbucks, gà rán KFC, ngạc nhiên khi thấy văn hóa ăn uống kiểu phương Tây dễ dàng chiếm lĩnh thị trường khắp nơi trên thế giới và ngay tại một số nước láng giềng, lại gặp khó khăn khi muốn xâm nhập thị trường Việt Nam.
Nhưng khi đến đây, thưởng thức phở, các loại cà phê Việt, bánh mì thịt, bánh mì paté phong vị Việt, họ đã hiểu nguyên nhân: Việt Nam là một thiên đường ẩm thực và người dân có quá nhiều lựa chọn “ngon, bổ, rẻ”. Tại sao lại phải ăn hamburger trong khi người Việt có bánh mì paté, xá xíu, bánh mì thịt, bánh mì trứng và vô vàn biến thể ngon lành khác?
Nhiều người nước ngoài đã trở thành tín đồ của ẩm thực Việt và minh chứng rõ ràng là trong các nội dung họ đưa lên mạng xã hội, ẩm thực Việt là chủ đề phổ biến nhất.