Tạo sức bật cho du lịch đêm
Kinh tế du lịch đêm của Hà Nội đã có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để khai thác hết tiềm năng, Hà Nội cần có thêm chiến lược bài bản...
Chưa có sự bứt phá
Thời gian qua, nhiều tour du lịch đêm của Hà Nội đã tạo ấn tượng như: Tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long; tour Đêm thiêng liêng tại di tích Nhà tù Hỏa Lò hay tour ẩm thực Tống Duy Tân - Tạ Hiện - Chợ đêm Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm... Cùng với các di tích, hệ thống các bảo tàng trên địa bàn Thủ đô cũng triển khai nhiều sản phẩm du lịch về đêm nhằm tăng trải nghiệm cho du khách. Trong đó, Bảo tàng Văn học Việt Nam ra mắt tour du lịch văn học với chủ đề “Chữ Tâm, chữ Tài”; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam triển khai chương trình trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt “Huyền thoại tuổi thanh xuân”; Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức tour xe đạp với chủ đề Đêm Thăng Long - Hà Nội...
Có thể nói, sự sáng tạo của các tour du lịch này đã mang đến những hiệu quả bất ngờ, “đánh thức” tiềm năng của các chuỗi di sản văn hóa, lịch sử tại Hà Nội, thu hút được khách du lịch cả trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội vẫn chưa khai thác hết tiềm năng về không gian, hạ tầng để phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch. Nhiều tour đêm tạo được ấn tượng cho du khách nhưng trên thực tế, những sản phẩm du lịch này vẫn còn nhiều hạn chế, nên chưa thực sự thu hút nhiều du khách trải nghiệm về đêm.
Đặc biệt, hiện thành phố vẫn thiếu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư sản phẩm du lịch về đêm, chưa quy hoạch không gian để xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt… Bên cạnh đó là nhu cầu của du khách sử dụng dịch vụ, thưởng thức nghệ thuật về đêm rất lớn nhưng vẫn còn khoảng trống lớn khai thác các dịch vụ sau 24 giờ. Tại các khu vực kinh doanh kinh tế đêm, các dịch vụ còn nghèo nàn, chủ yếu là ẩm thực và mua sắm sản phẩm giá trị thấp.
Theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, kinh tế đêm của Hà Nội đã có sự tăng trưởng, nhưng chưa thực sự bứt phá. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư sản phẩm du lịch về đêm, chưa quy hoạch không gian để xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch WonderTour cho rằng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển du lịch đêm, Hà Nội vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sản phẩm du lịch nghèo nàn. Các hoạt động vui chơi giải trí về đêm còn ít, thiếu sự đa dạng, chủ yếu tập trung ở khu vực phố cổ với mô hình phố đi bộ. Hà Nội cũng chưa có sản phẩm du lịch đêm mang dấu ấn riêng, đủ sức hấp dẫn du khách quốc tế. Chưa khai thác hiệu quả lợi thế văn hóa. Mặc dù sở hữu kho tàng văn hóa đồ sộ, nhưng việc đưa văn hóa vào du lịch đêm còn hạn chế. Chính sách chưa thực sự đồng bộ. Việc cấp phép kinh doanh ban đêm, quản lý an ninh trật tự, tiếng ồn... còn nhiều bất cập.
Để du lịch đêm thực sự bừng sáng
Ngày 24/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó yêu cầu Hà Nội nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực, xây dựng thành phố Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, sôi động, hấp dẫn, đặc sắc, có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, có năng lực cạnh tranh cao hơn so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho rằng, vấn đề quy hoạch cần được coi là một trong những điều kiện tiên quyết cùng đồng bộ với chính sách cho loại hình kinh tế này. Giải pháp quy hoạch ở đây chính là xây dựng một mô hình kinh tế mới cho khu vực, đánh giá được tiềm năng của kinh tế du lịch đêm và xác định được nguồn lực đầu tư một cách bài bản nhất, hiệu quả nhất nhưng vẫn hài hòa với các loại hình kinh tế khác, giảm thiểu mọi tác động tới người dân trong khu vực.
Còn theo ông Lê Công Năng, để du lịch đêm Hà Nội thực sự bừng sáng cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trước tiên Hà Nội cần phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch đêm. Trong đó, phát triển các tour đêm độc đáo: Kết hợp tham quan di tích lịch sử, thưởng thức nghệ thuật truyền thống, ẩm thực đường phố... Ví dụ như tour “Hà Nội ngàn năm”: Khám phá Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám về đêm với hiệu ứng ánh sáng, âm thanh hiện đại, kết hợp biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Tour “Hương vị Hà Nội”: Thưởng thức ẩm thực đường phố đặc trưng tại các khu chợ đêm, tham gia lớp học nấu ăn với đầu bếp địa phương. Tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Biểu diễn nghệ thuật đường phố, show diễn thực cảnh, lễ hội âm nhạc... Mở rộng không gian đi bộ.
Song song đó, nâng cao chất lượng dịch vụ; đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát về đêm; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ cho đội ngũ nhân viên du lịch. Và một điểm không thể thiếu chính là việc ứng dụng công nghệ: Phát triển ứng dụng thông tin du lịch đa ngôn ngữ, đặt vé trực tuyến, thanh toán điện tử...
Cũng theo ông Năng, điều quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đó chính là hoàn thiện chính sách. Cấp phép kinh doanh linh hoạt. Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động về đêm. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực du lịch đêm.
Từ việc phát triển các tour du lịch đêm, Sở Du lịch Hà Nội kỳ vọng lượng khách đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 27 triệu lượt. Tổng doanh thu đạt khoảng 103,74 nghìn tỷ đồng.