Thế giới trước thách thức đói nghèo
Hạn hán, lũ lụt, thời tiết cực đoan và xung đột vũ trang đã đặt sản xuất nông nghiệp toàn cầu vào tình thế nguy hiểm. Olam Agri - công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp cho rằng thế giới có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến lương thực.
Tờ Financial Times dẫn ý kiến đại diện của Olam Agri có trụ sở tại Singapore cho biết, tính tới giữa tháng 7/2024, những dữ liệu thu thập được tại 60 quốc gia với 22.000 khách hàng trên toàn thế giới cho thấy nguồn cung lương thực tiếp tục giảm sút.
“Chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến vì dầu mỏ. Có thể chúng ta sẽ phải tiến hành những cuộc chiến lớn hơn vì lương thực và nguồn nước” - Sunny Verghese - Giám đốc điều hành của Olam Agri nói và cho rằng bên cạnh việc sụt giảm sản lượng thì những rào cản thương mại do các chính phủ áp đặt nhằm hỗ trợ dự trữ lương thực trong nước đã làm tình hình thêm trầm trọng, nhất là với những nước nghèo.
Ông Verghese cũng chỉ ra rằng trong bối cảnh đó thì các tập đoàn kinh doanh lương thực và sản phẩm nông nghiệp lớn lại thu được lợi nhuận rất lớn. Biến đổi khí hậu đã cản trở sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới, dẫn đến sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu.
Trong khi đó, một quan chức Liên hợp quốc, ông Volker Turk cho rằng thế giới đang tiến tới một tương lai không sáng sủa khi mà thời tiết cực đoan đang tác động tiêu cực đến cây trồng, đàn gia súc và hệ sinh thái, làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Đáng chú ý, một nghiên cứu của Heifer International (tổ chức phi lợi nhuận quốc tế trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo) còn cho rằng, trong năm 2024 có thể 30% dân số thế giới (khoảng 2,5 tỷ người) đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Nghiên cứu cũng cho biết hiện có tới 828 triệu người bị đói so với 150 triệu người trong năm đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát, năm 2020.
Cụ thể hơn, khoảng 32% phụ nữ trên toàn thế giới phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng, so với 28% nam giới. Suy dinh dưỡng dẫn tới khoảng 45 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị gầy còm, nguy cơ tử vong tăng lên tới 12 lần. Bên cạnh đó, 149 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị chậm tăng trưởng và phát triển thấp còi do thiếu dinh dưỡng mãn tính.
Thực tế đó cho thấy sự cần thiết phải có những nỗ lực toàn diện để giải quyết các thách thức về dinh dưỡng và an ninh lương thực toàn cầu. Vẫn theo Heifer International, tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc.
Theo Báo cáo Toàn cầu về khủng hoảng lương thực năm 2024 vừa công bố thì có hơn 282 triệu người ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Không chỉ người dân trong vùng chiến sự thiếu lương thực mà ở nhiều quốc gia khủng hoảng lương thực đã và đang trở thành một thách thức to lớn khi người dân không có tiền để mua.
Ông Rein Paulsen - Giám đốc Văn phòng Khẩn cấp và Phục hồi (Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc - FAO) cho rằng thiếu lương thực trên phạm vi rộng tạo nên cú sốc cho kinh tế thế giới trong năm nay. Nói về một khảo sát tại Sudan (châu Phi), ông Paulsen cho biết, cơ sở hạ tầng nông nghiệp ở một số cộng đồng của quốc gia này cơ bản đã bị mất. Các con đập để giữ nước đã bị phá vỡ. Trong khi đó lại là tác động chồng chéo giữa các cuộc xung đột, giữa khủng hoảng khí hậu.
Nói với đại diện của FAO, bà Mahasen Ali, người Sudan, cho biết, hàng ngày bà cùng nhiều người khác đi bộ quanh các khu chợ, cố gắng kiếm một ít lương thực giá rẻ. “Cuộc sống thực sự khó khăn quá, nhiều thành viên trong gia đình tôi đã đổ bệnh”.
Trong một thông điệp đưa ra mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, trước các thách thức to lớn của khủng hoảng lương thực đến người dân toàn cầu, các chính phủ cần phải thay đổi cách tiếp cận, tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, cho các hoạt động đảm bảo an ninh lương thực theo hướng hiệu quả, bền vững.
“Nếu không hành động, tình hình sẽ càng xấu hơn. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để phá vỡ mối liên hệ chết người giữa xung đột, khí hậu và mất an ninh lương thực” - ông Guterres kêu gọi.
Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), trong khi khủng hoảng lương thực lan rộng thì mỗi năm hơn 30% sản lượng lương thực của hành tinh đã bị hết hạn hoặc bị vứt bỏ trước khi đến tay người tiêu dùng. Con số này tương ứng với 1,3 tỷ tấn. Trong khi đó, mỗi năm thế giới “vứt đi” 100 tỷ USD chỉ vì lãng phí thực phẩm. 250 tỷ m3 nước được dùng để sản xuất số thực phẩm này cũng bị lãng phí theo.