Xác định được hai khâu đột phá cho hoạt động của Mặt trận
“Đại hội Mặt trận có ý nghĩa chính trị xã hội rộng lớn, là ngày hội của nhân dân. Qua các cuộc khảo sát, người dân tin tưởng, mong muốn Mặt trận là nơi để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình”.
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tại buổi làm việc cho ý kiến Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029, đối với hai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Tây Ninh diễn ra sáng 23/7, tại TPHCM.
Nhìn lại 40 năm đổi mới
Báo cáo về công tác chuẩn bị đại hội Mặt trận tỉnh, ông Bùi Chí Thành - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, mục tiêu, chương trình hành động của MTTQ Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ tới đề ra 2 khâu đột phá: Phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, phấn đấu "Hoàn thành công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025" và Giám sát tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên tại nơi cư trú trên địa bàn tỉnh.
Số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khoá tới gồm 99 Ủy viên. Ban Thường trực Mặt trận tỉnh có 7 người, trong đó có cấu: Chủ tịch; 3 Phó Chủ tịch; 3 Ủy viên Thường trực.
Thời gian dự kiến tổ chức đại hội vào ngày 15-16/8/2024, với số lượng dự kiến 456 đại biểu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao công tác chuẩn bị đại hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều này thể hiện ở hồ sơ, tài liệu và đặc biệt là các văn bản chỉ đạo và tham gia lãnh đạo Tỉnh ủy. Báo cáo chính trị được thể hiện sâu, hệ thống số liệu phong phú; về phương hướng nhiệm kỳ tới được xác định khá rõ.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định được 2 khâu đột phá phù hợp với thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung vào văn kiện, ví dụ như đột phá về công tác giảm nghèo, việc này cần đưa ra công việc cụ thể; hay về giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú, việc này dựa vào dân sống trên cư địa bàn là chính, do đó, cần nêu giải pháp cụ thể hơn.
Về chương trình đại hội, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, đại hội dự kiến 2 buổi nên cần được phân bổ hài hòa.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị, tham luận tại phiên thứ 2 cần chọn những tham luận sâu để làm nổi bật kết quả của nhiệm kỳ cũ, đồng thời thể hiện được mục tiêu phấn đấu của nhiệm kỳ tới. Về Đề án nhân sự, Phó Chủ tịch thống nhất với phương án như lãnh đạo Mặt trận tỉnh trình bày.
Căn cứ vào thực tế để triển khai
Ông Võ Đức Trong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh cho hay, công tác chuẩn bị đại hội cấp tỉnh cơ bản đã hoàn thành; các nội dung Văn kiện đại hội tỉnh cũng đang kiện toàn và sớm được hoàn thiện.
Về số lượng tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có 79 vị, tăng 4 vị so với khóa trước. Ban Thường trực Mặt trận tỉnh có 7 vị, bao gồm: Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 3 Ủy viên Thường trực.
Chương trình Đại hội dự kiến diễn ra trong 2 ngày, 15 và 16/8/2024. Đại biểu tham gia khoảng 400 người, trong đó có 250 đại biểu chính thức và 150 đại biểu khách mời.
Cho ý kiến tại buổi làm việc với MTTQ tỉnh Tây Ninh, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao công tác chuẩn bị đại hội khá bài bản.
Để đại hội diễn ra thành công, Phó Chủ tịch mong muốn Tây Ninh cần tiếp tục hoàn thiện, phân bổ nội dung, bố cục chương trình cho phù hợp. Lập kế hoạch, dồn sức tập trung cho nhiệm kỳ tới, bằng quyết tâm của hệ thống Mặt trận. Bên cạnh đó, cần đánh giá kết quả sâu đậm, trong đó có cả thành tựu của các các tổ chức thành viên.
Là tỉnh biên giới, tỉnh cửa ngõ với TPHCM, là nơi có nhiều truyền thống cách mạng. “Việc xác định nhiệm vụ đột phá cần căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các địa phương để thực hiện. Có những việc xác định cả nhiệm kỳ, có hoạt động làm theo từng năm. Vì vậy, cần đưa ra chỉ tiêu để cuối thời gian ấn định, từ đó có kết quả đánh giá rút kinh nghiệm, làm tiền đề tiếp tục phát triển”, bà Trương Thị Ngọc Ánh gợi ý.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch mong muốn MTTQ tỉnh Tây Ninh tiếp tục bổ sung, mở rộng các tổ chức thành viên, nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động Mặt trận. Đồng thời xem lại cơ cấu cấp phó, cơ cấu lãnh đạo các sở ngành, đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài. Về Văn kiện cần bổ sung số liệu, so sánh để thấy được thành tựu của Mặt trận nhiệm kỳ qua.