Nỗi niềm chợ nổi
Khách du lịch mỗi lần đến miền Tây, điểm đến mà họ không thể bỏ qua chính là chợ nổi. Chợ nổi như một đặc sản ở đất “Chín rồng”, nơi người dân họp chợ, mua bán, trao đổi hàng hóa tại các nhánh sông giao nhau như ngã ba, ngã năm, ngã bảy... Nhiều khách du lịch vô cùng thú vị khi chứng kiến những con thuyền chất đầy nông sản, những cây sào treo loại nông sản cần bán mà người ta vẫn gọi là “cây bẹo”. Ghe thuyền bán sản vật gì người ta treo sản vật đó - cách tiếp thị bán hàng vô cùng độc đáo chỉ có ở vùng sông nước miền Tây.
Thế nhưng, thật đáng tiếc, những cái tên như chợ Cái Bè (Tiền Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Ngã Bảy (Hậu Giang)... đang dần mai một theo thời gian. Hiện chỉ còn duy nhất chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) vẫn đón khách du lịch, mặc dù theo lời các thương hồ buôn bán tại chợ, nếu xưa tấp nập 10 phần thì giờ chỉ còn 3 - 4 phần. Số lượng ghe tàu trên chợ nổi Cái Răng hiện chỉ còn khoảng gần 300 chiếc hoạt động, bằng một nửa so với trước.
Chợ nổi đang “chìm dần” - nhiều thương hồ xót xa thốt lên với bao nỗi niềm nuối tiếc. Vậy vì sao chợ nổi lại “chìm”? Đã là chợ thì phải có người bán, kẻ mua. Thế nhưng giờ trên bờ nhiều chợ, đường xá thuận lợi, xe cộ vận chuyển dễ dàng, thì thương lái tìm xuống chợ nổi làm gì...? Rồi những cải tạo, bê tông hóa bờ kè ở chợ nổi Cái Răng, bít hết lối lên xuống bờ sông, không chỉ làm mất vẻ đẹp tự nhiên của chợ mà còn khó khăn trong việc vận chuyển, buôn bán...
Vắng khách, thương hồ đang dần bỏ chợ nổi để lên bờ tìm kế mưu sinh khác. Chợ nổi mà thiếu vắng thương hồ thì khách du lịch đến đây để trải nghiệm gì?
Muốn phát triển khách du lịch thì nhất định phải bảo tồn chợ nổi. Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, rất nhiều ý kiến đã tham góp. Nói như nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng thì Nhà nước phải có chính sách bảo tồn văn hóa chợ nổi như giải pháp đưa ra lộ trình chuyển từ chợ nổi tự nhiên sang tự tạo. Đặc biệt lưu ý giải pháp để tạo điều kiện cho thương hồ tiếp tục được nhóm chợ trên sông, bởi đó cũng chính là nét văn hóa để khách du lịch tìm đến.
Không ít người cũng bày tỏ, họ rất thích thú với cách làm du lịch của Hội An khi chỉ có một rừng dừa Bảy Mẫu, nhưng nó như một “miền Tây thu nhỏ”. Không chỉ tận dụng tài nguyên thiên nhiên du lịch, người dân ở rừng dừa Bảy Mẫu đã sáng tạo trong cách làm du lịch, tạo ra thêm những giá trị khác để hấp dẫn du khách.
Miền Tây đang có lợi thế sông nước, lợi thế chợ nổi, quan trọng là cách bảo tồn và phát triển thế nào, để hút khách du lịch, như Hậu Giang đang vận động, hỗ trợ các chủ cơ sở hoàn thiện, chỉnh trang các sản phẩm du lịch hiện có như du lịch homestay, du lịch văn hóa (đờn ca tài tử, ẩm thực…)... đặc biệt là việc tìm cách hút khách du lịch qua bài hát “Tình anh bán chiếu”. Cách đây mấy năm, UBND TP Cần Thơ cũng có đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, với tổng chi phí 63 tỷ đồng. Nhưng rất tiếc đến nay, đề án chưa mang lại hiệu quả thực tế. Bởi theo các nhà chuyên môn, chợ nổi Cái Răng có những giá trị văn hóa đặc sắc như phương thức trao đổi hàng hóa, lối sống, tình nghĩa xóm giềng, sinh hoạt văn hóa (đờn ca tài tử) của thương hồ… nhưng những điều này lại không được đề cập trong đề án.