Bình ổn thị trường vàng
Để bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mở 9 phiên đấu giá cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tiếp đó, kể từ ngày 3/6 đã bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cùng Công ty SJC. Thị trường vàng đang dần ổn định. Tuy nhiên ngăn chặn “vàng hóa” nền kinh tế cũng như việc thao túng thị trường vẫn là vấn đề cần được đặt ra.
Theo ông Phạm Quang Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng. NHNN đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).
Trước đó, Công điện 1426/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ thị trường vàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá của các tổ chức, cá nhân... gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
Tới nay, thị trường vàng trong nước đã tương đối ổn định, với mức giá trung bình hơn 1 tháng qua khoảng 80 triệu đồng/lượng (bán ra); giảm mạnh nếu so với mức 92,4 triệu đồng/lượng ở thời điểm ngày 11/5/2024. Chênh lệch giá với thị trường thế giới cũng rút xuống từ 18 triệu đồng/lượng (ngày 9/5/2024) còn khoảng 6 triệu đồng/lượng (vàng SJC, ngày 22/7/2024).
Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, thị trường vàng trong nước cũng nổi lên một số điểm đáng chú ý. Trước hết đó là việc người dân xếp hàng dài trước các điểm bán vàng bình ổn của ngân hàng và Công ty SJC. Theo cơ quan chức năng, trong đó có cả việc người dân được thuê xếp hàng mua vàng. Tiếp đó, giá vàng nhẫn/vàng trang sức có lúc vọt tăng vượt cả giá vàng miếng. Một con số để thấy, đó là giữa tháng 5/2024, giá vàng miếng SJC cao hơn vàng nhẫn tới 15,87 triệu đồng/lượng. Những biến động trên thị trường vàng cho thấy đang tồn tại “nhà cái” ấn định mức giá lên, xuống với cả vàng miếng và vàng nhẫn. Nhóm này được gọi là "tạo lập thị trường" nhưng cũng chính là nhóm đầu cơ và có khả năng lũng đoạn thị trường.
Thông tin tại tọa đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hoá nền kinh tế” mới đây cho biết mức giá mua và bán do các tiệm vàng ấn định. Người dân mua, bán vàng chỉ là người chấp nhận giá. Hàng chục ngàn tiệm vàng khác nhau trên cả nước nhưng lại có những mức giá tương đối ngang nhau trong cùng một thời điểm có thể do “nhà cái” ấn định cho các tiệm vàng.
Theo ông Phạm Xuân Hoè - Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, đây chính là những đối tượng nắm giữ lượng vàng rất lớn, điều tiết giá, giật dây thị trường. Như vậy cần có những biện pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng này. Còn ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, những “cơn bão giá vàng” đều có bàn tay của một số nhóm đầu cơ muốn nương theo sóng vàng thế giới để đẩy giá trong nước nhằm trục lợi. Phải làm “lộ sáng” các “nhà cái” thì thị trường vàng mới có thể ổn định, bền vững.
Việc bán vàng miếng từ NHNN thông qua một số ngân hàng thương mại đã mang lại kết quả tích cực, khiến giá vàng trong nước giảm sâu và thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới. Tuy nhiên, để ngăn chặn nguy cơ “vàng hóa” gây bất ổn nền kinh tế thì NHNN cần kiểm soát giao dịch vàng, kiểm soát giao dịch thanh toán, vì hai giao dịch này luôn song hành.
Cùng với việc Luật Phòng, chống rửa tiền quy định mỗi giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên đều phải báo cáo đến cơ quan chức năng để ghi nhận thông tin và việc tất cả các giao dịch vàng bán ra thị trường đều phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử sẽ giúp chống trốn thuế, thất thu thuế; đồng thời, ghi lại các dấu vết, chứng cứ để phòng, chống hoạt động rửa tiền; sẽ là công cụ cần thiết để kiểm soát thị trường “vương giả” này.
Hiện, thị trường vàng trong nước tương đối ổn định, tuy nhiên cơn sốt vàng vẫn âm ỉ. Nói như PGS Võ Thị Vân Khánh (Học viện Tài chính), việc “sùng bái vàng”, thậm chí là “tiền tệ hóa vàng” sẽ tạo cơ hội cho những hoạt động tiêu cực, nhất là việc đầu cơ, trục lợi và lợi ích nhóm. Vì thế vẫn cần tiếp tục những giải pháp kiểm soát chặt chẽ, để loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn khó lường.