Người dân 'thành phố mang tên Bác' tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tại TPHCM, người dân bày tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vị lãnh tụ đã dành cả cuộc đời cho đất nước, cho nhân dân.
Ghi nhận của phóng viên Đại Đoàn Kết tại một hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM), nhiều người dân đã lui tới căn nhà số 287/70 từ khi hay tin Tổng Bí thư từ trần. Đây là một "địa chỉ đỏ" lưu giữ hầm giấu vũ khí của biệt động Sài Gòn chuẩn bị cho cuộc tấn công Dinh Độc Lập vào Tết Mậu Thân 1968 và hiện là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Nơi đây cũng đang lưu giữ, trưng bày một số tấm ảnh quý báu về sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm hỏi và động viên người dân hẻm "Biệt động Sài Gòn" vào ngày 31/1/2018, đúng vào dịp diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Chia sẻ với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Vũ Bình, con trai chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Trần Văn Lai đã không giấu được sự xúc động. Ông cho biết, tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là một mất mát rất lớn, riêng đối với gia đình của ông giống như mất mát đi một người thân. "Tôi nghĩ, đối với các thân nhân chiến sĩ, liệt sĩ biệt động Sài Gòn khác vào lúc này cũng vậy", ông Bình xúc động.
Cho đến giờ phút này, ông Bình vẫn không thể nào quên được cảm xúc vinh dự, tự hào khi vào sáng ngày 31/1/2018, sau khi dự Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại TPHCM, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đại diện cơ quan trung ương, thành phố đã đến thăm gia đình.
Ngoài thăm hỏi sức khỏe của gia đình và bà con tại con hẻm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến tham quan hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công vào Dinh Độc Lập của chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (Năm Lai) trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3).
"Đối với mỗi chúng tôi, chuyến thăm đặc biệt của cố Tổng Bí thư đã thể hiện tình cảm, sự trân trọng, quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với lịch sử, với những cống hiến, hy sinh của nhân dân miền Nam nói chung và lực lượng biệt động Sài Gòn cho cách mạng nói riêng", ông Trần Vũ Bình chia sẻ.
Trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cụ Huỳnh Văn Cang (96 tuổi, nguyên là Thư ký của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước) đã rất hụt hẫng, thương nhớ trước sự ra đi của vị lãnh tụ suốt đời vì dân, vì nước.
"Tôi vẫn nhớ vào sáng ngày 31/1/2018, hình ảnh của Tổng Bí thư đến thăm người dân ở con hẻm nhỏ, với cử chỉ, lời nói nhẹ nhàng, nhưng rất sâu sắc. Tổng Bí thư nắm rất rõ về lực lượng biệt động Sài Gòn và lịch sử cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam. Tôi còn nhớ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm hỏi nhiều người và trong đó có chia sẻ về những cống hiến của gia đình chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai. Điều đó khiến tôi cũng như nhiều người dân thành phố rất xúc động”.
Đối với ông Nguyễn Quốc Độ - Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến - Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định chia sẻ với chúng tôi: "Trong dịp vào TPHCM dự Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân 1968, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn đến thăm một số "địa chỉ Đỏ" và hình ảnh đó đã để lại trong lòng nhân dân TPHCM, trong đó có nhiều gia đình thân nhân chiến sĩ biệt động Sài Gòn niềm vinh dự, tự hào và sự kính trọng rất lớn".
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Độ, lời dặn dò mà ông nhớ nhất tại thời điểm năm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngoài việc động viên gia đình các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, còn dặn dò những người làm công tác gìn giữ truyền thống lịch sử như chúng tôi phải coi việc giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong thời bình.
"Lời dặn dò ấy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với chúng tôi, đến nay vẫn là một mệnh lệnh trong tâm của mình, phải làm hết trách nhiệm đối với lịch sử và với cả thể hệ trẻ", ông Độ xúc động.
Để tỏ lòng tưởng nhớ Tổng Bí thư, suốt từ thời điểm cuối tuần qua đến nay, tất cả các địa điểm di tích lịch sử của biệt động Sài Gòn như: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định; Hầm chứa vũ khí bí mật đánh trận Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất); Quán cà phê - cơm tấm Đỗ Phủ;...đều đã thực hiện treo cờ rủ trước cổng, để tưởng nhớ vị lãnh đạo đã dành cả cuộc đời cho đất nước, cho nhân dân.