Minh bạch thông tin trong nhà trường
Bắt đầu từ 19/7, Thông tư số 09/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân chính thức có hiệu lực thi hành. Quy định mới này của Bộ GDĐT nhằm nâng cao tính minh bạch thông tin, nâng chất lượng đào tạo… của các cơ sở giáo dục.
Nội dung công khai theo quy định mới gồm công khai chung đối với cơ sở giáo dục và công khai riêng với từng cấp bậc học (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm).
Đặc biệt, Điều 5 của Thông tư 09 nêu rõ quy định về việc công khai thu, chi tài chính của cơ sở giáo dục. Cụ thể, tình hình tài chính của cơ sở giáo dục trong năm tài chính trước liền kề thời điểm báo cáo theo quy định pháp luật, trong đó có cơ cấu các khoản thu, chi hoạt động như sau: Các khoản thu phân theo nguồn kinh phí (ngân sách nhà nước, hỗ trợ của nhà đầu tư; học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học; kinh phí tài trợ và hợp đồng với bên ngoài; nguồn thu khác) và loại hoạt động (GDĐT; khoa học và công nghệ; hoạt động khác); Các khoản chi phân theo: chi tiền lương và thu nhập (lương, phụ cấp, lương tăng thêm và các khoản chi khác có tính chất như lương cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên...
Các khoản thu và mức thu đối với người học, bao gồm: học phí, lệ phí, tất cả các khoản thu và mức thu ngoài học phí, lệ phí (nếu có) trong năm học và dự kiến cho từng năm.
So với Thông tư số 36/2017 ngày 28/12/2017 quy định về thực hiện công khai đối với cơ sở GDĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Thông tư 09 quy định rõ hơn về thời điểm cơ sở giáo dục phải công khai là năm tài chính trước liền kề thời điểm báo cáo. Các khoản thu - chi cũng được nêu rõ ràng, chi tiết hơn so với trước đây với nguyên tắc thông tin công khai bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, dễ tiếp cận.
Bên cạnh đó, từng cấp học có các yêu cầu khác nhau về việc công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, kế hoạch và kết quả hoạt động.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa năm học 2024 - 2025 sẽ chính thức khai giảng, việc chọn trường, chọn lớp cho con được nhiều phụ huynh quan tâm, đặc biệt là các lớp đầu cấp có ý nghĩa quan trọng với việc học tập và phát triển của mỗi cá nhân. Trong nhiều sự lựa chọn khác nhau, băn khoăn của phụ huynh không thể chỉ là chọn trường này vì có lớp học vắng học sinh hơn, nhiều giáo viên giỏi hơn mà còn là vấn đề học phí, các khoản thu chi trong quá trình học tập…
Bài học về một trường Quốc tế nợ lương, giáo viên không đi dạy khiến hơn 1.400 học sinh phải nghỉ học hồi tháng 3/2024 là một lời cảnh báo trong việc chọn trường cho con. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về việc đừng chọn trường cho con chỉ vì học phí và chương trình mà phải hiểu rõ về ngôi trường đó, mức độ uy tín của nhà trường, đặc biệt là các trường tư với rất nhiều điểm phụ thuộc vào uy tín cá nhân của chủ trường, các thành viên hội đồng quản trị và ban giám hiệu.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng mỗi đầu năm học, việc thu chi của các trường ở nơi này, nơi kia lại có những lùm xùm bị phụ huynh bức xúc phản ánh dù ngành giáo dục đã có nhiều văn bản để hạn chế việc lạm thu trong nhà trường. Để không đến hẹn lại lên, các khoản thu chi cần được minh bạch, công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội cùng tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở GDĐT theo quy định của pháp luật thì mới thực sự triệt tiêu được vấn nạn này. Đồng thời, khi các thông tin được công khai sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐT trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng GDĐT.