Chính trị

Tìm mô hình phát triển mới cho Hà Nội

H.Vũ 25/07/2024 06:32

Khi Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 - đã có ý kiến đề xuất mô hình “Thủ đô Hà Nội nằm trong TP Hà Nội”. Vậy có thể áp dụng?

anh-bai-tren-trang-4.jpeg
Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại. Ảnh: TTXVN.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội xác định rõ 5 vùng đô thị Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có mục tiêu tổng quát trong Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”. Quy hoạch xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Cùng với TPHCM, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Tại Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bộ Chính trị đã lưu ý: Xây dựng mô hình đô thị thành phố đặc trưng trong Thủ đô với các điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển mới; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu vực nội đô theo hướng xanh, văn minh, hiện đại.

Liên quan đến quy hoạch của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thân (ĐBQH đoàn Thái Bình) từng đưa ra đề xuất, thay vì xây dựng mô hình “thành phố trong TP Hà Nội” thì đề nghị xây dựng “Thủ đô Hà Nội gồm 4-6 quận nội thành, đặt trong TP Hà Nội”. Theo đó, các quận nội thành là Thủ đô Hà Nội, còn TP Hà Nội gồm Thủ đô Hà Nội và các các khu vực khác. Bởi theo ông Thân, ở nội thành xây những tòa nhà cao tầng là rất nguy hiểm. Không thể để nhà cao tầng ở nội đô. Do đó nên nghiên cứu quan điểm “Thủ đô Hà Nội nằm trong TP Hà Nội”.

Song, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội lại cho rằng, từ năm 1954 đến nay Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới, mỗi lần đều cân nhắc các điều kiện. Năm 1978 có mở rộng địa giới nhưng sau đó vì vấn đề quản lý nên đến năm 1991 có thu hẹp lại. Năm 1978 mở ra là 2200km2, nhưng năm 1991 còn lại 900km2. Từ đó có bản quy hoạch năm 1998.

Qua thực hiện quy hoạch, ông Nghiêm thấy những bất cập, không đủ quy mô để thực hiện chức năng của Thủ đô. Bởi Thủ đô của nước ta so với Thủ đô các nước khác có chức năng khác rất nhiều. Các nơi khác chỉ là Thủ đô hành chính, hoặc trung tâm giao lưu quốc tế. Nhưng Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp 2013 đã đặt ra vấn đề chức năng của Hà Nội. Gần đây nhất là Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 cũng đã đặt ra vấn đề của Hà Nội. Tức là có tới 5 chức năng khác so với Thủ đô của các nước. Đó là trung tâm đầu não chính trị, trung văn hóa giáo dục khoa học kỹ thuật, trung tâm kinh tế lớn và giao lưu quốc tế. Đặc biệt là trung tâm văn hóa và trung tâm kinh tế. Để thực hiện 5 chức năng này thì cần quy mô thích hợp.

Ông Nghiêm cho rằng, khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008 thì quy hoạch năm 2011 với sự hỗ trợ của tất cả chuyên gia các nước, chúng ta kết luận mô hình “chùm đô thị” là mô hình hợp lý. Sau năm 2016, Quốc hội bắt đầu tán thành mô hình “thành phố trong thành phố” trực thuộc trung ương và Thủ Đức là TP đầu tiên. Đến nay Hà Nội cũng đặt ra vấn đề sẽ có 2 thành phố thuộc Thủ đô ở phía Bắc và phía Tây để thực hiện 5 chức năng trên.

Với vai trò đặc thù của Thủ đô Hà Nội, với khung pháp lý hiện nay và bài học kinh nghiệm từ các nước, kinh nghiệm của quá trình làm quy hoạch và lựa chọn mô hình Thủ đô Hà Nội thì mô hình trong Thủ đô có hai thành phố là hợp lý. Còn nếu mô hình “Thủ đô Hà Nội nằm trong TP Hà Nội”, nghĩa là đặt diện tích hẹp lại thì sẽ lui về quá khứ của năm 1961 và 1992. Lúc đó sẽ không hợp lý và không thực hiện được 5 chức năng mà Nhà nước giao cho Hà Nội.

Đặc biệt Hà Nội còn có mối quan hệ với vùng. Điểm mới của Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 thì vùng không phải chỉ là “vùng Thủ đô” mà còn là “vùng Đồng bằng sông Hồng” và “vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc”. Điểm giao kết vùng với các tỉnh lân cận thì vùng Thủ đô là 10 tỉnh, các vùng khác là 7 tỉnh, rồi có vùng là 11 tỉnh. Với quy định mới như vậy rõ ràng cần có mô hình như đề xuất tại Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là hợp lý. Vì Thủ đô là vai trò động lực trung tâm phát triển vùng, chứ không phải TP Hà Nội là phát triển vùng. Đây là bài học kinh nghiệm trong những năm qua của nhiều nước và kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học, nhiều chuyên gia đã đề xuất.

Trước vấn đề ngập úng khi mưa lớn ở Hà Nội, ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất, phải đầu tư xây dựng được một hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa, và xây dựng bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ và nước thải tập trung để khi nước thải từ sinh hoạt thành phố ra hệ thống môi trường là nước sạch, không có ô nhiễm nữa. Việc này đồng thời với việc cần phải triển khai ngay việc xây dựng 2 đập tràn dâng nước ở trên sông Hồng và trên sông Đuống. Khi xây dựng 2 đập này mặt nước sông Hồng vào mùa cạn sẽ dâng cao lên và sẽ đẩy nước vào các sông như sông Đáy, sông Nhuệ, hệ thống sông Bắc Hưng Hải và tự động làm dòng sông này sống lại, chảy trôi đi, không còn hạn hán như hiện nay.

Đặc biệt ý nghĩa rất lớn được ông Cường nhấn mạnh là có hệ thống đập dâng nước này thì hàng năm tiết kiệm khoảng 5 tỷ m3 nước của các hồ, như hồ Hòa Bình không phải xả nước vào mùa cạn. Khi đấy sẽ có được lợi ích rất lớn, có nước cho sản xuất của cả khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng, không thiếu nguồn nước phát điện và mặt sông của khu vực Hà Nội trở thành một mặt hồ tràn, khi đó chúng ta xây dựng 2 con đường di sản hai bên sông như quy hoạch. Nó sẽ trở thành một không gian cho du lịch, không gian văn hóa, không gian để tổ chức những các hoạt động thương mại, dịch vụ ở bên sông.

H.Vũ