Trọn nghĩa tri ân
“Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp bao đời nay của dân tộc Việt Nam, được các cấp, ngành, địa phương, hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh thực hiện.
Trọn nghĩa tri ân
Những ngày tháng 7, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại tỉnh Bạc Liêu sôi nổi hơn, đa dạng hình thức thực hiện, hướng về cội nguồn dân tộc, anh linh các Anh hùng Liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Viết tiếp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những ngày này, tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Bạc Liêu hăng hái tổ chức các hoạt động hướng về người có công với cách mạng với những việc làm thiết thực, ý nghĩa như: thắp nến tri ân; thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách; sơn sửa, chỉnh trang Nhà bia tưởng niệm Liệt sỹ;... Các hoạt động nhằm tri ân những hy sinh, mất mát của các Anh hùng Liệt sỹ, người có công với cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ cho đoàn viên, thanh niên.
Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, huyện Hồng Dân có số lượng lớn người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Toàn huyện có nhiều liệt sĩ, thương binh, Bà mẹ VN Anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, gia đình có công với cách mạng.
Để tỏ lòng biết ơn các thế hệ cha anh đã đổ máu xương cho nền độc lập, tự do của đất nước, Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Hồng Dân luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, coi đó là đạo lý, nét văn hóa cao đẹp, trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Thông qua nhiều hình thức vận động xã hội hóa từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ quan, từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”… Hồng Dân đã xây dựng hàng chục ngôi nhà tặng gia đình chính sách, góp phần giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Trong căn nhà tình nghĩa, ông Huỳnh Công Thành là thương binh 4/4 ở ấp Xẻo Gừa, xã Ninh Thạnh Lợi huyện Hồng Dân chia sẻ: Căn nhà không chỉ là nơi che mưa, che nắng mà còn là tình cảm, sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành dành cho gia đình chính sách. Ông Thành là bộ đội chủ lực,tham gia kháng chiến chống Mĩ cứu nước và bị thương trong khi chiến đấu với kẻ thù. Sau 30/4/1975 ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất đất nước, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huận chương Quyết thắng hạng 3. Trước đây 2 người con trai của ông cũng tham gia quân ngũ và nối tiếp truyền thống cha ông hiện nay 2 người cháu nội của ông cũng đã tình nguyện lên đường nhập ngũ thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự. Gia đình luôn giữ vững danh hiệu “Gia đình cách mạng gương mẫu”.
Do điều kiện không thể tự cất mới được nhà ở, đầu năm 2024 gia đình ông Huỳnh Công Thành được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa chữa lại căn Nhà tình nghĩa. Vợ chồng ông rất cảm động và nhân đôi niềm vui khi luôn nhận được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân Nguyễn Văn Thới chia sẻ, Đảng bộ và nhân dân huyện luôn khắc ghi công ơn, đồng thời chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách trên địa bàn. Bên cạnh việc chi trả, giải quyết các chế độ của Nhà nước hàng tháng cho các gia đình chính sách, người có công đảm bảo đúng, đủ và kịp thời, địa phương còn tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ vốn xây dựng nhà tình nghĩa, tặng vườn cây, ao cá tình nghĩa, thăm viếng, tặng quà nhân các dịp lễ, Tết...
Tại huyện Phước Long, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phước Long tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình bà Võ Thị Thật (57 tuổi, ngụ ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông). Bà Thật là đối tượng chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Căn nhà được xây dựng kiên cố bằng kinh phí do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vận động Công ty TNHH MTV XSKT tỉnh Bạc Liêu tài trợ. Nhận được căn nhà mong ước, bà Thật cho biết, gia đình bà rất vui, an tâm lao động sản xuất vươn lên ổn định cuộc sống.
Trong tháng 7 tri ân, cùng với việc trao tặng nhà tình nghĩa, các cấp, ngành của huyện Phước Long cũng tổ chức thăm hỏi gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lê (91 tuổi, ấp Long Thành, thị trấn Phước Long) phấn khởi khi luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành. Mẹ Lê sinh ra trong gia đình giàu truyền thống, năm 15 tuổi đã tham gia cách mạng và được tổ chức giao các nhiệm vụ quan trọng. Sau khi lập gia đình, mẹ Lê còn vận động chồng và con trai tham gia cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, cả 2 đã anh dũng hy sinh. Hiện, mẹ Lê sống cùng con gái và được huyện Phước Long phân công đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm lo đến cuối đời.
Tương tự, mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Khá (ấp Bình Tốt B, xã Vĩnh Phú Tây) có 7 người con. Khi đất nước chìm trong khói lửa, mẹ lần lượt tiễn chồng và các con trai lên đường chiến đấu. Sau đó, chồng và người con trai thứ 2 nằm lại trên chiến trường. Mẹ Khá bộc bạch: “Không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất đi người thân nhưng bù lại mẹ rất ấm lòng bởi chính quyền cũng như các cơ quan, đoàn thể huyện Phước Long thường xuyên hỏi thăm sức khỏe, tặng quà và giúp đỡ con cháu của mẹ”.
Bạc Liêu là vùng căn cứ cách mạng trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiện, tỉnh có trên 71.000 người có công và thân nhân được công nhận; trong đó có 12.565 liệt sỹ, 2.281 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (còn sống 43 mẹ), 102 cán bộ lão thành cách mạng, 52 cán bộ tiền khởi nghĩa, 13 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 6.563 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 125 bệnh bênh, 2.589 người tham gia kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, 21.952 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 4.910 người có công với cách mạng...
Bà Nguyễn Thùy Như, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh luôn quan tăm chăm lo chu đáo cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Với gần 8.000 người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng, mỗi năm, Bạc Liêu chi thường xuyên trên 150 tỷ đồng. Những năm qua, địa phương đã huy động nhiều nguồn lực quan tâm hỗ trợ gần 10.000 căn nhà cho người có công với cách mạng và thân nhân; trong đó, xây dựng mới trên 6.500 căn nhà. Riêng trong năm 2024, tỉnh dự kiến hỗ trợ xây dựng và cải tạo nhà ở cho 2.883 đối tượng chính sách; trong đó có 1.419 hộ xây mới, 1.456 hộ cải tạo.
Bên cạnh đó, tỉnh đã giải quyết cho trên 150 lượt người được hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; thực hiện chế độ ưu đãi cho 40 con đẻ người có công đang học tại các cơ sở giáo dục - đào tạo. Hàng năm có trên 3.000 người hưởng chế độ điều dưỡng tại gia đình và có gần 1.000 người đi tham quan, điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm điều dưỡng trong cả nước.
Đưa Trung tâm điều dưỡng người có công vào hoạt động
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chia sẻ, chăm lo các đối tượng chính sách là trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh, thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc.
Để chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, ông Phạm Văn Thiều cho biết, Bạc Liêu đã đưa vào hoạt động Trung tâm điều dưỡng người có công nhân kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024). Công trình này được xây dựng trên diện tích 3 ha, quy mô 80 giường điều dưỡng, tổng mức đầu tư 89 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm chủ đầu tư. Trung tâm cơ bản đáp ứng được yêu cầu về công tác điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người có công và thân nhân của người có công với cách mạng.
Việc đưa Trung tâm điều dưỡng người có công vào hoạt động là sự cố gắng rất lớn của tỉnh. Địa phương xem đây là công trình có ý nghĩa quan trọng về chính trị - xã hội, thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn sâu sắc người có công với cách mạng; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phục vụ, chăm sóc sức khỏe người có công...
Ông Phạm Văn Thiều nêu rõ: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác quản lý, giữ gìn và phát huy tốt giá trị của công trình. UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại đối tượng, lập danh sách đăng ký về Trung tâm để tổng hợp, sắp xếp lên kế hoạch thực hiện nghỉ dưỡng năm 2024 và những năm tiếp theo.
Tỉnh tiếp tục quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi cho đối tượng người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định. Bạc Liêu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân với phương châm là quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công; huy động mọi nguồn lực xã hội trong phong trào đền ơn đáp nghĩa. Tỉnh đặt mục tiêu, các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng phải có mức sống từ bằng đến hơn mức sống của cộng đồng trong khu vực dân cư trú.
Bạc Liêu tự hào là mảnh đất anh hùng, biết bao người vĩnh viễn mang trong mình những vết thương chiến tranh, biết bao người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Tháng 7 tri ân, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” thể hiện sự biết ơn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với những cống hiến, hy sinh của các Anh hùng Liệt sỹ, người có công với cách mạng. Qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hun đúc tình yêu đất nước, giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng cho thế hệ sau để nỗ lực xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng văn minh, giàu đẹp.