Xã hội

Hầm xuyên núi duy nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Cẩm Kỳ 25/07/2024 15:21

Hầm đường bộ Đèo Bụt thuộc đoạn cao tốc Vũng Áng - Bùng đi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình do Ban QLDA6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Đây là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang được triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh.

hamdeobut12.jpg
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Vũng Áng - Bùng dài 55,34 km, có tổng mức đầu tư 12.548 tỷ đồng, đi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh (12,9 km) và Quảng Bình (42,44 km). Chủ đầu tư của dự án thành phần này là Ban quản lý dự án 6 (Bộ GTVT). Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut16.jpg
Cao tốc Vũng Áng - Bùng có hầm Đèo Bụt đi qua dãy núi Đồng Nang, phía bắc thuộc xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) và phía nam nằm ở xã Kỳ Hoa (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Thiết kế có hai ống hầm, tim hầm trái cách tim hầm phải 45 m. Hầm trái dài 716 m, hầm phải dài 840 m, chiều rộng mỗi hầm 15 m, cao 8 m. Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut37.jpg
Trong 12,9 km đoạn qua Hà Tĩnh, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (đóng tại tỉnh Quảng Bình) đảm nhận thi công 5 km tuyến chính cao tốc và hầm đường bộ Đèo Bụt dài gần 1 km nối 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut27.jpg
Để triển khai thi công hầm Đèo Bụt, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã đưa nhiều máy móc, thiết bị hiện đại với sự vận hành của các kỹ sư thi công hầm cầu đường có kinh nghiệm. Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut17.jpg
Hàng trăm công nhân cùng hàng chục đầu máy, thiết bị hiện đại, chia “3 ca, 4 kíp” thi công liên tục suốt ngày đêm. Nhờ vậy, tiến độ hạng mục hầm Đèo Bụt luôn đảm bảo. Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut11.jpg
Hố ga ở dưới lòng hầm đang được hoàn thiện. Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut9.jpg
Theo các nhân viên kỹ thuật thi công, mỗi hạng mục trong hầm là một điểm găng, đơn vị phải làm hoàn chỉnh mới được chuyển sang thi công hạng mục khác. Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut10.jpg
Sau nhiều tháng thi công, hầm xuyên núi Đèo Bụt trên dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng đang dần thành hình hài. Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut25.jpg
Việc khoan hầm qua núi, thi công hệ thống kết cấu chống đỡ đòi hỏi máy móc, công nghệ hiện đại. Một số điểm địa chất yếu, nhà thầu gặp nhiều khó khăn, phải đưa ra một số điều chỉnh nhỏ so với thiết kế ban đầu để khắc phục. Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut8.jpg
Hầm được thiết kế vĩnh cửu, vỏ bêtông cốt thép, thi công theo công nghệ NATM - công nghệ thi công đào hầm kiểu mới của Áo. Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut48.jpg
Theo cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, việc thi công hầm Đèo Bụt đòi hỏi kỹ thuật cao và phức tạp nhất trên tuyến cao tốc Vũng Áng - Bùng. Dù thời tiết mưa gió không ảnh hưởng nhiều tới quá trình thi công hầm nhưng việc trời đổ mưa khiến cho nước ngầm nhiều hơn, phần nền hầm bị lầy lội. Để đảm bảo an toàn, bánh các phương tiện được quấn xích sắt, công nhân phải đi ủng để chống trơn trượt. Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut6.jpg
Kỹ sư thường sơn các ký hiệu lên bề mặt bêtông của hầm để đánh dấu số vỉ thép, giúp đạt được độ chính xác tuyệt đối khi thi công. Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut18.jpg
Hệ thống ván khuôn dùng để thi công bêtông vỏ hầm được lắp đặt ở cửa hầm phía Bắc, sau đó đưa vào sử dụng hoàn thiện hầm. Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut35.jpg
Trước cửa hầm phía bắc là cầu cạn, công nhân đang đan thép hoàn thiện kết cấu để đổ bêtông bản mặt cầu. Ở phía ngoài hầm, công nhân đang kéo vật liệu bằng cáp tời lên gia cố mái taluy. Toàn tuyến Vũng Áng - Bùng xây dựng 33 cầu (28 cầu dọc tuyến, 5 cầu vượt ngang). Ảnh: Cẩm Kỳ
ham.jpg
Hầm đường bộ Đèo Bụt dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025, cùng thời gian với đoạn cao tốc Vũng Áng - Bùng. Ảnh: Cẩm Kỳ
hamdeobut14.jpg
Khi hoàn thành, hầm Đèo Bụt là một trong những điểm nhấn trên đoạn cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh. Ảnh: Cẩm Kỳ

Cẩm Kỳ