Xã hội

Hòa Bình: Chỉ đạo, khuyến cáo ứng phó trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ

Đông A 25/07/2024 18:01

Nhận định đang là cao điểm mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ, thời gian tới mưa lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ tiếp tục xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất là rất cao, tỉnh Hòa Bình đã có những chỉ đạo, khuyến cáo người dân và các giải pháp ứng phó với mưa lũ.

Theo đánh giá, từ 20 giờ ngày 22/7 đến 15 giờ ngày 24/7, trên địa bàn lượng mưa từ các trạm đo mưa tự động đo được dao động từ 25 - 271mm (điểm mưa lớn nhất tại Cao Răm, huyện Lương Sơn đo được là 271mm) gây ngập lụt cục bộ một vài nơi.

Hiện mưa đã ngớt dần, tuy nhiên đang là mùa mưa lũ chính vụ ở Bắc Bộ, thời gian tới mưa lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ tiếp tục xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất là rất cao.

img_9992.jpg
Mưa lớn làm đảo lộn và gây nhiều ảnh hưởng, thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, vật nuôi của người dân.

Để tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai do ảnh hưởng của bão số 2 và mưa lũ sạt lở đất trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của mưa lũ, các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn..., kịp thời hướng dẫn, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, khách du lịch để chủ động các biện pháp phòng, tránh phù hợp.

Chủ động rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất. Huy động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, lực lượng tham gia bảo vệ trật tự ở cơ sở phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức rà soát, đánh giá lại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, lũ quét để có phương án chủ động sơ tán, kịp thời di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Tổ chức lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để ứng phó với mọi tình huống; rà soát, kiểm tra, đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, hệ thống lưới điện không để xảy ra sự cố gây thiệt hại về người khi có mưa lớn.

Thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra, tổng hợp báo cáo chi tiết về Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình hướng dẫn người dân phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, sớm ổn định sản xuất, đời sống cho người dân vùng thiên tai.

Kiểm tra, rà soát, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ (nhất là xả lũ khẩn cấp), hồ thủy lợi xung yếu, các hồ chứa đang thi công sửa chữa; bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thuỷ sản; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phối hợp tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ tích nước của các hồ chứa; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của công trình, kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn đập; xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý các sự cố phát sinh.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, thiết bị, vật tư và nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt để chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất; việc triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công tại khu vực dễ bị sụt trượt, các công trình hay có lũ đột xuất; chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, thực hiện công tác cấm đường khi có mưa lũ lớn gây ngập lụt tại các khu vực ngầm, tràn nguy hiểm nếu cần thiết. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Hòa Bình đôn đốc các địa phương thống kê thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, nhất là ảnh hưởng của cơn bão số 2; phối hợp với các địa phương hướng dẫn công tác phục hồi sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi,... sau mưa lũ, đảm bảo ổn định sản xuất cho nhân dân; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/7 để theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai...

Các Sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ và các tình huống bất thường gây ra theo phương châm "bốn tại chỗ". Chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện phương án ứng phó và khắc phục thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Đông A