Khơi thông vốn cho nông nghiệp công nghệ cao
Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã ứng dụng chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp. Mặc dù vậy, phát triển nông nghiệp thông minh ở nước ta vẫn còn nhiều thách thức, nhất là về vấn đề vốn.
Cần chính sách ưu đãi
Theo ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lực lượng chủ yếu sản xuất, kinh doanh nông lâm ngư nghiệp ở Việt Nam vẫn khoảng chục triệu hộ kinh doanh nông nghiệp.
Tính ra chỉ khoảng 1 - 2% doanh nghiệp (DN) Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và trong số đó chỉ khoảng dưới 50 DN được công nhận là “DN nông nghiệp công nghệ cao”, khoảng dưới 300 DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chưa tới 3% tổng số DN nông nghiệp).
Trong xu thế hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu, song câu hỏi đặt ra là: Tại sao rất ít DN làm nông nghiệp công nghệ cao (CNC)? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Văn Tuấn - Phó trưởng ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Việt Nam cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay vốn thực hiện CNC. Cụ thể, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp CNC còn nhiều bất cập như: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn; Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch còn chung chung, chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án, nên NHTM thiếu căn cứ để xác định cho vay theo chương trình.
Bên cạnh đó, thiếu nguồn vốn đầu tư để phát triển nông nghiệp CNC. Ông Tuấn đánh giá, đây là một yếu tố quan trọng, bởi lẽ, để phát triển nông nghiệp CNC, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, công nghệ, đào tạo…
Thêm vào đó, đất sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn rất manh mún. Với tình trạng này, nếu Nhà nước và các cấp chính quyền không có những giải pháp thúc đẩy tích tụ tập trung những diện tích đất đai nhỏ lẻ để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thì khó có thể khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC trong thời gian tới, ông Tuấn kiến nghị, các bộ, ngành cần nhanh chóng ban hành các khung pháp lý, quy định và hướng dẫn liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp CNC, tài chính xanh nhằm khơi thông hành lang pháp lý cho các DN cũng như tổ chức tài chính tham gia vào thị trường nông nghiệp CNC.
Xây dựng nguồn lực thông minh
Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng DN nông nghiệp Việt Nam (VCAC) cũng cho rằng, để có một nền nông nghiệp thông minh cần phải có nguồn nhân lực thông minh. Trên thực tế, sản xuất nông nghiệp vẫn theo các phương thức truyền thống. Kinh nghiệm, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở mức thấp, chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ và bền vững.
Chính vì vậy, ông Thắng nhấn mạnh, việc liên kết chặt chẽ giữa các DN nông nghiệp và các tổ chức khoa học là tất yếu. Cần phải được tổ chức như một thiết chế hợp tác đầu tư, sản xuất và kinh doanh để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực, xây dựng nền tảng để phát triển nông nghiệp xanh - tuần hoàn - bền vững.
Do đó, ông Thắng kiến nghị, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai khu vực “công – tư”. Đối với các tổ chức, DN khoa học đang thuộc sở hữu Nhà nước nhưng đã được giao tự chủ cần làm rõ hơn quyền tự chủ của các tổ chức này. Các tổ chức khoa học được giao tự chủ, tự cân đối tài chính, tự thu, tự chi cần phải được giao quyền tự quyết việc dùng tài sản Nhà nước được giao để tham gia hợp tác, đầu tư trên nguyên tắc không làm mất quyền sở hữu Nhà nước.
Đồng thời, Nhà nước sớm ban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới. Các mô hình hợp tác phát triển và đổi mới sáng tạo cần được cho phép thực hiện theo hình thức thử nghiệm, thí điểm theo cơ chế mở, không bị chi phối bởi các quy định cũ trên nguyên tắc chỉ làm những gì pháp luật không cấm.
Ông Thắng đề nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định theo hướng mở để có cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng trong việc bắt tay hợp tác – liên kết đầu tư phát triển ngành nông nghiệp của các DN nông nghiệp và tổ chức, DN khoa học để mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp thông minh, sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển dựa trên lợi thế địa phương theo hướng hiện đại, gắn khoa học – công nghệ với năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.