Sức khỏe

Rút ngắn thời gian chờ đợi khi khám bệnh nhờ công nghệ

Đức Trân 26/07/2024 08:49

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong ngành y tế, đây cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm để giúp các cơ sở y tế trong nước tiếp cận và chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động phục vụ.

bai-chinh(1).jpg
Dịch vụ đăng ký khám tự động thông qua các thiết bị thông minh tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: BVCC.

Thực tế ghi nhận cho thấy, ngày càng nhiều cơ sở y tế đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Là một trong 3 đơn vị được Sở Y tế Hà Nội lựa chọn triển khai thí điểm mô hình “Khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học tự phục vụ”, hiện nay, tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn, thay vì xếp hàng lấy số, ngay từ cổng vào đã có rất nhiều các ki-ốt để người dân tự đăng ký khám bệnh. Thao tác đơn giản, nhanh chóng, nên nhiều người đã lựa chọn đăng ký khám bằng hình thức này.

Cụ thể hơn, theo quy trình đăng ký khám thông thường, người bệnh phải qua quầy tiếp đón làm thủ tục cũng như mang theo rất nhiều giấy tờ cần thiết. Điều này khiến một số người cảm thấy lúng túng. Có trường hợp phải quay về nhà lấy giấy tờ hoặc rời lịch khám do không am hiểu, nắm rõ về thủ tục khám chữa bệnh.

Những khó khăn nói trên hiện nay gần như đã không còn tồn tại với việc áp dụng các ki-ốt đăng ký khám bệnh và phát số tự động. Máy có thiết kế màn hình chạm cảm ứng, hiển thị dịch vụ theo từng phòng khám. Khi sử dụng, màn hình sẽ hiển thị các lựa chọn dịch vụ theo nhu cầu của người dân như: khám bệnh theo bảo hiểm y tế (BHYT) đúng tuyến, BHYT trái tuyến, đăng ký khám dịch vụ và đăng ký khám thu phí. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, người dân có thể dễ dàng lấy phiếu đăng ký khám bệnh mà không cần xếp hàng hay chờ đợi trong nhiều giờ. Toàn bộ thông tin của người bệnh bao gồm cả hồ sơ bệnh án sẽ được lưu trữ trên hệ thống để phục vụ cho lần khám sau.

Được biết, từ 1 ki-ốt thử nghiệm ban đầu với trung bình mỗi ngày có khoảng 100 lượt tiếp đón, đến nay, BVĐK Xanh Pôn đã triển khai 5 ki-ốt trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt tiếp đón trên ki-ốt và dự kiến đến cuối năm nay, con số này có thể tăng lên trên 3.000 lượt bệnh nhân mỗi ngày, đạt trên 90% tổng số người bệnh đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện (BV).

TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Khám bệnh (BVĐK Xanh Pôn) cho rằng, việc triển khai các ki-ốt đã mang lại nhiều giá trị, tiện ích cho cả bệnh nhân và BV. Người dân đến khám không phải mang quá nhiều giấy tờ gây áp lực cho người dân đi khám, chữa bệnh nhất là với người cao tuổi.

“Với việc kết hợp thanh toán không dùng tiền mặt trực tiếp tại ki-ốt, bệnh nhân có thể thực hiện đăng ký khám và lên thẳng phòng khám mà không cần chờ làm thủ tục tại quầy như trước. Đáng chú ý, không chỉ khám chữa bệnh, các ki-ốt còn có chức năng thông báo lưu trú dành cho người nhà bệnh nhân. Người nhà của các bệnh nhân nội trú sẽ ra ki-ốt để thực hiện thông báo lưu trú và ki-ốt sẽ đồng bộ dữ liệu lưu trú lên hệ thống của Bộ Công an một cách thuận tiện, nhanh chóng. Việc ứng dụng các ki-ốt trong khám, chữa bệnh còn giúp BV và nhân viên y tế giảm thiểu được nhân sự tham gia khâu tiếp đón thông qua việc ứng dụng công nghệ xác thực, định danh bệnh nhân và các phương thức thanh toán. Giảm thiểu các khâu nhập liệu bằng tay thông qua việc đọc thông tin từ thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc VNeID sau đó liên thông trực tiếp với phần mềm HIS của BV để tạo hồ sơ khám…” – BS Hằng thông tin.

Tương tự, tại BVĐK Đống Đa (Hà Nội), máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động sử dụng căn cước công dân gắn chíp và nhận diện khuôn mặt được BV lắp đặt tại sảnh khoa Khám bệnh. TS.BS Nguyễn Đình Phúc - Giám đốc BVĐK Đống Đa cho biết: “Trong lần đầu tiên đến khám bệnh, người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp và nhận diện khuôn mặt để đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh tại BV, cũng như thanh toán viện phí. Đối với những lần hẹn khám bệnh tiếp theo thì tất cả thông tin của người bệnh đã được lưu trữ trên phần mềm, người bệnh chỉ cần nhận diện khuôn mặt là có thể đăng ký các dịch vụ khám chữa bệnh. Sau khi đăng ký, người bệnh được nhận ngay phiếu khám và đến trực tiếp nơi làm các dịch vụ kỹ thuật mong muốn” - BS Phúc lưu ý.

Theo TS.BS Trần Thị Oanh - Phó Giám đốc BVĐK Đức Giang (Hà Nội), trước khi thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, quy trình thanh toán của BV gồm 24 bước. Song, với hình thức mới, quy trình hiện chỉ còn 11 bước. Hiện nay, tại BVĐK Đức Giang, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen của cả nhân viên y tế và bệnh nhân. Với hình thức hiện nay, bệnh nhân được thanh toán tại các khoa, phòng. Do đó, không chỉ giảm thời gian chờ đợi, người bệnh còn được xem tường minh về các chi phí và được giải đáp ngay khi có thắc mắc. Được biết, hiện nay, tỷ lệ thanh toán nội trú của BV đã đạt tới con số 96%.

Đức Trân