Tinh hoa Việt

Tôi tới Thiên Đường

NGUYỄN TRỌNG VĂN 27/07/2024 09:18

Xin được nói luôn kẻo mọi người lại hiểu nhầm. “Thiên Đường” mà tôi nói tới đây chính là “Động Thiên Đường”, ở thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - một trong những hang động đẹp bậc nhất ở “Vương quốc hang động” Quảng Bình.

5.jpg
Đường ván gỗ lát trong động Thiên Đường.

Chiếc xe 24 chỗ chở đoàn chúng tôi tới điểm đỗ xe thì dừng lại. Cô Bích Hằng - người dẫn đoàn, cho biết: “Từ đây lên tới động Thiên Đường đoàn chúng ta có hai cách để lựa chọn. Một là mua vé đi xe điện lên tới chân dốc. Và hai là đi bộ theo lối mòn xuyên qua rừng tre trúc”. Phổ biến xong cô Hằng nói thêm: “Ngồi xe điện sẽ đỡ mệt và mau tới. Còn đi bộ sẽ lâu hơn”.

Tôi quyết định lựa chọn cách đi bộ. Thực tình thì cũng mấy chục năm rồi kể từ khi tôi tạm biệt những cánh rừng biên giới để về Hà Nội, với lần này tôi muốn đi bộ trên quãng đường rừng chừng 2 cây số để nhớ lại một thời làm lính biên cương. Dĩ nhiên cậu con trai tôi cũng nói sẽ đi cùng bố.

Vậy là hai bố con tôi đi bộ. Gọi là đường rừng nhưng thực ra đó là con đường đã được sử dụng thường xuyên, do vậy không khó khăn cho lắm. Hai bố con tôi vừa chậm rãi đi vừa ngắm rừng. Phải nói thêm nữa rằng do đường có người đi bộ thường xuyên nên lối mòn đã thành con đường đất. Không dốc cao, không khúc khuỷu, chỉ tội hơi dài. Cứ chậm rãi đi, kinh nghiệm bao năm quân ngũ chỉ cho tôi rằng nên đi thong thả, không đi vội vàng. Do vậy cuối cùng thì hai bố con tôi cũng tới chân dốc. Đó là điểm cho du khách nghỉ lấy sức để chuẩn bị leo dốc.

Đường lên động Thiên Đường quả tình chỉ có dốc với dốc. Những người “thiết kế” con đường dốc này đã có chủ ý nên đường dốc uốn lượn, việc uốn lượn này làm giảm đi độ dốc nhưng lại bị kéo dài ra. Lại cứ chậm rãi bước từng bước chân thong thả.

Dốc lên rồi ngoặt. Lại dốc lên rồi ngoặt. Con đường dốc xuyên qua cánh rừng nguyên sinh với những thân cây sù sì mốc, thi thoảng lại bắt gặp từng chùm cây phong lan bám vào thân cây, bám vào hốc cây. Có những hốc phong lan nở hoa. Cậu con trai tôi hí hửng: “Leo dốc tuy mệt nhưng được ngắm hoa phong lan bố nhỉ?”

8.jpg
Nhũ đá tạo thành hình ruộng bậc thang và thác nước.

Động Thiên Đường đây rồi. Cửa động gần như còn nguyên sơ với một lỗ hổng không lớn lắm, xung quanh là những khóm cây lá lòa xòa. Vẻ nguyên sơ ấy cho thấy một điều gì đấy rất gợi trí tò mò.

Cửa động nhỏ chỉ vừa đủ một người xuống, nằm dưới lèn đá cao hơn trăm mét trông rất ngoạn mục. Một cái dốc dẫn xuống nền động dài 15m, dốc được tạo rất cầu kỳ với vô vàn hạt thạch nhũ to tròn, hai bên dốc có nhiều dấu tích sập đổ, ngổn ngang những cột thạch nhũ như thể vừa trải qua một đợt kiến tạo.

Sau khi chui vào cửa động, chúng tôi còn phải lần tay bám cho chắc vì hơi nước làm chiếc thang gỗ trơn trơn. Thang gỗ cũng đơn giản, hình như chiếc thang này muốn nói lên rằng ai dũng cảm thì xuống còn ai dụt dè thì quay lên ngồi chờ ở cửa động. Chỗ ấy là một điểm có nhà tạm, có ghế ngồi, nhưng quan trọng là có bảng lớn mô tả con đường đi trong động. Theo sơ đồ mô tả ấy thì việc vào trong động sẽ có nhiều thú vị bất ngờ.

Hai bố con tôi động viên nhau lần lượt bám thang để xuống hẳn trong động. Vừa xuống tới điểm dừng tôi đã ồ lên. Trái với suy nghĩ ban đầu khi đứng trước cửa động tối om vừa thấp bé thì nay đang mở ra trước mắt tôi một hang động rộng lớn với bề rộng hơn 200m, trần động cao vút, rộng thênh thang và chiều dài như hun hút.

9.jpg
Nhũ đá trong động Thiên Đường.

Từ khi được đưa vào khai thác, các nhà quản lý đã cho lắp đặt hệ thống chiếu sáng, vừa cho du khách được mục sở thị lại vừa làm toát lên sự kỳ ảo. Tôi dụi mắt mấy lần vì không tin được vào mắt mình, dưới ánh đèn chiếu rọi là muôn vàn thạch nhũ kỳ ảo, ẩn hiện qua hiệu ứng của ánh sáng đèn. Những thạch nhũ khi đỏ, khi xanh, khi vàng, khi tím cứ như hút hết ánh nhìn của mình.

Động Thiên Đường được phát hiện vào năm 2005. Sau đó, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh tiến hành khảo sát và đánh giá từ năm 2005 đến năm 2010. Sau 5 năm khảo sát và nghiên cứu, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh công bố: Hang động này có tổng chiều dài là 31,4 km, và là hang động dài nhất châu Á.

Những nhà thám hiểm người Anh đã sững sờ trước vẻ đẹp của nhũ và măng đá trong hang nên họ đã đặt tên hang động này là “Thiên Đường”. Một cái tên nói lên vẻ kỳ vĩ nếu có chỉ có trên thiên đường mà thôi, vậy mà vẻ bí hiểm đầy kỳ vĩ ấy lại hiển hiện trên mảnh đất “Quảng Bình quê ta ơi” mới thú vị làm sao.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia hang động người Anh, hang động Thiên Đường còn to lớn và đẹp hơn cả động Phong Nha.

Những nhà quản lý du lịch ở Quảng Bình đã cho lắp đặt một “con đường” đi trong hang động Thiên Đường. Đường làm bằng những tấm gỗ ván lát, có bề mặt rộng chừng hơn 1 mét, đủ để 2 người đi không chạm nhau. Được biết, con đường gỗ ván này dài hơn cây số nhưng quan trọng là du khách khi vào tham quan động Thiên Đường sẽ không bao giờ đặt chân vào nền động. Cách thức ấy đảm bảo cho động Thiên Đường không bị con người “xâm hại”.

Con đường gỗ ván lát có lan can giúp cho du khách được chiêm ngưỡng những thạch nhũ muôn hình muôn sắc và lại giữ được vẻ gần như nguyên sơ của động.

Hai bố con tôi lại thong thả đi trên con đường gỗ ván lát. Vừa đi vừa ngắm và vừa dừng lại để chụp ảnh. Muôn vàn vẻ kỳ vĩ cứ nối nhau và ở mỗi một góc nhìn lại phát hiện ra điều kỳ thú mới lạ. Cậu con trai tôi nói to: “Bố ơi. Động Thiên Đường là một động khô bố ạ, không có sông ngầm chảy qua như động Phong Nha mà bố con mình đã tới”.

Theo kết quả khảo sát sơ bộ của các nhà khoa học, so với động Phong Nha thì động Thiên Đường có chiều dài và quy mô lớn hơn nhiều. Trong động Thiên Đường có nhiều khối thạch nhũ và măng đá kỳ ảo. Phần lớn nền đất trong động này là đất dẻo, khá bằng phẳng nên thuận tiện cho việc tham quan và thám hiểm. Nhiệt độ bên trong động Thiên Đường luôn chênh lệch so với bên ngoài khoảng 16°C.

Ngoài đoàn của chúng tôi ra thì hôm đó, trong động Thiên Đường có rất nhiều các đoàn tham quan khác. Tiếng người trầm trồ, tiếng ồ à, tiếng cười vui vẻ làm khung cảnh càng thêm kỳ vĩ. Cậu con trai tôi lúc chỉ tay sang phải, khi chỉ tay sang trái. Có lúc lại chỉ tay lên trần mái vòm động.

Thiên nhiên hay là tạo hóa đã khéo tạc nên hình hay nơi đây chính là sự sắp đặt của người tiền sử? Tôi thảng thốt tự hỏi mình bởi hệ thống thạch nhũ được kết tinh thành những hình thú khéo léo như Tiên Ông, như Phật Bà.

Tôi đứng ngắm rất lâu hình mà tôi cảm thấy vô cùng thân quen. Đó là hình ảnh lừng lững một thác nước như được đổ từ trên trời xuống vậy. Tôi nhắm mắt lại và lắng tai nghe, có tiếng nước chảy ào ào. Dòng nước từ “trên trời” tuôn xuống đang tỏa ra tưới tắm những thửa ruộng bậc thang. Một hình ảnh rất gợi nhớ tới những thửa ruộng bậc thang nơi miền Tây Bắc của Tổ quốc. Hình như có ruộng bậc thang Mù Cang Chải, lại hình như có ruộng bậc thang nơi Y Tý xa xôi.

Con đường gỗ ván lát chợt dừng lại, đó là chặng đường “khám phá” đến đây dừng lại cho dù hang động còn kéo dài.

NGUYỄN TRỌNG VĂN