Khi nghệ sĩ có những hành vi thiếu chuẩn mực
Từ phát ngôn, trang phục không đúng chuẩn mực, cho đến việc sử dụng các chất cấm, gây rối trật tự công cộng… nhiều nghệ sĩ phải nhận những án phạt từ phía các cơ quan chức năng. Những hành động trên không chỉ ảnh hưởng đến giá trị tốt đẹp của danh xưng nghệ sĩ mà còn tác động xấu đến một bộ phận khán giả - những người coi họ là thần tượng.
Cần một chuẩn mực cho nghệ sĩ
Với sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, những năm qua khoảng cách giữa nghệ sĩ, người của công chúng với khán giả đã dần được rút ngắn. Thông qua các trang cá nhân, fanpage, công chúng có thể tương tác, trò chuyện với những thần tượng, nghệ sĩ mà mình yêu mến. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số nghệ sĩ đã có những phát ngôn, trang phục không đúng chuẩn mực, tạo ấn tượng xấu trong lòng người hâm mộ.
Mới đây, Sở Văn hóa Thể thao TPHCM có quyết định xử phạt hành chính 27,5 triệu đồng đối với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (tên thật Huỳnh Vĩnh Hưng) vì đã biểu diễn nghệ thuật sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Bên cạnh đó, ca sĩ này còn bị cấm diễn trong 9 tháng, không được phép ra mắt sản phẩm âm nhạc mới trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok... trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn. Trước đó, Đàm Vĩnh Hưng cũng đã từng tạo ra các vụ việc tai tiếng, phản cảm như hôn nhà sư trên sân khấu năm 2012, câu chuyện ồn ào với cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh hay những buổi livestream tranh cãi với khán giả…
Không chỉ Đàm Vĩnh Hưng, thời gian qua nhiều cá nhân mang danh nghệ sĩ cũng đã bị “tuýt còi”, thậm chí là bị xử lý hình sự, như trường hợp của người đẹp Nam Em, Ngọc Trinh…
Đáng buồn hơn, một số nghệ sĩ đang ở đỉnh cao của sự nghiệp cũng rơi vào lao lý bởi sử dụng các chất cấm. Sau hàng loạt ồn ào, ca sĩ Chu Đăng Thanh (nghệ danh là Chu Bin) vừa bị tạm giữ hình sự cùng một số người khác để điều tra về hành vi tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy. Tương tự, trước đó nghệ sĩ hài Hữu Tín cũng đã rơi vào vòng lao lý với hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, “tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Phải xử lý nghiêm
Có thể nói, với sự phát triển của các loại hình giải trí, nhiều tài năng nghệ thuật đã có hội tỏa sáng. Ở đó, không chỉ có được sự nổi tiếng, cát xê “khủng” mà một số nghệ sĩ còn được công chúng ưu ái hơn. Tuy nhiên, trong một môi trường khắc nghiệt như giới giải trí, việc sử dụng các chiêu trò, quá huyễn hoặc, đề cao bản thân… đã trở thành “con dao hai lưỡi” khiến nhiều người phải đánh đổi cả sự nghiệp của mình.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Thái, nghệ sĩ dùng các chiêu trò, dù có rùm beng thế nào đi nữa, cũng không thể thay thế tài năng thực sự của người làm nghệ thuật. Chiêu trò là con dao hai lưỡi, nếu nghệ sĩ sử dụng tốt thì sẽ hấp dẫn được khán giả và ngược lại nếu sử dụng chiêu trò quá lố, sẽ làm hại chính nghệ sĩ. PGS.TS Nguyễn Minh Thái cũng cho biết, chưa bao giờ công chúng lại mất niềm tin vào một bộ phận nghệ sĩ như hiện nay. Cần phải kiên quyết cấm sóng với các nghệ sĩ sử dụng chiêu trò như thế.
Còn theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, việc nhiều người nổi tiếng sử dụng chiêu trò để được dư luận và truyền thông chú ý đã gần như trở thành công thức. “Các quyết định xử phạt trong thời gian qua đã đưa ra thông điệp về vai trò của những nghệ sĩ nói chung trong xã hội. Họ phải góp phần định hướng dư luận tới những điều tốt đẹp, thay vì khiến khán giả ngán ngẩm bởi những hành động và phát ngôn thiếu chuẩn mực gây sốc”- ông Long chia sẻ.
Cũng theo ông Long, cần làm tới cùng việc “cấm sóng” để các nghệ sĩ cân nhắc lời nói, việc làm của họ trước công chúng. Những chiêu trò “câu view”, hát các ca khúc có ca từ tục tĩu, dung tục hay trang phục phản cảm đều phi nghệ thuật. Khi những thứ đó tràn lan, các nghệ sĩ chân chính sẽ thiếu “hào quang” để tỏa sáng. “Thực hiện việc cấm sóng sẽ giúp nghệ thuật phát triển, triệt tiêu những thứ nghệ thuật lợi dụng chiêu trò” - ông Long nói.
Trước thực trạng này, bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng Quy chế xử lý. Theo đó, các nghệ sĩ, người của công chúng, người hoạt động nghệ thuật có hành vi vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục… có thể bị xử lý theo hướng hạn chế biểu diễn, phát sóng, quảng bá thông tin, hình ảnh, hoạt động của người vi phạm trên báo đài, không gian mạng.
Bất cứ ai cũng cần thượng tôn pháp luật, nhất là với người nổi tiếng bởi mức độ ảnh hưởng của họ với cộng đồng, trong đó có nhiều người trẻ. Khi người nổi tiếng có những hành vi chưa chuẩn mực, thậm chí coi thường pháp luật thì cần có những chế tài, răn đe nghiêm khắc.