Viết là một nghề nặng nhọc
Tháng 7 này, tròn 10 năm ngày mất của nhà văn Tô Hoài (6/7/2014- 6/7/2024). 10 năm ấy, tác phẩm của Tô Hoài vẫn được các đơn vị xuất bản ấn hành, và độc giả vẫn tìm đọc. Điều đó chứng tỏ, “thỏi nam châm” mang tên Tô Hoài vẫn còn sức hút…
1.Mới rồi, ghé qua hiệu sách, thấy kệ sách lại có thêm một cuốn sách mới của nhà văn Tô Hoài. Sách mới có tựa đề “Mực tàu giấy bản”. Thì ra đây là tập sách được NXB Kim Đồng vừa ấn hành, để kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà văn Tô Hoài.
Trước đó, đơn vị xuất bản này cũng đã ra mắt các cuốn: “Mười năm”, “Quê nhà”, “Quê người”, “Giăng thề”, “Chuyện để quên”, “Lá thư tình đầu tiên”, “Những ngày đầu”, “Thành phố, gương mặt, con người”, “Giữ gìn 36 phố phường”… Đặc biệt, cuốn “Dế Mèn phiêu lưu ký” nổi tiếng của của Tô Hoài, khiến ông còn được gọi với cái tên trìu mến "cụ Dế mèn" thì vẫn được tái bản đều đặn, với nhiều hình thức khác nhau.
Ngay từ khi còn sống, nhà văn Tô Hoài đã được đánh giá là một trong những nhà văn hiện đại lớn nhất của Việt Nam. Ông để lại một di sản văn học đồ sộ, ở nhiều thể loại, từ truyện ngắn, truyền ký, tiểu thuyết, cho tới truyện đồng thoại, hồi ký, tản văn… Văn chương của Tô Hoài cũng có độ “phủ sóng” cho nhiều đối tượng, từ thiếu nhi cho tới người lớn, từ độc giả bình dân cho tới giới trí thức...
Chỉ riêng trong lĩnh vực viết cho thiếu nhi, có thể nói, Tô Hoài là một nhà văn hàng đầu. Trên hành trình hơn 70 năm cầm bút, ông đã dành cho tuổi thơ những “quà tặng” đặc sắc.
Sinh thời, nhà văn Tô Hoài là người đi nhiều. Đi đến đâu ông cũng rủ rỉ trò chuyện để nắm bắt và ghi chép chi tiết phong tục tập quán của người địa phương nên tác phẩm của ông không lẫn vào nhau dù ông viết cho thiếu nhi hay người lớn, cho người dân tộc thiểu số hay cho người Hà Nội.
Với tập sách mới “Mực tàu giấy bản” , đây là tập sách gồm 10 truyện ngắn được viết trước năm 1945 của ông. Nhân vật chính trong những câu chuyện này là trẻ em, đời sống và thế giới tinh thần của các em. Sau gần một thế kỷ, đọc lại, những trang miêu tả chân thực, chi tiết giàu hình ảnh của nhà văn Tô Hoài là những tài liệu xác tín cho chúng ta muốn tìm hiểu về đời sống trẻ em, về giáo dục truyền thống của Việt Nam một thời tuy chưa xa nhưng đã nhòe nét.
Truyện “Mực tàu giấy bản” kể về Cang - một cậu bé thôn quê nhút nhát, suốt ngày quanh quẩn “chơi nhễu” với đám ngan, gà, chó, vịt chính thức đóng sách, sắm sửa bút nghiên sang thầy đồ “ăn mày lấy đôi ba chữ thánh hiền”.
Tuy nhiên, mọi chuyện không suôn sẻ như gia đình cậu mong đợi. Biết bao chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra ở lớp học của thầy đồ Biền. Tô Hoài ghi lại thế giới ấy bằng những chi tiết đắt giá chỉ trong vài chục trang truyện vừa “Mực tàu giấy bản”, cậu học trò Cang hiện lên sống động như trong một bộ phim tài liệu về phong tục tập quán. Từ cách ăn mặc, cách nói năng, các lễ nghi cho thấy cách vận hành một lớp học của thầy đồ làng, tiêu biểu cho hàng nghìn lớp học kiểu như vậy ở mỗi làng quê Việt.
Ngoài lớp học của thầy đồ, người đọc được Tô Hoài cho ghé mắt quan sát các lớp học thời Tây trên phố, lớp học truyền bá chữ Quốc ngữ tổ chức buổi tối tại đình làng.
“Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” không phải chỉ đúng với học sinh thời nay, cứ đọc "Ghẻ đặc biệt", "Nói về cái đầu tôi"… sẽ thấy không thiếu trò gì, từ đặt biệt hiệu, rủ nhau trốn học, ăn dỗ quà, đánh đáo ăn tiền…
Được xem là nhà văn tả chân, đời sống sinh hoạt, hiện thực xã hội, con người nói chung và nhân vật trẻ em nói riêng là chủ thể sáng tác thường xuyên của Tô Hoài. Như một “thư ký” cần mẫn của hiện thực, những tác phẩm có nhân vật là trẻ em và hướng về trẻ em từ “Mực tàu giấy bản”, đến các truyện ngắn “Ghẻ đặc biệt”, “Nói về cái đầu tôi”, “U Tám”, “Thằng Nhó”… dù mức độ thể hiện và hiệu ứng nghệ thuật sáng tác khác nhau, nhưng dễ nhận thấy tình cảm trìu mến dành cho các em của nhà văn.
Tô Hoài trước năm 1945 cũng không nằm ngoài đời sống văn chương đầu thế kỉ 20, bên cạnh những truyện ngắn tả chân, với những truyện ngắn nhân vật chính là cô gái, Tô Hoài bỗng trở nên thi vị lạ thường rất gần với Tự lực văn đoàn. Đó là những cô học trò trong “Nguyệt kể chuyện” hay “Lá thư rơi”. Nhưng ngay cả trong các truyện ngắn mang tâm tình tiểu tư sản đó, ngòi bút hiện thực sắc lém, ưa chi tiết của Tô Hoài vẫn là một nét riêng không lẫn.
2. Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920 tại làng Nghĩa Đô, Từ Liêm thuộc phủ Hoài Đức xưa (nay là phường Nghĩa Đô, Hà Nội). Bút danh Tô Hoài của ông được đặt từ hai địa danh Phủ Quốc Oai và vùng ven sông Tô Lịch, nơi Tô Hoài đã gắn bó cả tuổi thơ và những năm trai trẻ.
Tô Hoài đến với nghề văn ở tuổi 17 - 18. Tác phẩm đầu tay của ông là một truyện ngắn. Và những sáng tác đầu tay của Tô Hoài được đăng trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy.
Tuy xuất hiện ở giai đoạn cuối của thời kỳ 1930-1945 nhưng Tô Hoài đã sớm khẳng định được vị trí của mình trong đội ngũ nhà văn thời kỳ này bằng một loạt tác phẩm độc đáo, đặc sắc, như "Dế Mèn phiêu lưu ký” (1941), "Quê người” (1941), "O chuột” (1942), "Trăng thề” (1943), "Nhà nghèo” (1944 )…
Từ các tác phẩm này, người đọc dễ nhận thấy sức sung mãn dồi dào trong lao động nghệ thuật của ông. Sau này, Tô Hoài đã bộc bạch qua "Tự truyện” về việc ông đến với nghề văn: "Tôi vào nghề văn có trong ngoài ba năm trước Cách mạng Tháng Tám mà tôi viết như chạy thi được 5 truyện dài, truyện vừa, 3 tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế Mèn thì mấy chục truyện, cái in, cái chưa in, vương vãi lung tung tôi không nhớ hết. Cũng chẳng có gì lạ. Viết để kiếm miếng sống lúc ấy tất phải cuốc khỏe như vậy đấy”.
Sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài phải nói là đồ sộ. Xét về số lượng đầu sách thì cũng khoảng 200 tựa sách.
Không chỉ sung sức ở thời tuổi trẻ hay trung niên, với nhà văn Tô Hoài, "gừng càng già càng cay”. Vào những năm cuối đời, ông vẫn cho ra hai tập hồi ký văn học "Cát bụi chân ai” (1992) và "Chiều chiều” (2000) tạo dư âm trong văn giới.
Có thể khẳng định, Tô Hoài thực sự là nhà văn chuyên nghiệp. Nghĩa là ông hoàn toàn sống được bằng nghề văn. Ngồi đâu, ông cũng viết được văn, kể cả trong những lúc hội họp.
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đánh giá, so với các cây bút đương thời, nhà văn Tô Hoài có lẽ là nhà văn giàu chất chuyên nghiệp bậc nhất. Sống đến đâu viết đến đấy. Một nét đặc biệt cũng thấy rõ trong đời viết văn của Tô Hoài là ngoài nghề viết, ở ông luôn có một cuộc sống khác, cuộc sống người cán bộ chính trị, hoặc nhìn rộng ra, cuộc sống nhà hoạt động xã hội.
Bản thân Tô Hoài cũng ý thức rất rõ về việc từ rèn mình, tích lũy vốn sống và tích lũy chữ nghĩa. Ông đọc và học từng mục nhỏ trên các tờ báo để tìm chữ, tìm từ mới. Và học hỏi, và ghi chép cẩn thận.
Sinh thời, ông từng bày tỏ: “Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng viết văn là phải “giàu có chữ nghĩa”. Muốn giàu có chữ nghĩa, người viết văn phải có thực tế cuộc sống, phải có học thuật. Tức là đọc nhiều, đi nhiều. Ngày trước, tôi chủ yếu là tự học để làm giàu ngôn ngữ. Tôi đọc ca dao tục ngữ, đọc "Kiều", đọc "Chinh phụ ngâm". Rồi tôi tự học tiếng Pháp qua các tác phẩm văn học”. Nhà văn dẫn chứng: Nguồn tiếng nói hàng ngày bồi đắp cho người viết văn. Thôi thì thượng vàng hạ cám, cái gì đến tay tôi cũng đọc, sách báo nào có chữ hay tôi cũng ghi.
Truyện cổ, truyện tiếu lâm, truyện của các nhà văn Kim Lân, Bùi Hiển, thường giàu có màu sắc, nhiều chữ, tôi chú ý nhặt ra. Trên các báo hàng ngày, báo thông tin, báo chuyên môn, cũng khối chữ mới. Cả đến những sách xem bói, xem tướng (trong các sách tướng có nhiều chữ tả diện mạo cô đúc, nhiều hình ảnh). Sách dạy nấu ăn, dạy trồng lúa, sách nói về các bệnh truyền nhiễm gia súc, sách dạy nghề, nhiều tiếng của các nghề, ta cần phải biết…
Văn chương của Tô Hoài giàu có là do sự tập hợp ngôn ngữ vì trong ngôn ngữ có sự giàu có của văn hóa. Theo nhà văn Tô Hoài, việc tập hợp được nhiều ngôn ngữ khác biểu hiện sự đa dạng của văn hóa Việt, sự đa dạng ngôn ngữ thể hiện nhiều nhất trong những phong tục tập quán từng vùng miền, địa phương hay thậm chí gần hơn, đó là các làng. Khi tận dụng ngôn ngữ một cách triệt để đã thể hiện và quảng bá cho văn hóa của chính đối tượng mà nhà văn muốn nói đến.
Nhà văn Tô Hoài sinh thời bày tỏ, viết lách cũng là một nghề như bao nghề khác, không phải cái gì thiêng liêng, ghê gớm. Nhưng điều quan trọng, anh phải tinh thông và chăm chỉ tích lũy vốn kiến thức cho mình. Đã xác định làm nghề viết thì phải rèn luyện hàng ngày. Nghề viết là nghề vừa khó, vừa nặng nhọc.