Đẩy lùi hàng giả, hàng nhái: Người tiêu dùng là ‘mắt xích’ quan trọng
Nhiều người tiêu dùng mặc dù biết là hàng kém chất lượng, hàng nhái nhưng vẫn mua, chỉ vì giá rẻ. Đó là một trong những lý do khiến cho hàng giả, hàng nhái có đất sống.
Hàng giả, hàng nhái tràn phố, vỉa hè
Khảo sát của phóng viên cho thấy, trên vỉa hè các tuyến đường, phố Hà Nội xuất hiện tràn lan các sạp hàng quần áo, giày dép, túi xách, chăn ga gối đệm… không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mặc dù vậy, các sản phẩm này vẫn thu hút đông đảo người tiêu dùng đến mua sắm.
Đáng chú ý, các mặt hàng này được các chủ hàng bày bán hết sức công khai, dường như họ bất chấp sự kiểm soát của lực lượng chức năng, sẵn sàng ôm hàng bỏ chạy khi bị bất ngờ kiểm tra.
Dọc theo đường Tố Hữu (quận Hà Đông), không khó để bắt gặp hàng loạt những sạp hàng, xe thồ chất đủ loại mặt hàng như túi xách, giày dép, quần áo, mũ bảo hiểm… Chúng tôi ghé vào một sạp hàng chuyên bày bán túi xách, ví, ba lô. Điều đáng nói, những sản phẩm túi đều được in các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton... mà chỉ có giá vài chục nghìn đồng cho đến vài trăm nghìn đồng.
Chủ sạp hàng đon đả mời gọi: “Cô xem túi đi, toàn đẹp mà giá bình dân lắm”. Vừa nói, bà chủ sạp hàng vừa đưa cho tôi xem một chiếc túi hiệu Chanel. Mà theo kinh nghiệm mua sắm của mình, tôi biết rõ, một chiếc túi nhãn hiệu này phải có giá khủng vài trăm triệu đồng. Một chiếc túi Chanel mà tôi từng tham khảo trên các shop chính hãng, rẻ cũng phải 35 – 50 triệu đồng. Thế nhưng bà chủ sạp túi hiệu bày vỉa hè này chỉ rao giá “150.000 đồng thôi em, mua 2 chiếc được tặng kèm ví cùng thương hiệu”.
Bà chủ sạp túi cũng không ngần ngại khi cho chúng tôi biết thông tin, những mặt hàng được bày bán chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. “Một đầu nậu lớn sẽ nhập về sau đó xuất cho những người bán nhỏ lẻ” – bà chủ sạp cho hay.
Trên tuyến đường Cienco 5 (đoạn khu đô thị Thanh Hà, Thanh Oai, Hà Nội) cũng là “thiên đường” của các sản phẩm thời trang giá rẻ. Từ giày dép, dây lưng, ví da, túi xách, cả chăn, ga, gối đệm... không thiếu một thứ gì. Tất cả đều được gắn những nhãn mác, thương hiệu nổi tiếng thế giới mà đáng lẽ ra, người mua phải đến các trung tâm thương mại lớn may ra mới tìm mua được.
Theo chia sẻ của chị Lê Thu Hằng (khu đô thị Thanh Hà), chị biết tất cả những mặt hàng bày bán trên vỉa hè, dọc các tuyến đường, phố Hà Nội hầu như đều là hàng giả, hàng nhái. “Tuy nhiên, do giá quá rẻ, khi sử dụng nếu không thích hoặc hỏng thì có thể mua sản phẩm mới. Như vậy càng được sử dụng nhiều đồ mới nên tôi vẫn mua, thậm chí mua nhiều sản phẩm để thay đổi theo trang phục” – chị Hằng nói.
Có vẻ như khá nhiều người tiêu dùng hiện nay cũng giống như chị Hằng, dù biết rõ mười mươi là hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng vẫn “xuống tiền” để mua những sản phẩm nhái các thương hiệu lớn.
Có lẽ đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tràn lan thời gian qua, mặc cho cơ quan chức năng đã vào cuộc ráo riết.
Chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng nhái
Trên thực tế, những con số mà cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và bắt giữ vẫn là những con số không hề nhỏ. Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong năm 2023, toàn thành phố đã kiểm tra, xử lý 1.760 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hơn 18,121 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 17,857 tỷ đồng.
Nhiều vụ việc vi phạm bị xử lý có tính răn đe cao nên không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp diễn vì lợi nhuận thu được lớn.
Tại TPHCM, trong 6 tháng đầu năm nay lực lượng Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý 668 vụ hàng giả, tạm giữ 84.169 đơn vị sản phẩm - hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 7,7 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng kiểm tra, xử lý 1.110 vụ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và tạm giữ 876.192 sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 45,9 tỷ đồng.
Trung tuần tháng 7 vừa qua, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã đột kích một kho xưởng trên địa bàn thành phố và phát hiện hơn 20 tấn mỹ phẩm hết hạn đang được các đối tượng dập lại date.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc một khá quyết liệt, song vấn nạn hàng giả hàng nhái vẫn tràn lan, ngày càng xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi hơn nhằm bẫy người tiêu dùng.
Khẳng định sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng, song Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cũng bày tỏ, khó khăn nhất trong công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… ở Hà Nội hiện nay là địa bàn quản lý rộng, phức tạp với nhiều kho tàng, bến bãi, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, gây khó khăn trong công tác nắm bắt, quản lý địa bàn. Mặt khác, nhiều đối tượng thuê kho, bãi sẵn sàng chống đối (không tiếp xúc, không làm việc), gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm soát địa bàn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, nhiều vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả hàng nhái đã bị cơ quan quản lý thị trường phanh phui.
“Những vụ việc được bắt giữ chúng tôi đánh giá rằng vẫn chưa đủ minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay” – ông Linh nhận định và cho rằng, để đẩy lùi vấn nạn này, các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử cần đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường kiểm soát người bán, chất lượng sản phẩm và đánh giá người bán và đánh giá sản phẩm và công khai thông tin đánh giá để người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn và mua sản phẩm phù hợp.
Về phía người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng thông minh, không tiếp tay cho hàng giả hàng nhái, cần kịp thời phản ánh/tố giác tới các cơ quan chức năng khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm.
“Có thể nói, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nói chung và trên không gian mạng nói riêng, người tiêu dùng phải thực sự là "mắt xích" quan trọng, phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Điều đó không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa, bảo vệ nền sản xuất trong nước” – ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.