Văn hóa

Xa rồi ngày ấy

Tản văn của THÁI HƯƠNG LIÊN 28/07/2024 09:29

Cô bạn thân đã trở lại đất nước mặt trời mọc sau chuyến về thăm quê hồi đầu tháng. Một hành trình trở về đầy háo hức sau quãng thời gian khá dài ở xứ sở hoa anh đào. Thế nhưng tôi biết, chuyến trở về để “gặp lại” tuổi thơ này, bạn tôi đã khá ngỡ ngàng. Có vẻ như rất nhiều thứ đã không còn như trong nỗi nhớ của bạn nữa.

tan-van-dscf3726.jpg
Lũy tre xanh và cánh đồng làng. Ảnh: Đức Quang.

Tôi nhận ra vẻ mặt vui mừng xen lẫn chút nuối tiếc thoáng hiện trên khuôn mặt đã trải nhiều sương gió của bạn khi hai đứa dạo chơi trên con đường làng vốn một thời là con đường chúng tôi cắp sách tới trường. Đã không còn những ngõ nhỏ quanh co xuyên từ làng này sang làng khác được lát bằng thứ gạch nghiêng cũ kỹ với hàng duối già cổ thụ tỏa bóng râm mát suốt mùa hè, tán lá xanh um rắc đầy những trái bi vàng tươi, chín mọng. Thay vào đấy là con đường trải bê tông sạch sẽ phẳng phiu hai bên là những ngôi nhà cao vút nhưng thưa vắng màu xanh cây lá.

Hồi ấy, chúng tôi là những đứa trẻ nghịch ngợm và có cái “mắt to hơn miệng” nên sẵn sàng bỏ vào mồm bất cứ thứ gì, những quả duối vàng chín mọng luôn trở thành món quà cho những buổi trưa đi học sớm. Chỉ những trái nào có đốm đen là bị “chê” thôi vì nghe nói những đốm đen ấy là do lũ rắn màu xanh nấp trên tán lá rậm rạp kia chích nọc độc vào. Nghe thật ghê sợ, thế mà trưa nào cả bọn cũng lang thang dưới bóng râm của hàng duối, cố gắng hái bằng được vài quả vàng mọng để nhấm nháp cái vị ngòn ngọt của nó và chỉ vắt chân lên cổ chạy khi thoảng nghe trong gió tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp…

Nhìn vào đôi mắt, tôi cũng biết cô bạn thân đã buồn biết bao khi không còn gặp lại mặt ao trong mát và sạch sẽ nằm lặng im dưới bóng râm của hàng tre đang mải miết soi gương chải tóc. Nơi ấy, năm xưa hai đứa thường đứng bên cầu ao những buổi chiều vàng rực nắng, lấy một ít xà phòng của mẹ, ngắt cuống rơm mới gặt về còn tươi nguyên để thổi bong bóng xà phòng. Những quả bóng mang màu của bảy sắc cầu vồng bay lượn trong gió chiều rồi tan biến trong không gian đã khảm vào trái tim chúng tôi một nỗi nhớ da diết mãi không nguôi. Tôi hiểu điều này vì chính tôi cũng cảm thấy tiếc nuối khi vẻ đẹp ấy đã bị thay thế bằng những thứ hiện đại. Nhưng nỗi buồn đó cũng mau qua vì làng quê đang có thật nhiều đổi mới.

Con đường làng cho lũ trẻ đến trường bây giờ sạch sẽ và rộng rãi, chúng chẳng còn là con đường đất, ngày nắng thì bụi mù đỏ quạch, ngày mưa thì lầy lội và trơn như đổ mỡ nữa. Ngôi trường làng giờ thật rộng lớn với rất nhiều cây xanh và các phòng học hiện đại. Bạn tôi khá bất ngờ khi vẫn còn cái giếng làng to tướng, dù già nua nhưng vẫn chất chứa trong lòng dòng nước trong mát ngọt lành. Nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình để nghỉ ngơi và không còn là nơi cung cấp nước sạch cho người dân nữa bởi nông thôn giờ đã có nước máy. Nơi này, ngày xưa chúng tôi thường hay thi nhau gánh nước để tìm ra ai là người không làm sóng tràn ra đất. Một cuộc thi mà tôi luôn giành giải… bét, do cái thùng của tôi có một lỗ thủng nhỏ, mặt đường nơi tôi đi qua luôn để lại một “con rắn” chạy ngoằn ngoèo từ bờ giếng về tới tận nhà.

Cánh đồng làng bây giờ dù không còn rộng mênh mông bát ngát như trong cái nhìn của hai đứa trẻ của mấy chục năm trước nữa nhưng chiều nay, nó vẫn dâng lên mùi hương bát ngát. Màu xanh và mùi hương lúa đang thì con gái đem đến cho hai chúng tôi cái cảm giác bình yên. Bạn đã nói với tôi rằng, bạn sẽ đem theo cái mùi hương lúa dậy lên trong nắng của những phút giây này đến tận phương trời xa, vượt qua tất cả những khoảng cách địa lý xa xôi. Gió trời có mạnh cỡ nào cũng không thể làm hương phai được bởi bạn đã cất giữ nó tận thẳm sâu trong khứu giác rồi…

Tản văn của THÁI HƯƠNG LIÊN