Làm gì khi cước vận tải biển tăng?
Cước tàu biển bất ngờ tăng mạnh trong tháng 5 - 6 ảnh hưởng hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam. Có thời điểm cước vận tải biển tăng tới 30%.
Những tháng đầu năm nay, cước tàu biển bất ngờ tăng mạnh đã ảnh hưởng hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều ngành hàng và doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Đặc biệt là các DN xuất khẩu gạo và trái cây tươi khá “lao đao” vì giá cước tàu biển liên tục tăng.
Nguyên nhân của đợt tăng cước này được cho là do lượng hàng hóa từ Trung Quốc vận chuyển sang Mỹ tăng đột biến nhằm đối phó với việc Mỹ tăng thuế lên nhiều loại hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/8. Không chỉ cước tàu tăng gấp đôi, mà để đặt được tàu hoặc container rỗng nhiều DN Việt cũng gặp khó khăn. Một số DN và đối tác phải chọn cách kéo dài thời gian giao nhận hàng sau tháng 8 với kỳ vọng sau cao điểm Mỹ - Trung, cước sẽ giảm.
Bên cạnh đó, còn nguyên nhân nữa, đó là do các hãng vận tải buộc phải chuyển hướng tránh đi qua kênh đào Suez do rủi ro an ninh trên Biển Đỏ, khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn và làm tăng chi phí.
Mới đây, giá cước vận tải biển ở một số thời điểm, một số tuyến đã có xu hướng giảm nhẹ. Theo báo cáo mới nhất của Linerlytica - một hãng tư vấn vận tải biển ở Hong Kong (Trung Quốc), cước tàu có thể đã đạt đỉnh trong tháng 7, ít có khả năng tăng thêm và có thể quay đầu giảm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia trong nước nhìn nhận, điều này khó kéo dài và cũng khó có chuyển giảm sâu. Áp lực giá cả vận tải biển “may ra” chỉ có thể dần lắng dịu vào nửa đầu năm 2025. Còn từ nay đến cuối năm thì khó, vì đây chính là “mùa vận chuyển” cao điểm. Theo đó, các nhà thương mại tích cực chuẩn bị hàng cho mùa mua sắm cuối năm ở Mỹ và EU nên nhu cầu vẫn cao và khả năng giá cước khó giảm sâu. Do đó, các DN cần có những điều chỉnh để thích ứng.
Điều đáng khích lệ là, dù cước tàu tăng, trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt. Một trong những lĩnh vực đáng chú ý là gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 7,4 tỉ USD tăng đến 22,2% so với cùng kỳ năm 2023 hay giày dép đạt gần 11 tỉ USD tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Từ nay đến cuối năm sẽ là mùa cao điểm của hoạt động sản xuất kinh doanh. Các DN đang nỗ lực tăng tốc để đạt các mục tiêu tăng trưởng. Một trong những vấn đề cần giải quyết là giảm chi phí sản xuất trong đó có vấn đề liên quan tới cước tàu. Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã nêu ra 6 giải pháp để ứng phó với cước tàu biển tăng mạnh.
Thứ nhất, các hiệp hội ngành hàng, logistics, chủ tàu, đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải tập hợp DN hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.
Thứ hai, phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế: Bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, DN xuất nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, trong đó có tuyến đường vận tải đa phương kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu.
Thứ ba, tăng cường tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định này.
Thứ tư, các DN xuất nhập khẩu phối hợp với cơ quan hải quan, DN khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng, góp phần thúc đẩy luồng hàng lưu thông và nâng cao năng lực xử lý hàng hóa tại cảng.
Thứ năm, hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng mua bán, hợp đồng bảo hiểm.
Thứ sáu, xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh trước các sự cố phức tạp, rủi ro tương tự trong tương lai.
Song song với những đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có thư gửi ông Turgut Erke-skin - Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận (FIATA) với mong muốn ông Turgut Erkeski và FIATA có thể hỗ trợ, có những biện pháp thiết thực để giúp DN Việt Nam vượt qua các khó khăn về logistics.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị FIATA chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp mà các quốc gia và các hiệp hội thành viên của FIATA đã và đang áp dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các khoản phí ngoài cước thu tại cảng. Trong phạm vi ảnh hưởng của mình với các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nhấn mạnh vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu để có ưu tiên phù hợp về phương tiện và thiết bị vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho thị trường Việt Nam.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng mong muốn FIATA hỗ trợ Việt Nam trong chiến lược định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hóa, địa điểm trung chuyển quốc tế mới của châu Á trong cộng đồng các doanh nghiệp logistics toàn cầu. Ủy quyền cho các tổ chức Việt Nam tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ FIATA để góp phần nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cao...