Bao giờ Việt Nam trở thành ‘phim trường quốc tế’?
Một trong những hoạt động xúc tiến du lịch được cho là hiệu quả để thu hút du khách và phát triển kinh tế du lịch đó là thông qua điện ảnh. Quảng bá vẻ đẹp của thiên nhiên, di sản thông qua những bộ phim “bom tấn” của thế giới đã từng được nhiều quốc gia thực hiện và thu hút rất đông du khách quốc tế tìm đến. Các bối cảnh, phim trường của các đoạn làm phim sau đó cũng trở thành điểm tham quan phục vụ du khách… Nhưng bao giờ Việt Nam sẽ làm được?
1.Cách đây khoảng 7 năm, khi đó đoàn làm phim “Kong: Skull Island” đến Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình để quay một số cảnh và đặc biệt, dựng phim trường ở Ninh Bình, thì câu chuyện hợp tác điện ảnh tiếp tục được đặt ra, thu hút sự chú ý của dư luận.
Thế nhưng, ngược thời gian kiểm đếm lại, chúng ta có thể nhận ra từ những năm 1970 trở lại đây, không nhiều đoàn phim quốc tế đến nước ta chọn bối cảnh. Tính đi tính lại, có thể nhắc tới các phim đã có cảnh quay ở Việt Nam như: “Người tình”, “Đông Dương”, “Người Mỹ trầm lặng”, “Hai con gái ông chủ vườn thuốc Trung Hoa”…
Trong khi đó, Việt Nam tự hào với nhiều cảnh đẹp, nhiều di sản thiên nhiên ít tìm thấy được trên thế giới. Chúng ta cũng tự hào về bản sắc văn hóa đa dạng, ẩm thực phong phú, giá nhân công và giá cả sinh hoạt, dịch vụ rẻ… So với nhiều quốc gia khác, đó là những “lợi thế vàng”. Tuy nhiên, chúng ta lại không có chiến lược thúc đẩy, thu hút, để biến những lợi thế ấy thành những sản phẩm mang lợi ích kinh tế cho đất nước.
Theo giới chuyên gia, để không lãng phí tiềm năng của điểm đến Việt Nam, chúng ta cần tăng cường các giải pháp quảng bá để thu hút các đoàn làm phim quốc tế và tận dụng cơ hội đầu tư từ các nước để phát triển du lịch điện ảnh.
Cách đây chưa lâu, tại buổi gặp gỡ công bố chương trình tài trợ hợp tác làm phim giữa các nhà làm phim Hong Kong (Trung Quốc) với các nhà làm phim Việt Nam, ông Gary Mak, đại diện Cơ quan phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo (CCIDA) cho biết, Hong Kong mong muốn trao đổi hợp tác sản xuất phim ảnh với các đối tác châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội cho nhà làm phim, đạo diễn biến Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành một phim trường quốc tế trong thời gian tới. Qua đó, du lịch cũng phát triển thông qua điện ảnh.
2. Thực ra, không phải các nhà quản lý văn hóa không biết đến việc thu hút khách du lịch thế giới qua điện ảnh. Trong những năm qua, nhiều chương trình hợp tác, quảng bá du lịch cũng đã được tổ chức. Nhiều chuỗi quảng bá văn hóa, di sản thông qua các chương trình phối hợp với kênh CNN cũng đã được thực hiện…
Thậm chí, sau khi một số nghệ sĩ, ca sĩ nước ngoài quay MV tại Việt Nam cũng đã tạo ra những hiệu ứng và cơ quan quản lý văn hóa, du lịch cũng thấy được những tín hiệu tích cực. Tuy vậy, điều đó vẫn chưa đủ.
Mới đây, Bộ VHTTDL cũng đã thông qua chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới”. Đây là chương trình nhận được sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp với nhiều kỳ vọng góp phần thúc đẩy hợp tác và phát triển du lịch, điện ảnh khi hứa hẹn có nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Mỹ cùng tham gia.
Theo Bộ VHTTDL, Mỹ luôn là thị trường có lượng khách đi du lịch nước ngoài và chi tiêu du lịch lớn hàng đầu thế giới. Năm 2019, người Mỹ có hơn 128 triệu chuyến đi quốc tế (đứng đầu thế giới), tổng chi khi đi nước ngoài đạt hơn 134 tỷ USD, chỉ xếp sau Trung Quốc. Trước dịch Covid-19, Mỹ luôn thuộc 5 thị trường gửi khách du lịch quốc tế hàng đầu đến Việt Nam, thời gian lưu trú dài, chi tiêu cao.
Việt Nam có nhiều thuận lợi để thu hút khách Mỹ du lịch vốn ưa thích khám phá, tìm kiếm các trải nghiệm khác biệt: Thiên nhiên tươi đẹp, bề dày văn hóa, lịch sử, ẩm thực phong phú, con người thân thiện… Tuy nhiên, lượng khách Mỹ đến Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của cả hai nước.
Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” nhằm quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim Hollywood đến Việt Nam thực hiện quay các bộ phim có sức hút lớn, có khả năng tạo hiệu ứng truyền thông quốc tế, thúc đẩy quảng bá và thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
Dự kiến, chương trình sẽ được tổ chức bằng nguồn kinh phí hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của các địa phương, doanh nghiệp tham dự và kinh phí xã hội hoá khác. Chương trình sẽ diễn ra vào quý III, quý IV năm 2024 tại San Francisco và Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ, bao gồm chuỗi hoạt động đa dạng, có sự gắn kết quảng bá xúc tiến du lịch với điện ảnh, văn hóa, ẩm thực.
Cùng với các đơn vị đến từ Việt Nam, chương trình có sự tham gia của một số tổ chức du lịch và điện ảnh, một số tập đoàn, doanh nghiệp du lịch lớn, các tập đoàn truyền thông, các hãng hàng không, tàu biển, các đối tác liên quan phía Mỹ.
Thực tế, ngay từ khi mới công bố ý tưởng tổ chức, chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, những người trực tiếp làm du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi mới về phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đối với thị trường quốc tế thông qua lĩnh vực điện ảnh là phù hợp, thiết thực và hiệu quả.
Sự kiện được kỳ vọng sẽ thu hút khách Mỹ đến Việt Nam, phấn đấu đạt mục tiêu đón 1,3 triệu lượt khách Mỹ năm 2028 và đưa Hoa Kỳ vào nhóm 3 thị trường gửi khách hàng đầu đến Việt Nam.
3. Tại hội thảo “Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển” vừa qua tại Đà Nẵng, câu chuyện làm sao để Việt Nam trở thành phim trường quốc tế tiếp tục được đặt ra. Các chuyên gia, nhà quản lý, thậm chí bản thân các địa phương cũng biết được vai trò, sức ảnh hưởng của phim ảnh đối với tâm lý du lịch của khách quốc tế. Tuy nhiên, tháo gỡ những rào cản, thay đổi cách tư duy về quản lý là điều cần được tháo gỡ sớm.
Theo ông Sirisak Koshpharashin - đại diện Liên đoàn Quốc gia các hiệp hội làm phim Thái Lan, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam và Thái Lan có một số nét tương đồng, trong đó nổi bật là bối cảnh tự nhiên phù hợp với phim Hollywood và các nước. Tuy nhiên, nhà làm phim quốc tế ưu tiên đến Thái Lan hơn so với các nước trong khu vực vì có nhiều ưu đãi thuế, cơ sở hạ tầng đáp ứng tiêu chuẩn. Khi các nhà làm phim quốc tế đến quay phim, họ sẽ góp phần quảng bá hình ảnh nước sở tại đến thế giới.
Vẫn theo chia sẻ của ông Koshpharashin, các đoàn phim khi đến Thái Lan luôn cần nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Khách sạn 5 sao của Thái Lan rẻ chỉ bằng khách sạn 2 sao ở Mỹ, nên Thái Lan trở thành điểm đến của nhiều đoàn làm phim trên thế giới.
Theo ông Jared Dougherty - Phó chủ tịch - Giám đốc phụ trách Chính sách công và đối ngoại của Sony Pictures Entertainment khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhiều nước muốn khuyến khích làm phim để quảng bá đất nước của họ nên có nhiều chính sách thu hút quay phim, tạo điều kiện bằng việc đưa ra thủ tục minh bạch.
Ông Dougherty cũng dẫn chứng, như ở Australia, họ có những chính sách giảm chi phí đoàn làm phim vì muốn lan truyền sức mạnh mềm của họ, quảng bá cảnh đẹp… Khách du lịch đến Sydney có ấn tượng tích cực sẽ chia sẻ và tiếp tục thu hút du khách. Do đó, ông Dougherty cho rằng, Việt Nam muốn quảng bá hình ảnh mình qua các bộ phim thì phải có chính sách thu hút đoàn phim.
Mặc dù Luật Điện ảnh đã có nhiều thay đổi để các đoàn phim nước ngoài tới làm phim ở Việt Nam được thuận lợi hơn, nhưng để Việt Nam trở thành phim trường của thế giới thì đó vẫn còn là một hành trình đầy gian nan. Và để tháo gỡ được điều đó, không chỉ là sự thay đổi, hợp tác tích cực giữa các cơ quan hữu quan tại Việt Nam, mà bản thân các địa phương cũng cần có sự đầu tư, hỗ trợ cho các đoàn làm phim quốc tế. Không chỉ là câu chuyện thủ tục hành chính, mà cả về hỗ trợ ăn ở, di chuyển… Bởi lẽ, sự thành công các dự án phim “bom tấn” sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho địa phương…
Hiện Luật Điện ảnh đã có nhiều thay đổi để việc các đoàn phim nước ngoài tới làm phim ở Việt Nam được thuận lợi hơn. Nhưng câu chuyện giảm thuế, hoàn thuế đối với các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam vẫn chưa được “gỡ”. Bên cạnh đó, cũng cần tạo thông thoáng hơn nữa về giấy phép và thủ tục từ Trung ương đến địa phương, thực thi các chính sách ưu đãi về chi phí sản xuất và thuế phí, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và bồi dưỡng nhân lực để đáp ứng các đoàn phim quốc tế… Có như vậy, Việt Nam mới có thể trở thành địa điểm lựa chọn ghi hình quốc tế và phim trường của thế giới.