Tiếng vọng ‘Cúc ơi…’
Những ngày cuối tháng 7, tôi nghe lại MV “Cúc ơi” của nghệ sĩ Tố Nga để nhớ về các nữ thanh niên xung phong anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Đó là một MV được đầu tư làm cẩn thận, với tấm lòng của nghệ sĩ và anh em trong ê kíp. MV “Cúc ơi”, cũng như nhiều MV, bài hát khác về chủ đề thương binh - liệt sĩ, là tiếng lòng của những người đi sau tri ân, tưởng nhớ những thế hệ đi trước…
Xem lại MV “Cúc ơi” của nghệ sĩ Tố Nga không thể không nhớ tới nhà thơ Yến Thanh (tên thật là Nguyễn Thanh Bính). Ông chính là tác giả của bài thơ “Cúc ơi!” nổi tiếng. Bài thơ ấy đã được khắc trên bia đá đặt trong khu mộ 10 nữ anh hùng tại Ngã ba Đồng Lộc, và đây cũng là bài thơ được nhiều nhạc sĩ đã phổ thành ca khúc, được nhiều nghệ sĩ, ca sĩ thể hiện, trong đó có nghệ sĩ Tố Nga.
Nguyên văn bài thơ như sau:
Cúc ơi!
Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được!)
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! em ở đâu?
Đất nâu lạnh lắm
Da em xanh
Áo em thì mỏng!
Cúc ơi! em ở đâu?
Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ
Bài toán lớp Năm em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn
Ở đâu hỡi Cúc
Đồng đội tìm em
Đũa găm cơm úp
Gọi em
Gào em
Khan cổ cả rồi
Cúc ơi!
Theo lời tác giả Yến Thanh, ông viết bài thơ này vào đêm ngày 25/7/1968, viết trong sự xúc động vì chiều ngày 24/7/1968, trong khi cả tiểu đội đang thi công tại Đồng Lộc thì bất ngờ một trong ba chiếc máy bay phản lực F105 cắt bom trúng nơi 10 cô ẩn nấp. Thi thể 10 cô bị vùi dưới đất. Sau 2 tiếng đồng hồ, đơn vị đào được thi hài 9 cô, đặt trên 9 cáng xếp thành một hàng ngang như khi còn sống tiểu đội tập hợp. Riêng Hồ Thị Cúc, mãi chưa tìm được thi thể.
Ban đầu ông đặt tên bài thơ là “Hồn trinh nữ ở đâu?”. Sau đó, ông sửa thành “Cúc ơi!” rồi giấu vào túi áo không dám nói với ai sợ bị trách là người vô tình. Sau đó tác giả gửi bài thơ “Cúc ơi!” cho tiết mục “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Vào một đêm tháng 8/1968, Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên bài thơ “Cúc ơi!” qua giọng đọc của nghệ sĩ Văn Thành.
Bài thơ ra đời đã chạm vào trái tim nhiều người, ai tới Ngã ba Đồng Lộc đọc được bài thơ cũng rưng rưng xúc động. Đến nay, bài thơ “Cúc ơi!” đã có 5 nhạc sĩ phổ nhạc. Đó là nhạc sĩ Bùi Hăng Ry, Võ Công Diên, Phạm Thắng, Vũ Phúc Ân, Nguyễn Trung Nguyên. Tác giả Yến Thanh bảo rằng, cả 5 nhạc sĩ ông đều không thân quen, và mỗi nhạc sĩ khai thác bài thơ ở một góc độ khác nhau.
Có người giữ nguyên tên tác phẩm “Cúc ơi!”, nhưng cũng có người đã thay tên “Em ở nơi mô?”. “5 bản nhạc, 5 phong cách, 5 giai điệu khác nhau, nhưng tôi thích nhất là bản nhạc của Bùi Hăng Ry. Còn ca sĩ tôi lại thích Thu Hiền thể hiện bài “Em ở nơi mô” của Võ Công Diên”, nhà thơ chia sẻ.
Tác giả Yến Thanh sinh năm 1945, quê ở xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tham gia lực lượng thanh niên xung (TNXP) phong giai đoạn 1965-1971 theo diện biệt phái từ một kỹ sư cầu đường, phụ trách kỹ thuật cho 2 Tổng đội TNXP là N53 và N55. Từ ngày 1/4/1968, UBND tỉnh Hà Tĩnh lệnh điều động toàn bộ Tổng đội TNXP N55 về đảm bảo giao thông khu vực Đồng Lộc dài 16km từ Cống 19 của xã Phú Lộc cho đến Khe Giao của xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc. Ông bị thương tại Khe Út năm 1968 và bây giờ đang hưởng chính sách của thương binh hạng 4/4.
Theo lời tác giả bài “Cúc ơi!”, thời gian phụ trách kỹ thuật Đội TNXP N55-P18, ông là cây sáng tác "đa hệ" để có tiết mục cho đội văn nghệ của đơn vị. Ông viết cả thơ, hoạt cảnh, kịch nói, vũ đạo múa, hò, vè, tấu hài... góp phần cho phong trào tiếng hát át tiếng bom của đơn vị ở Đồng Lộc lên cao trào thuở đó.
Từ năm 1965 đến nay, tác giả Yến Thanh đã làm thơ về TNXP và Ngã ba Đồng Lộc với khoảng 300 bài, trong đó có 3 bài thành công, đó là: “Cúc ơi!”, “Nén hương đồng đội” và bài “Ngã ba tên -em”.